Cuộc chạy trốn 60 năm của một nữ cai ngục Đức quốc xã

24/09/2006 23:17 GMT+7

Cuối tháng 8/2006, Mỹ đã thực hiện một vụ dẫn độ hy hữu trong lịch sử tội phạm khi trao trả về Đức một phụ nữ đã 84 tuổi, vốn là một nữ cai ngục Đức trong Thế chiến thứ 2, đã chạy trốn sự trừng phạt của công lý trong suốt 6 thập kỷ qua.

Elfriede Rinkel, tên của người phụ nữ Đức, đã chạy trốn an toàn đến Mỹ trong 62 năm qua mà không bị cơ quan điều tra Mỹ phát hiện. Theo sự thú nhận của Rinkel thì bà ta là một trong số 958 nữ cai ngục của trại tập trung Ravensbruck tại nam Berlin (Đức). Đây là một trại tập trung khét tiếng chủ yếu dành cho phụ nữ với số tù nhân lên đến 150 ngàn (có 130 ngàn là nữ), khoảng 90 ngàn tù nhân đã bị đưa vào phòng hơi ngạt hoặc chết vì đói rét. Theo một số nhân chứng sống sót thì nữ tù nhân tại đây bị hành hạ một cách vô cùng dã man như bị ép buộc phá thai bằng bạo lực, trẻ sơ sinh bị vứt bỏ hoặc bị bóp cổ cho đến chết.

Lẩn trốn

Tháng 4/1945, khi Hồng quân Liên Xô tấn công Berlin, trại tập trung Ravensbruck được giải phóng và Rinkel đã che giấu tung tích, chạy trốn sự truy tìm của quân đội Đồng minh. Bà ta đến San Francisco năm 1959 theo sự bảo lãnh của người anh trai vốn là một tù binh Đức quốc xã đã định cư tại Mỹ từ 1950. Năm 1962, Rinkel kết hôn với Fred Rinkel, một người Do Thái gốc Đức có cha mẹ đều đã bị Đức quốc xã giết hại trong trại tập trung Holocaust (ông này đã chạy trốn đến Mỹ trước Rinkel khoảng 20 năm). Cho đến khi qua đời, người chồng của Rinkel vẫn không hề hay biết quá khứ đen tối của người vợ yêu quý. Đầu tháng 10.2004, các nhân viên điều tra đặc biệt Mỹ đã lần ra dấu vết của bà lão 82 tuổi này tại một căn hộ sang trọng trên đường Bush thuộc khu Nob Hill (San Francisco). Khi đó, Rinkel đã góa bụa được 9 tháng và hàng xóm chỉ biết đấy là một phụ nữ hiền lành, dễ thương và luôn sống khép kín. Lúc chôn cất chồng tại nghĩa trang Eternal Home, bà Rinkel đã thuê làm sẵn cho mình một ngôi mộ bên cạnh mộ chồng với hai tấm bia có ngôi sao David (biểu tượng cho người Do Thái) bên trên. Đây là điều mà luật sư của Rinkel đã lấy làm căn cứ để bảo vệ cho thân chủ của mình tại Mỹ rằng: "Rinkel đã cố gắng để chuộc tội. Bà đã lấy một người Do Thái và có trái tim nhân hậu của dân tộc này".

Bà Elfriede Rinkel

Tha thứ?

Để tìm ra được Elfriede Rinkel, cơ quan điều tra Mỹ đã phải nghiên cứu, sàng lọc trong số 70 ngàn hồ sơ liên quan đến trại Ravensbruck và quyết tâm tìm kiếm bằng được vì "đây là những kẻ giữ vai trò quan trọng đưa đến những cái chết đau thương của tù nhân trong các trại tập trung của Đức quốc xã", theo lời luật sư A.Fissher, Bộ Tư pháp Mỹ và "vụ Rinkel phản ánh quyết tâm không ngừng của Mỹ trong việc phát hiện và trục xuất tội phạm Đức quốc xã ra khỏi nước Mỹ". Tuy nhiên, Rinkel thừa nhận bà ta gia nhập đội quân SS tại trại Ravensbruck chỉ vì lý do kinh tế và nhiệm vụ của bà lúc đó chỉ là nhân viên cảnh khuyển trông coi tù nhân và không phải là đảng viên đảng Quốc xã Đức. Tuy nhiên, khi các công tố viên Mỹ hỏi rằng tại sao bà không chọn công việc khác hoặc xin điều chuyển khỏi trại tập trung này thì Rinkel không trả lời được.

Vụ Rinkel thu hút sự chú ý của dư luận Mỹ vì đây là vụ trục xuất duy nhất với một phụ nữ kể từ năm 1979, khi Mỹ đưa ra xét xử 102 tội phạm chiến tranh Đức quốc xã đã che giấu lý lịch để nhập cư Mỹ kể từ sau 1945 (trong số này có 62 tội phạm đã bị trục xuất khỏi Mỹ). Số phận của Rinkel đến nay vẫn chưa được quyết định một cách dứt khoát vì theo quan điểm của Mỹ thì đây là một vụ phức tạp và luật pháp Mỹ yêu cầu phải đưa ra trước tòa mọi hành vi phạm tội trong bất kỳ thời điểm nào. Do Rinkel vẫn còn mang quốc tịch Đức nên Mỹ đã quyết định dẫn độ nữ tội phạm gần 90 tuổi này về cố hương để Đức "tự xử" công dân của họ. Theo luật pháp Đức thì các công tố viên Đức có quyền mở một cuộc điều tra và đưa ra xét xử Rinkel xem bà này có phạm tội trong thời gian làm lính SS tại trại Ravensbruck không. Tuy nhiên, cơ quan điều tra Đức về tội phạm Đức quốc xã có vẻ không "mặn mà" lắm với mong muốn của người Mỹ vì theo ông giám đốc Kurt Schrimm thì "chúng tôi sẽ không khởi tố vụ này bởi vì không có chứng cứ để kết luận rằng bà Rinkel đã phạm vào một tội ác nào đó". Một số nhà làm luật Đức cũng cho rằng vị trí của Rinkel trong hệ thống cơ quan SS của Đức quốc xã trước đây là quá thấp và "ở Đức hiện còn đầy rẫy những người như thế này".

Không biết liệu người Đức có quyết định bỏ qua quá khứ của Rinkel hay không nhưng một điều chắc chắn rằng, bà ta không thể có cơ hội quay lại Mỹ để yên nghỉ bên cạnh người chồng một khi qua đời.

Hiếu Lê
(Theo LA)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.