Thủy điện nhỏ gây ngập lụt nặng hơn

13/11/2010 23:09 GMT+7

Đó là nhìn nhận của Thứ trưởng Bộ Công thương Hoàng Quốc Vượng tại Hội thảo "Công tác vận hành các hồ chứa thủy điện", do Bộ Công thương tổ chức sáng qua 13.11.

Theo Bộ Công thương, cả nước hiện có 86 nhà máy thủy điện nhỏ công suất dưới 30 MW. Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Công thương Hoàng Quốc Vượng thừa nhận thực tế nhiều nhà máy thủy điện nhỏ gây ngập lụt lớn cho vùng hạ du, đồng thời cho biết sẽ giao Vụ Năng lượng rà soát lại toàn bộ các dự án thủy điện nhỏ công suất lắp đặt chỉ vài MW, nếu hiệu quả kinh tế không cao nhưng lại gây ảnh hưởng môi trường lớn, gây ngập lụt nghiêm trọng, sẽ loại khỏi quy hoạch.

Nhưng không chỉ thủy điện nhỏ, việc vận hành bất cập giữa các hồ chứa, dự báo chậm và thiếu chính xác cũng là những tác nhân lớn gây ra lũ lụt nghiêm trọng tại miền Trung vừa qua.

Thủy điện kêu khó

Liên quan đến vụ xả lũ vừa qua của thủy điện sông Ba Hạ, ông Võ Văn Tri, Tổng giám đốc Công ty cổ phần thủy điện sông Ba Hạ, cho biết: "Trong quá trình điều tiết xả lũ rất cần thông tin dự báo sớm, đầy đủ để chủ động xả nước khi đạt yêu cầu, không để xả muộn, là cực kỳ quan trọng. Đặc biệt chống vận hành xả lũ vào ban đêm. Nhưng do dự báo muộn nên quá trình vận hành rất khó đưa mực nước hồ về mực nước chống lũ, dẫn tới thông tin xả lũ lần đầu về muộn".

Cũng theo ông Tri, trong giai đoạn 2 giảm lũ cho hạ du bằng dung tích chống lũ, cần nhất là bản tin dự báo lũ, nhưng bản tin này không cho biết mô hình sắp tới là như thế nào, đỉnh cao nhất, xuất hiện thời gian nào, mà chỉ chung chung một ngày lưu lượng bao nhiêu, nên khi điều hành chỉ biết đỉnh lũ khi lũ đã vượt đỉnh. "Theo nguyên tắc chúng ta cắt đỉnh lũ bao nhiêu cần có mô hình rõ ràng, có như vậy mới cắt phần lưng lũ, phương án cắt sớm để cắt đỉnh lũ hiệu quả. Trường hợp xuất hiện lũ kết rất khó nhận biết, đặc biệt với lưu vực sông Ba, hồ gần các nhánh khác nhau, lưu lượng mưa khác nhau, hồ vừa xuất hiện đỉnh lũ này lại chồng tiếp đỉnh lũ khác, trường hợp lũ kết rất khó chống lũ. Khả năng xả lũ của sông Ba với lũ thiết kế rất lớn, muốn hướng đến đỉnh lũ rất lớn, nhưng do dự báo nên chúng tôi không biết đỉnh nào lớn, nhỏ", ông Tri trần tình.

Rừng mất, lũ khốc liệt
Rừng đầu nguồn tại Tây Nguyên bị tàn phá rất kinh khủng, trước đây mưa đầu nguồn 1 tuần nước mới về, bây giờ mưa buổi sáng buổi chiều nước đã về, đỉnh lũ rất nhỏ và cao. Một phần do áp lực tìm kiếm đất sản xuất của người dân, phần khác do chính sách trồng bảo tồn phát triển rừng chưa được cụ thể. Mất rừng nên không duy trì được nước, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hạ du.

(Ông Đoàn Tiến Cường, Phó giám đốc Công ty cổ phần thủy điện Ialy)

Ông Đào Tấn Cam, Giám đốc Sở Công thương Phú Yên, cho biết trước khi có thủy điện Ba Hạ, khu vực sông Ba lũ lụt thường xuyên. "Nói thủy điện Ba Hạ không tuân theo quy trình, xử lý sai là oan cho Ba Hạ, vì thủy điện có báo cáo xử lý cho Ban chỉ huy PCBL nhưng do sơ suất không báo cáo cho UBND tỉnh theo quy trình vận hành liên hồ chứa", ông Cam nói. Ông Cam cũng đề xuất sơ đồ ngập lụt liên hồ theo quy trình vận hành liên hồ chứa, bởi từng nhà máy có mức xả, ngập lụt riêng nhưng mức xả giữa các hồ chưa có.

Ông Bùi Minh Tăng, Giám đốc Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn T.Ư, cho rằng: "Các hồ thủy điện A Vương, Ba Hạ mới đi vào hoạt động 2, 3 năm nay, nhưng năm 1999 đã có lũ lớn hơn năm nay nhiều, chúng ta đổ cho ai? Năm 2007, A Vương cũng chưa hoạt động nhưng lũ rất lớn ở khu vực này. Nếu tính toán chưa đầy đủ, lũ lớn đổ tại hồ thủy điện xả lũ là chưa khách quan".

Cần quản lý theo lưu vực

Theo ông Đỗ Đức Quân, Vụ phó Vụ Năng lượng, Bộ Công thương, miền Trung do địa hình dốc, lũ xuống rất nhanh, chỉ xây dựng hồ chứa cực kỳ lớn mới chống được những cơn lũ lịch sử, nhưng điều này rất khó khả thi do yếu tố địa hình. Ông Quân cho rằng để xử lý được tình trạng ngập lụt hạ du, phải quản lý lưu vực sông cả thượng nguồn, hạ nguồn. Đơn cử như Quảng Nam, phía hạ du một loạt công trình dựng lên đã làm nghẽn vấn đề thoát lũ. Đồng thời, các chủ hồ thủy điện phải làm việc tích cực với cơ quan khí tượng thủy văn T.Ư, xây dựng các mô hình kịch bản lũ khác nhau để chủ động điều hành, cùng với thông tin giữa các chủ hồ chứa trên một lưu vực sông, thông báo kịp thời tình trạng xả lũ…

Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng nhấn mạnh các chủ hồ thủy điện cần tuân thủ nghiêm ngặt quy trình vận hành hồ chứa, có kế hoạch, phối hợp chặt chẽ giữa các hồ trên cùng dòng sông, đồng thời tăng cường công tác quản lý, chống lấn chiếm hành lang thoát lũ. Để dự báo tình hình lũ, xả lũ xác thực hơn, ông Vượng đề xuất Bộ TN-MT và các chủ hồ thủy điện phải tăng cường hệ thống các trạm quan trắc ở lưu vực sông.

Mai Hà

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.