Truyền nghề cho bạn

12/11/2010 09:02 GMT+7

Hơn ba năm qua tiệm sửa xe gắn máy của Tiêu Anh Khoa (TP.HCM) là nơi cho ra lò nhiều tay thợ trẻ, có người còn ra được tiệm riêng.

Tiệm sửa xe của Khoa nằm gần ban điều hành khu phố và rất dễ nhận ra bởi phía trước treo băngrôn “Điểm dạy nghề thanh niên khu phố 1, P.8, Q.4”.

Trung tâm dạy nghề... khu phố

Bạn trẻ nào khó khăn trên địa bàn phường muốn học nghề sửa xe để kiếm sống đều có thể đến đây học. Không có giáo trình và cũng không có quy trình dạy “lý thuyết trước, thực hành sau”, Khoa dạy kiểu kèm trực tiếp thông qua từng “bệnh” của mỗi chiếc xe, vừa làm vừa học.

Chi hội thanh niên ở tiệm

Chia sẻ tay nghề cho bạn, mong bạn cũng có nơi kiếm cơm như mình là điều đem lại niềm vui cho chàng trai mồ côi nhưng giàu lòng thương bạn như Khoa. Anh vẫn ấp ủ ngày càng mở rộng tiệm để phát triển nghề nghiệp và giúp được nhiều bạn trẻ hơn nữa... Mới đây, tiệm sửa xe của Khoa còn được Hội LHTN quận 4 thành lập chi hội thanh niên.

Những ngày đầu làm quen với nghề, các bạn trẻ sẽ được Khoa bao cơm trưa. Khoảng ba tháng sau khi có thể làm được những việc đơn giản, lúc này Khoa trả công theo tuần.

“Tùy vào thu nhập của tiệm mà anh em chia nhau số tiền làm được. Dù chưa giỏi nghề nhưng khi trả tiền lao động cho các bạn cũng là cách khích lệ tinh thần để các bạn phấn đấu”- Khoa cho biết.

Học với Khoa, các bạn được kèm rất sát, không chỉ là tay nghề mà còn hướng dẫn cả cách giao tiếp, nói chuyện với khách để tạo sự tin tưởng nơi khách hàng.

Có được tay nghề, nhiều bạn đã đi làm riêng hoặc mở tiệm để phát triển hơn nữa, trong đó có bạn Nguyễn Viết Cường sau khi lấy vợ đã về huyện Hóc Môn mở tiệm. “Lâu lâu liên lạc thấy bạn làm ăn được, cuộc sống vợ chồng bạn ổn định là mình thấy vui rồi”- Khoa tâm sự.

Ông chủ tiệm mồ côi

Quê Khoa ở Bình Dương. Năm Khoa lên 4 tuổi thì cha mất. Mẹ giúp việc nhà ở thị xã Thủ Dầu Một (Bình Dương), Khoa về sống với người dì ở huyện Bến Cát (Bình Dương).

Hiểu phận côi cút, Khoa chăm chỉ vừa đi học chữ vừa phụ và học nghề sửa xe tại tiệm của gia đình người dì. Hết lớp 7, đời sống khó khăn Khoa dở dang việc học, xuôi về Sài Gòn và nhiều năm sau xin vào làm ở một tiệm sửa xe trên đường Ký Con (Q.1). Về phố sửa xe, Khoa thỏa thích được khám phá các loại xe gắn máy, tay nghề được nâng lên nhiều hơn.

Rồi người mẹ ở quê bệnh nặng và qua đời. Sau khi đội tang mẹ xong, Khoa lên lại Sài Gòn và bắt đầu những bước khởi nghiệp. Thuê được mặt bằng, Khoa bắt đầu những ngày gầy dựng tiệm sửa xe với bộ đồ nghề cọc cạch được anh dành dụm mua trong suốt gần sáu năm đi làm và học nghề trên đường Ký Con.

 “Mỗi lần nhận tiền công tôi lại dành ra một ít để mua một món đồ nghề chuẩn bị khi nào đủ thì ra tiệm. Đi làm thuê hoài bao giờ mới có dư”- Khoa cho biết.

Chịu thương chịu khó, được bà con trong khu phố yêu mến, do vậy Khoa cũng được tổ tự quản giảm nghèo giới thiệu vay vốn 5 triệu đồng mua thêm ít phụ tùng về sửa xe cho khách. Thấy trong khu phố còn những bạn trẻ thuộc những hộ nghèo phải nghỉ học sớm, Khoa nhận vào để kèm nghề. Dần dà “trung tâm” của Khoa còn nhận các bạn của cả phường, thậm chí có người còn nhờ kèm nghề cho những bạn ở tận miền Trung hay miền Tây lên...

Theo Tuổi Trẻ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.