Có ngăn chặn được tình trạng lấn chiếm sông rạch ?

31/10/2005 21:32 GMT+7

Hiện nay, tình trạng lấn chiếm sông, kênh, rạch trên địa bàn TP.HCM diễn ra phổ biến với tính chất ngày càng phức tạp. Vi phạm chủ yếu là san lấp, cơi nới, lấn chiếm sông, kênh, rạch để mở rộng phạm vi sử dụng. Hậu quả là dòng chảy tự nhiên bị thu hẹp và thay đổi gây ra ngập úng cũng như sạt lở bờ sông. Đối phó với tình trạng này, ông Trần Văn Kỷ (ảnh) - Trưởng phòng quản lý giao thông thủy, Sở Giao thông - Công chính (GTCC) TP.HCM cho biết:

- Khu Đường sông phối hợp với Ban Thanh tra GTCC kiểm tra định kỳ hằng tháng và thông báo đến UBND các quận, huyện các trường hợp vi phạm về san lấp, xây dựng lấn chiếm sông, kênh, rạch để ngăn chặn và xử lý. Tổng số các vụ vi phạm tồn đọng từ năm 2000 - 2004 là 138 vụ, trong đó đã giải tỏa 64 vụ, còn lại 74 vụ. 6 tháng đầu năm 2005 có 25 vụ vi phạm. Hiện còn 92 vụ đang được Sở GTCC yêu cầu các quận, huyện tổ chức cưỡng chế dứt điểm. Các địa phương vi phạm nhiều là Q.7 (33 vụ), H.Bình Chánh (16 vụ), Q.9 (12 vụ), Cần Giờ (9 vụ). Đặc biệt, đối với các vi phạm mới phát sinh năm 2005, cần phải xử lý kịp thời để trả lại nguyên trạng ban đầu, không để tồn tại kéo dài làm ảnh hưởng đến an toàn giao thông thủy và cảnh quan, môi trường đô thị.

Đối với những trường hợp kinh doanh trái cây, vứt vỏ dừa xuống sông, kênh, rạch, đoàn thanh tra và chính quyền địa phương thường xuyên kiểm tra và xử lý các hộ này. Vi phạm dưới hình thức trên tập trung chủ yếu tại các quận 4, 7, 8, Gò Vấp, Bình Thạnh. Việc khai thác cát lòng sông trái phép hiện vẫn diễn ra liên tục, khó kiểm soát vì diễn biến ngày càng phức tạp. Phần lớn các đối tượng chuyển sang bơm, hút lén lút vào ban đêm. Hoạt động này diễn ra nhiều nhất trên tuyến sông Sài Gòn (khu vực giáp ranh giữa H.Củ Chi và tỉnh Bình Dương), sông Đồng Nai (giáp ranh Q.9 và tỉnh Đồng Nai), sông Tắc (Q.9), sông Soài Rạp (huyện Cần Giờ)... Việc khai thác cát sỏi lòng sông hoặc nạo vét tận thu cho dù có phép nhưng không được kiểm tra chặt chẽ về độ sâu, kích thước luồng rạch đã tác động lớn đến dòng chảy, gây ra hiện tượng sạt lở sông tại Q.9, Nhà Bè, Củ Chi... Để tạo hiệu quả, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa TP.HCM với các tỉnh Bình Dương và Đồng Nai.

* Những khó khăn trong việc ngăn chặn nạn lấn chiếm sông rạch?

- Ông Trần Văn Kỷ: Do thực hiện các dự án lớn trong nội thành, trong đó có dự án giải tỏa nhà trên sông, rạch nên một số hộ sau khi nhận tiền đền bù liền ra vùng ven tiếp tục xây cất lấn chiếm để ở, việc này chưa thể kiểm soát được. Tại các địa phương, công tác kiểm tra, cưỡng chế vi phạm còn chậm do kinh phí hạn chế. Chính quyền địa phương chưa quan tâm đúng mức trong việc phát hiện, xử lý vi phạm. Nạn sạt lở trên sông, rạch ngày càng gia tăng, nhất là vào mùa mưa bão, như bán đảo Thanh Đa, sông Mương Chuối... làm thay đổi liên tục hiện trạng bờ sông, ảnh hưởng nhiều đến tiến độ các dự án chống sạt lở đang triển khai. Bộ Giao thông vận tải và Cục Đường sông cần giao nhiệm vụ rõ hơn về quản lý phần mặt nước ven bờ (ngoài phạm vi bảo vệ luồng) trên các tuyến sông trung ương và tuyến hàng hải, nhất là các tuyến tại TP.HCM như kênh Đôi, kênh Tẻ, sông Sài Gòn, sông Soài Rạp...; quy định cụ thể việc quản lý và cấp giấy phép hoạt động với các bến thủy nội địa hoạt động trên tuyến hàng hải...

Đình Mười  (thực hiện)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.