Thủ tục khiếu nại giám đốc thẩm?

10/11/2009 10:45 GMT+7

(TNTS) Vợ chồng tôi đã ra tòa giải quyết ly hôn, cấp sơ thẩm giải quyết việc phân chia tài sản không thỏa đáng nên tôi làm đơn kháng cáo.

Tại phiên xử phúc thẩm các chứng cứ tôi đưa ra tòa vẫn không chấp nhận, kết quả là y án sơ thẩm, án có hiệu lực thi hành. Tôi được biết theo pháp luật còn giai đoạn giám đốc thẩm. Xin cho tôi biết thủ tục, thẩm quyền và thời hạn để gửi đơn khiếu nại? Trong thời gian chờ kết quả giám đốc thẩm tôi có phải thi hành bản án phúc thẩm không? (Lê Vy, P. 14, Q.4, TP.HCM)

- Thông thường, giải quyết vụ kiện chỉ qua thủ tục: sơ thẩm nếu có kháng cáo hoặc kháng nghị thì thêm thủ tục phúc thẩm. Bản án phúc thẩm là chung thẩm, có hiệu lực ngay sau khi tuyên án. Ngoài hai thủ tục nói trên, tùy từng trường hợp còn có các thủ tục đặc biệt là giám đốc thẩm hoặc tái thẩm.

Theo Điều 283 Bộ luật Tố tụng dân sự, thì bản án của tòa án đã có hiệu lực pháp luật bị kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm khi có một trong những căn cứ sau: Kết luận trong bản án không phù hợp với những tình tiết khách quan của vụ án; có vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng; có sai lầm nghiêm trọng trong việc áp dụng pháp luật.

Khi phát hiện có một trong các căn cứ nói trên đương sự có quyền làm đơn khiếu nại gửi đến người có thẩm quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, cụ thể là: Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao (kháng nghị bản án đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án các cấp); hoặc Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân cấp tỉnh (kháng nghị bản án đã có hiệu lực pháp luật của tòa án cấp huyện).

Thời hạn kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm là ba năm, kể từ ngày bản án của tòa án có hiệu lực pháp luật, trong thời gian chờ kết quả kháng nghị giám đốc thẩm đương sự phải thi hành bản án đã có hiệu lực đó. 

Luật sư Huỳnh Minh Vũ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.