Mãi lộ trắng trợn vẫn tiếp diễn

17/10/2005 00:00 GMT+7

Trong buổi đối thoại với Tổ công tác 23 của Chính phủ về giải quyết vướng mắc cho doanh nghiệp cách đây vài tuần, đại diện các hiệp hội doanh nghiệp vận tải tiếp tục phản ánh về hiện tượng một số cảnh sát giao thông (CSGT) đòi mãi lộá. PV Thanh Niên đã cùng một số lái xe rong ruổi dọc tuyến quốc lộ 2 từ Hà Nội lên Phú Thọ, quốc lộ 70 từ Phú Thọ qua Yên Bái lên Lào Cai và ghi nhận...

Trước khi cho tôi đi cùng, G. - lái xe chuyên chở hàng thuê từ Lào Cai về Hà Nội, Hưng Yên, Hải Dương... tỏ ý lo lắng, cứ dặn đi dặn lại không nêu tên anh trên báo, loại hàng anh chở, ngày chở hàng... để tránh bị trả thù khi bài viết này lên trang báo. G. nói: "Trên toàn bộ con đường xe em qua, không có trạm nào mà CSGT ở đó lại không ăn tiền". Theo G., trên tuyến đường này, tại Yên Bái, với xe tải hạng nặng, CSGT thường thu từ 300 - 500 ngàn đồng/xe; các trạm, hay tổ CSGT tại 2 điểm của Phú Thọ là điểm Gốc Đa thường lấy 300 ngàn, tại đường vành đai thường lấy 100 ngàn đồng/xe... còn các điểm kiểm soát cơ động của Vĩnh Phúc thường lấy 50 - 100 ngàn đồng/xe. Các xe tải nhỏ thì lấy ít hơn. Với mật độ các loại xe tải hạng nặng, hạng nhẹ qua các tuyến đường này lên Lào Cai khoảng 100 chiếc/ngày đêm, khoản tiền mãi lộ sẽ cực lớn. Thấy tôi có vẻ không tin, phụ xe của G. nói: "Cứ đi cùng bọn em anh sẽ thấy. Nếu chưa đủ miếng, các anh ấy đừng hòng cho xe bọn em qua".

Xe chúng tôi đến địa phận huyện Lục Yên, cách thành phố Yên Bái chừng 30 km. Hơn 1 giờ 30 sáng, G. vỗ vai tôi: "Sắp đến rồi đó". G. đưa tôi giấy tờ, hóa đơn hàng hóa, trong đó kẹp sẵn 300 ngàn đồng để tôi đi "làm luật" với cảnh sát. G. dặn: "Thường thì họ vẫn lấy 500 ngàn đồng nhưng hôm nay, cứ để 300 ngàn đồng, loại tiền 50 ngàn đồng. Thế nào họ cũng đòi cho đủ mới cho đi". Được một lát, phía trước chúng tôi đã có ánh đèn chiếu sáng, nháy liên hồi của một chiếc xe cảnh sát (biển số 21C 1819). Tôi nhảy xuống, chạy đến, thấy trong xe có 2 cảnh sát. Tôi trình giấy tờ và nói: "Xe cháu chở...". Lật giở giấy tờ, đếm số tiền, người cảnh sát phía trước (tên Thoại) khó chịu nói: "Của ai đây? Các ông làm ăn thế hả? Một tờ cơ mà! Các ông cứ ăn bớt của tôi. Bỏ đi, lấy tờ đẹp (tiền 500 ngàn đồng - TN) ra đây...". Tôi giả bộ xin xỏ: "Xe cháu hôm nay bó phanh, hỏng mất đôi lốp, cho cháu xin". Anh ta không nghe, dứt khoát nói: "1 tờ đẹp". Tôi móc túi lấy nốt 200 ngàn đồng nộp vào cho đủ 500 ngàn đồng. Nhưng anh cảnh sát vẫn chưa cho qua: "Mấy tờ này không đúng. Nếu không phải (tờ đẹp), tôi không bao giờ nhận thế này". Anh ta nói tiếp: "Ông cứ đưa tờ đẹp đây. 3 xe là 3 tờ, 5 xe là 5 tờ. Tôi không có nói sai một câu nào". Rồi gắt lên: "Các anh sao lại cứ xé (chia nhỏ tờ 500 ngàn đồng - TN) của chúng tôi ra? Dù có các đồng này nhưng về chúng nó hỏi thế đâu mất một tờ, các ông phải biết như thế chứ. Chúng tôi không lấy loại tiền này". Tôi vẫn xin thì anh ta nói: "Nếu thế các ông mang giấy tờ xe ra đây". Chẳng còn cách nào khác, tôi quay về cabin bảo G. đưa tờ 500 ngàn đồng ra. Sắc mặt có vẻ dịu đi, người cảnh sát chỉ vào tờ polymer tôi vừa đưa, giảng giải: "Tờ này không bao giờ sai. Không ông nào được thay đổi tờ tiền này". Câu cuối cùng anh ta nói: "Nếu ngày mai các ông không đi đường này nữa thì thôi, nhưng nếu còn đi thì cứ phải là một tờ đẹp"...

Tôi quay về xe. G. nhìn tôi hỏi: "Anh đã thấy chưa. Mấy hôm trước, đúng ngày mưa, bão như thế mà họ vẫn ra đường, vẫn bắt nộp tiền như thường". Tôi im lặng và cảm nhận rất rõ cảm giác xót tiền của người lái xe. Theo G., một chuyến xe về thế này, chủ hàng trả anh 6 triệu đồng thì trong đó riêng tiền dầu đã hết 2,5 triệu đồng, tiền chi mãi lộ khoảng 1,2-1,3 triệu đồng, rồi lại trừ tiền công lơ xe, tiền ăn uống... Nếu tính trừ cả tiền hao mòn xe thì chắc chỉ còn vài trăm ngàn đồng.

Một người lái xe tải khác cho biết: "Có hôm đưa 400 ngàn, họ đuổi theo và không chỉ bắt nộp 100 ngàn đồng mà còn bắt đưa thêm 100 ngàn nữa gọi là chi phí xăng xe đuổi theo. Có bận, đang ngồi ở quán ăn họ cũng chiếu đèn vào bắt ra làm luật, còn bảo: tưởng vào ăn mà thoát hả". Tỏ ra rất hiểu luật, anh cười nói thêm: "Mấy tay cảnh sát vừa rồi cùng một lúc phạm 4 lỗi: một là kiểm tra giao thông lại ngồi trong xe; hai là dừng các xe lại nhưng để hai hàng trái chiều, có thể gây nghẽn giao thông; ba là dừng nhiều xe một lúc trên cùng một chiều; bốn, nghiêm trọng nhất là mãi lộ".

11 giờ 30 đêm 9.10 tại đường vành đai cách ngã ba thành phố Việt Trì (Phú Thọ) khoảng 5 - 6 km, chúng tôi lại ghi âm được cuộc "thương thuyết" giữa lơ xe với CSGT như sau:

Cảnh sát: Các ông đưa mấy chục ? (xem giấy tờ, trong đó kẹp 10.000 đồng, tỏ ra bực dọc)... Mấy chục của các ông thì làm đ... gì. Có lí gì lại như thế ?

Lơ xe: Xe em chở mấy thứ linh tinh, không ra hàng gì cả, toàn là mấy thứ người ta trả lại. Mà chủ hàng họ khóa cửa xe rồi, nếu là hàng ngon lành thì...

Cảnh sát: Cứ lập biên bản, giữ xe này lại, để đến thứ hai rồi tính sau.

Một lúc sau, người cảnh sát trẻ tuổi hơn nói với lơ xe:

- Đưa năm chục (50 ngàn đồng) rồi cho nó đi đi.

Lơ xe đưa thêm 40 ngàn đồng và xe được phép lăn bánh...

Chúng tôi tiếp tục cuộc hành trình cùng các tài xế và đã ghi âm, ghi hình nhiều cảnh lái xe, lơ xe xếp hàng chờ chung chi cho CSGT các trạm. Một số ví dụ nêu trên thiết nghĩ đã quá đủ cho thấy mức độ tha hóa, biến chất của một số CSGT các tỉnh Yên Bái, Phú Thọ... trên các tuyến đường này. Một điều rất đáng chú ý là các tuyến đường, đặc biệt quốc lộ 70 từ Lào Cai đến Yên Bái hiện nay đang xuống cấp, bị bằm nát. Lý do được cánh lái xe cho biết là họ phải chở quá tải cho các chủ hàng để có tiền mãi lộ cho CSGT ở các trạm. Cảnh sát nhận tiền và để cho các xe đi... Từ đó sẽ tạo ra một cái vòng luẩn quẩn: xe quá tải - hối lộ - đường hỏng - lại phải đầu tư xây đường mới - lại chở quá tải... rất vô nghĩa. Và trong cái vòng luẩn quẩn đó, Nhà nước, doanh nghiệp... đều chịu thiệt. Những người lái xe thuê cũng phải trả giá đắt do đường xấu, xe không thể đi tốc độ cao, chi phí xăng, dầu, hao mòn xe cộ tăng... Trong khi đó, chỉ có những CSGT biến chất là được hưởng lợi bất chính.

Phóng sự của Mạnh Quân

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.