René Goscinny - Làm người khác cười nhanh hơn cái bóng mình

07/11/2007 22:34 GMT+7

Đã 30 năm qua (5.11.1977- 5.11.2007) kể từ ngày nhà văn thiên tài Pháp René Goscinny rời bỏ những chuyến phiêu lưu vượt không gian và thời gian cùng chàng cao bồi Lucky Lucke hay người hùng tí hon Astérix, cậu bé Nicolas hồn nhiên...

Nhà văn với nguyện vọng được làm... nhà văn

Nhà văn André Malraux (Bộ trưởng Bộ Văn hóa thời Tổng thống De Gaulle) từng nói với Goscinny: “Tôi viết về huyền thoại, nhưng anh, tuyệt vời hơn, đã tạo nên huyền thoại”. Huyền thoại mà ông nhắc đến chính là đứa con tinh thần của Goscinny và họa sĩ Albert Uderzo: bộ truyện tranh Astérix. Sắp kỷ niệm sinh nhật lần thứ 50, sau gần nửa thế kỷ, khoảng 320 triệu bản Astérix đã được tiêu thụ trên toàn thế giới. Con số này chứng minh vì sao trong một cuộc họp Hội đồng Bộ trưởng, Tổng thống De Gaulle đã vui miệng đặt cho mỗi bộ trưởng tên một nhân vật trong Astérix, và vệ tinh đầu tiên người Pháp phóng vào vũ trụ ngày 25.11.1965 được mang tên Astérix.

Nhưng dấu ấn của Goscinny không chỉ dừng lại ở hình ảnh người hùng tí hon Astérix. Chàng cao bồi miền viễn Tây Lucky Lucke tuy là con ruột của họa sĩ Morris, nhưng chính nhờ Goscinny tham gia viết lời, Lucky Lucke mới thật sự thành công tột đỉnh với 200 triệu bản đã được bán sạch sau 61 năm. Nếu kể thêm 10 triệu bản Những mẩu chuyện về bé Nicolas - 3 trong số 4 tác phẩm đinh của Goscinny thì việc nhà xuất bản có thể yên tâm về doanh thu, khi tên ông xuất hiện trên bìa càng được chứng tỏ.

Mọi người đều công nhận Goscinny là nhà văn lớn của Pháp, nhưng bản thân ông lại chưa bao giờ tự nhận mình là nhà văn mà chỉ cho mình là một người làm nghề... hài hước. Một phần do Goscinny quá khiêm tốn, mặt khác, vào những năm 50, truyện tranh bị người Pháp xem là làm hư trẻ con. Goscinny là nhân tố chính góp phần đưa truyện tranh Pháp ngang hàng với truyện tranh Bỉ của chàng phóng viên Tintin, và cũng nhờ bệ phóng Astérix mà truyện tranh ngày nay được xem như nghệ thuật thứ 9.

Những thay đổi về vị trí của truyện tranh trong văn hóa Pháp được Goscinny tóm tắt ngắn gọn trong một lần trả lời phỏng vấn: “Tintin là bộ truyện tranh đầu tiên thực sự thành công, nhưng đã không tạo nên bước ngoặt như Astérix. Với Tintin, các vị phụ huynh vào thời đó sẽ nói: “Tôi không muốn con tôi đọc truyện tranh, trừ Tintin”. Nhưng từ khi Astérix xuất hiện, mọi chuyện thay đổi hoàn toàn, truyện tranh được các bậc phụ huynh xem như món ăn tinh thần không thể thiếu của con em mình”. Trên các bảng tên của hơn 20 con đường của nước Pháp mang tên ông, Goscinny hoàn toàn xứng đáng với chú thích René Goscinny - Nhà văn.

Thích đùa với cả số phận

Goscinny sinh ra để làm cuộc đời có thêm nụ cười. Với khiếu hài hước bẩm sinh, niềm vui của ông là làm cho người khác phải cười. Từ gia đình, đồng nghiệp đến độc giả, đã biết đến Goscinny thì đều bị ông bắt phải cười.

Từ lời thoại truyện tranh của Goscinny, hàng chục câu nói đã theo các nhân vật đi vào đời thực, thành một số thành ngữ Pháp. Cậu út nhà Dalton "khi nào thì mình ăn?" trong mọi hoàn cảnh. Tể tướng xấu bụng Iznogoud với câu nói nổi tiếng “Ta muốn thành Hoàng thượng thế chỗ cho Hoàng thượng” đã trở nên rất quen thuộc với các chính trị gia. Đặc biệt hơn, câu slogan “bắn súng nhanh hơn cái bóng của mình” dành cho Lucky Luke không chỉ nổi tiếng mà đã được đưa vào từ điển của Viện Hàn lâm Pháp...

Cũng chỉ Goscinny mới có cái nhìn hài hước của trẻ con về người lớn khi vào vai bé Nicolas học sinh tiểu học, kể lại những chuyện thường ngày ở trường lớp, ở trại hè. Năm 2004, khi con gái ông tập hợp những truyện chưa in thành sách để in lại, 640.000 bản Những mẩu chuyện chưa từng kể về cậu bé Nicolas dày hơn 600 trang lập tức được bán sạch và trở thành best-seller mọi thể loại trong năm. Với bối cảnh học đường những năm 50, trẻ con chủ yếu vui đùa với hòn bi và trò rượt bắt, vậy mà Goscinny vẫn khiến các cô cậu bé thế kỷ XXI say mê Nicolas thì ông thật sự là một tượng đài trong văn học Pháp.

Ông đã không hoàn tất được ước nguyện xây dựng một hãng phim lớn, một Walt Disney của Pháp khi ra đi đột ngột do đau tim vào ngày 5.11.1977, lúc mới 51 tuổi. Goscinny vốn là người thích đùa, và họa sĩ Mézières bạn ông đã nhận xét một cách chua xót: “Chết vì lên cơn đau tim khi đang kiểm tra sức khỏe tại phòng khám của bác sĩ chuyên khoa... tim mạch, trò đùa cuối cùng của Goscinny chăng?”.

Độc giả khắp thế giới sẽ mãi nhớ Goscinny, nhà văn có khả năng làm người khác cười nhanh hơn cái bóng của mình...

N.N.L.C

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.