Cần lùi thời hạn đánh thuế thu nhập từ chứng khoán

22/10/2007 23:06 GMT+7

Hiệp hội Kinh doanh chứng khoán Việt Nam (VASB) vừa có văn bản kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) và các cơ quan liên quan về chủ trương đánh thuế thu nhập từ chuyển nhượng chứng khoán đối với cá nhân.

Theo ông Nguyễn Thanh Kỳ, Tổng thư ký VASB: "Ý kiến gửi cho UBTVQH và các cơ quan, được tập hợp từ một cuộc tọa đàm do VASB tổ chức, với gần 100 đơn vị tham gia". VASB là tổ chức xã hội, nghề nghiệp, đại diện cho gần 100 doanh nghiệp thành viên, và là tiếng nói của hơn 200.000 nhà đầu tư (NĐT). Đây là lần đầu tiên VASB có ý kiến chính thức bằng văn bản, gửi các cơ quan chức năng về nội dung này. VASB khẳng định, việc đánh thuế thu nhập từ chuyển nhượng chứng khoán đối với cá nhân là một chủ trương đúng; vấn đề chỉ là thời điểm và phương pháp đánh thuế.

Theo ông Nguyễn Thanh Kỳ, nhiều thành viên của VASB cho rằng: "Thị trường chứng khoán Việt Nam (TTCK) đang còn trong thời kỳ quá non trẻ, phôi thai, số lượng người dân tham gia thị trường mới chiếm tỷ lệ 0,26% dân số. Số người tham gia chủ yếu ở Hà Nội, TP.HCM, Hải Phòng. Việc kinh doanh chứng khoán của các NĐT cũng phải lao tâm khổ tứ chứ không phải như tiền gửi tiết kiệm đến tháng là có lãi, ổn định nhưng lại không phải tính thuế thu nhập. Việc kinh doanh chứng khoán khi có lãi thì thu thuế, khi lỗ thì không ai bù. Việc thu thuế cá nhân của các NĐT chủ yếu ở các doanh nghiệp giao dịch sàn, trong lúc đó, giao dịch tự do, mua bán trao tay và chủ yếu bằng tiền mặt thì không ai kiểm soát và cũng chẳng phải đóng thuế". Vì vậy, "nếu đánh thuế ở thời điểm này rất dễ dẫn đến việc NĐT sẽ không tham gia thị trường giao dịch tại sàn, làm chậm tiến độ cổ phần hóa, hạn chế các doanh nghiệp niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán" - VASB nhận định.

Mặt khác, các thành viên VASB lo ngại: "Tính thuế không công bằng, không hợp lý sẽ làm cho thị trường không phát triển mà còn có khả năng bị suy thoái như một số nước trước đây đã vấp phải".

 Việt Nam đang cần vốn cho đầu tư vào các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội, TTCK là một kênh huy động vốn trung và dài hạn đáng kể, vì vậy cần phải bồi dưỡng và tạo cho thị trường một chỗ đứng vững chắc. VASB kiến nghị với Quốc hội: "Nên lùi việc đánh thuế thu nhập cá nhân đối với chuyển nhượng chứng khoán tới khi thay thế được việc thanh toán bằng tiền mặt bằng thanh toán qua ngân hàng. Nếu phải áp dụng thì nên tính ở mức thuế suất thấp với phương pháp tính dễ hiểu, tránh tình trạng các NĐT rút vốn ra khỏi thị trường, dẫn đến bất lợi cho TTCK. Nhà nước cũng nên bồi dưỡng và phát triển thị trường để tạo nguồn vốn trung, dài hạn để đầu tư phát triển kinh tế".

Trao đổi với Thanh Niên, ông Nguyễn Hoàng Hải, Tổng thư ký Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính (VAFI) cho biết: "Gần đây, Ban soạn thảo dự luật cũng đã tiếp thu các ý kiến đóng góp, NĐT được lựa chọn hai cách, một là đánh 25% (lợi nhuận), và hai là 0,1% (giá trị giao dịch). Tôi cho rằng, mức 0,1% là chấp nhận được đối với các NĐT ít giao dịch, còn với các NĐT giao dịch hằng ngày thì mức thuế như thế là vẫn cao". Theo ông Hải, vấn đề còn tồn tại là thuế cổ tức (5%). Ông Hải phân tích: "Ban soạn thảo giải thích đó không phải là thuế song trùng, vì đó là hai đối tượng chịu thuế khác nhau (thuế thu nhập doanh nghiệp thì doanh nghiệp chịu còn thuế đánh vào cổ tức là người chơi chứng khoán chịu), đây là một quan niệm sai lầm. Doanh nghiệp là ai, ông chủ tịch hội đồng quản trị, ông giám đốc ngồi đó là người đi làm thuê cho các cổ đông. Đánh vào doanh nghiệp là đánh vào chủ sở hữu của doanh nghiệp, chủ sở hữu của doanh nghiệp là các NĐT chứng khoán. Nó chỉ là một chủ thể thôi. Ban soạn thảo nói là hai chủ thể nhưng tôi khẳng định là một chủ thể". Để tránh đánh trùng, ông Hải kiến nghị: "Nếu đánh thuế cổ tức thì phải giảm thuế thu nhập doanh nghiệp xuống".

X.T

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.