Lựa chọn nào cho người lao động?

04/11/2008 10:25 GMT+7

Rất nhiều người đổ xô cố tìm một suất sang Hàn Quốc hoặc chuyển nguyện vọng sang các nước châu u, Úc, Canada, Mỹ... dù biết rằng rất khó để được xuất ngoại

Trong 10 tháng qua, cả nước đã đưa được 72.522 lao động đi làm việc ở nước ngoài, đạt 85,32% kế hoạch năm. Trong khi đó, rất nhiều người đổ xô cố tìm một suất sang Hàn Quốc hoặc chuyển nguyện vọng sang các nước châu u, Úc, Canada, Mỹ... dù biết rằng rất khó để được xuất ngoại. Chưa bao giờ hoạt động xuất khẩu lao động (XKLĐ) lại ở trong tình trạng phân hóa thị trường và nguồn lao động mạnh mẽ như hiện nay...

“Tiền nào của nấy”

Hàn Quốc với chương trình cấp phép lao động EPS và Nhật Bản với chương trình tu nghiệp sinh là hai thị trường có mức thu nhập cao luôn hấp dẫn người lao động (NLĐ) VN. Nhưng không phải ai cũng có thể đi được vì chi phí đi Nhật Bản khá cao, lại đòi hỏi tương đối khắt khe về tay nghề (theo quy định phải có trình độ tay nghề tương đương bậc 3/7) nên dù muốn, phần đông lao động nghèo, trình độ thấp khó với tới được. Trong khi đó, dù chi phí theo quy định rất thấp (khoảng 700 USD), nhưng để tìm được suất sang Hàn Quốc đối với NLĐ là vô cùng khó khăn vì chỉ tiêu thấp gấp nhiều lần nhu cầu.

Các thị trường Czech, Bulgaria, Romania... hiện đang cần nhiều lao động làm việc trong lĩnh vực cơ khí, nhất là các loại thợ hàn 6G, tiện, phay, bào và cơ khí chế tạo. Tuy nhiên, do yêu cầu trình độ cao nên đa số đơn hàng của các thị trường này phía DN VN chỉ đáp ứng được khoảng 30%.

Một số doanh nghiệp (DN) đã rất nỗ lực tìm kiếm các thị trường mới, hợp đồng thu nhập cao. Nhưng thông thường, “tiền nào thì của nấy”. quy trình, thủ tục, các điều kiện tuyển dụng, yêu cầu về trình độ ngoại ngữ của những thị trường có thu nhập cao rất khắt khe. Thị trường Úc là một ví dụ điển hình. Với nhu cầu lao động cho khoảng 170 ngành nghề khác nhau từ nghề làm bánh, làm tóc, giết mổ gia súc đến chuyên gia kỹ thuật..., hằng năm nước Úc cần rất nhiều lao động người nước ngoài ở các dạng chuyên gia và lao động bán lành nghề. NLĐ phải có trình độ tiếng Anh đạt tối thiểu IELTS 4.5 trở lên và phải có chứng chỉ nghề theo tiêu chuẩn của Úc (hoặc qua 900 giờ đào tạo theo quy trình của Úc). Đó là chưa nói NLĐ phải chứng minh có tối thiểu 3 năm trở lên làm việc theo đúng nghề chuyên môn ở các DN trong nước. Do vậy, dù thí điểm đưa lao động sang Úc từ gần 3 năm nay, các DN XKLĐ vẫn chưa gặt hái kết quả đáng kể nào. Theo số liệu báo cáo của Cục Quản lý lao động ngoài nước, trong 10 tháng qua, chỉ có khoảng 50 người được xuất cảnh sang Úc.

Tìm thị trường phù hợp

Nhìn chung, để đến các thị trường có mức thu nhập cao, NLĐ nhất thiết phải có tay nghề đạt chuẩn (tay nghề ở trình độ cao, chuẩn quốc tế) và có trình độ ngoại ngữ bảo đảm thực hiện công việc chuyên môn. Đây là điều khó thực hiện trong bối cảnh hiện nay, để đạt được những yêu cầu đó, NLĐ phải qua đào tạo tối thiểu 18 tháng kèm theo chi phí học nghề, ngoại ngữ và các chi phí khác.

Cách tốt nhất là nên lựa chọn cho mình thị trường phù hợp. Trung Đông được coi là thị trường phù hợp với đại đa số lao động nông thôn VN. Các Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE), Qatar, Ả Rập Saudi là 3 quốc gia của khu vực Trung Đông tiếp nhận lao động VN nhiều nhất. Nếu các thị trường Ả Rập Saudi và Qatar cần nhiều lao động nghề xây dựng thì ở UAE, nơi có Dubai, một thành phố nổi tiếng của châu Á, lại có nhu cầu rất lớn lao động làm việc trong các lĩnh vực dịch vụ và chuyên gia cũng như lao động kỹ thuật.

Có thể khẳng định rằng trong điều kiện hiện nay, Trung Đông đang là thị trường hấp dẫn và thu hút được nhiều NLĐ tham gia, bởi thu nhập không thấp, bình quân từ 500 USD đến 800 USD/tháng đối với lao động là thợ hàn, thợ cơ khí lắp ráp và 350 đến 500 USD/tháng cho lao động phổ thông và thợ xây dựng, trong khi chi phí ban đầu chỉ khoảng 1.500 USD đến 2.000 USD/người. Thêm vào đó, NLĐ còn được hưởng các ưu đãi như chủ sử dụng cung cấp vé máy bay hai chiều và đặc biệt là trong suốt thời gian làm việc, NLĐ không phải đóng bất cứ khoản thuế nào.

Ngoài ra, còn phải kể đến các thị trường như Nga – với nhu cầu chủ yếu là thợ may công nghiệp; đảo Síp – giúp việc nhà, nhà hàng khách sạn... là những thị trường có mức thu nhập trung bình, mức chi phí ban đầu phù hợp, điều kiện tuyển dụng không quá khó, phù hợp với lao động nông thôn nước ta.

XKLĐ của VN ngày càng mở rộng ra nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ, tạo thêm nhiều cơ hội cho NLĐ. Vấn đề là NLĐ phải có sự lựa chọn phù hợp để hạn chế đến mức thấp nhất các rủi ro cho mình.

Theo Phạm Anh Thắng / Người Lao Động

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.