Góp ý các dự thảo văn kiện trình ĐH Đảng XI: Cần đề bạt người trẻ có tài đứng đầu khu vực công

18/10/2010 23:31 GMT+7

Đó là một trong những kiến nghị của các giảng viên trẻ và sinh viên tại Hội nghị góp ý vào các dự thảo văn kiện Đại hội Đảng XI do T.Ư Đoàn, T.Ư Hội Sinh viên Việt Nam phối hợp với Báo Nhân Dân tổ chức ngày 18.10 tại Hà Nội.

Đề cập đến tầm quan trọng của việc phát triển tài năng trẻ để thực hiện mục tiêu CNH - HĐH như dự thảo văn kiện ĐH XI đặt ra, Phó chủ tịch Hội Sinh viên VN, Bí thư Thành Đoàn kiêm Chủ tịch Hội Sinh viên TP Đà Nẵng Lương Nguyễn Minh Triết cho rằng, dự thảo văn kiện đại hội đã chỉ ra đúng những điểm mấu chốt để nước ta phấn đấu trở thành nước công nghiệp theo định hướng XHCN; nhất là việc xác định “chú trọng phát hiện, bồi dưỡng, phát huy nhân tài; đào tạo nhân lực cho phát triển kinh tế tri thức”. Song nếu phát hiện năng khiếu mà không có chính sách đầu tư để năng khiếu phát triển thành tài năng thì năng khiếu sẽ tự tàn lụi.

Đảng viên trẻ có nhiều ý kiến tâm huyết đóng góp vào dự thảo văn kiện - ảnh: Phan Hậu

Vì vậy, để phát huy được sức mạnh đóng góp của các nhân tài trong công cuộc CNH - HĐH đất nước, theo Bí thư Thành Đoàn Đà Nẵng, cần tăng cường quản lý nhà nước về tài năng, tài năng trẻ mà trước hết là cần phải coi trọng hệ thống hóa các văn bản luật về tài năng. “Chính phủ có chiến lược phát triển và xây dựng hệ thống chính sách tài năng trẻ; đồng thời, cần có một cơ quan chuyên trách được cấp có thẩm quyền giao nhiệm vụ hoạch định chiến lược phát triển tài năng trẻ, nhất là những tài năng lãnh đạo trẻ cho khu vực Nhà nước, Đảng, đoàn thể, trong khi đây là yêu cầu cấp bách để nâng cao năng lực cạnh tranh của quốc gia trong bối cảnh đẩy mạnh hội nhập quốc tế”, anh Triết đề xuất.

Cho rằng khâu sử dụng và chính sách đãi ngộ là những khâu yếu nhất trong việc thu hút nhân tài hiện nay, anh Triết nhấn mạnh đến giải pháp cần đẩy mạnh hơn nữa cải cách chế độ tiền lương, tiền thưởng và chính sách thu nhập, thực hiện phân phối theo hiệu quả lao động, kiên quyết chống chủ nghĩa bình quân, cải thiện điều kiện làm việc cho lao động tài năng là then chốt để chống tình trạng “chảy máu” chất xám, thui chột tài năng đang diễn ra hiện nay. Bí thư Thành Đoàn Đà Nẵng nhấn mạnh “cần có cơ chế, chính sách cụ thể để cất nhắc, đề bạt nhanh những thanh niên có tài vào vị trí xứng đáng, đặc biệt là những vị trí đứng đầu của khu vực công vì chìa khóa của việc nâng cao năng lực thực sự của khu vực công là tuyển chọn những người đứng đầu”.

Cần tiêu chí đánh giá kết quả đào tạo cán bộ trẻ

Liên quan đến khâu đào tạo, bổ nhiệm cán bộ trẻ, anh Lê Quốc Phong, Phó chủ tịch Hội Sinh viên Việt Nam, Phó bí thư thường trực Thành Đoàn TP.HCM cho rằng, thực tiễn thời gian qua, sự quan tâm của Đảng trong công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ trẻ có nhiều chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, bên cạnh những thành công, công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ trẻ còn nhiều tồn tại, nhiều bất cập đòi hỏi Đảng và Nhà nước phải tiếp tục có sự quan tâm đầu tư hơn nữa để tạo sự đột phá trong công tác phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ trẻ, tạo tiền đề quan trọng cho đội ngũ kế thừa trong xây dựng và phát triển đất nước.

Để thực hiện được yêu cầu trên, theo anh Phong, vai trò định hướng của cấp ủy Đảng, của lãnh đạo các đơn vị trong sự nghiệp phát triển của cán bộ trẻ cần được xem là việc làm thường xuyên, cần được đầu tư nghiêm túc. “Thực tế cho thấy, không ít nơi, cán bộ trẻ, kể cả cán bộ trẻ đã được lựa chọn, quy hoạch vẫn còn rất lúng túng trong hướng phát triển, vẫn thiếu một sự định hướng để được đào tạo hoặc tự đào tạo, hoàn thiện, nâng cao kỹ năng, nghiệp vụ phục vụ cho mục tiêu lâu dài của lĩnh vực công tác. Vai trò định hướng đó cần được thể hiện qua quá trình tiếp cận, thường xuyên trao đổi, qua việc lựa chọn, bố trí môi trường công tác phù hợp để cán bộ trẻ điều chỉnh, trưởng thành và hoàn thiện”, anh Phong nhấn mạnh.

Quan trọng hơn, theo anh Phong, cán bộ trẻ cần phải được đào tạo, trang bị đầy đủ những kiến thức cần thiết phục vụ cho vị trí công tác trước khi nhận nhiệm vụ. Đề xuất này xuất phát từ thực tế mà đơn cử là “tình trạng nhận nhiệm vụ, tiếp tục học để bổ sung kiến thức chuyên ngành vẫn còn, điều này sẽ tạo tâm lý thiếu tự tin của cán bộ, dẫn đến hiệu quả lao động không cao”.

“Các điều kiện về thu nhập, môi trường lao động và điều kiện cuộc sống cần được quan tâm nhiều hơn. Đặc biệt là môi trường và điều kiện lao động”, anh Phong góp ý.

Ý kiến

“Trong nhiều năm qua, công tác luân chuyển giáo viên ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn đã cho thấy hiệu quả tích cực nhưng không bền vững, do giáo viên chỉ ở mỗi địa điểm một vài năm là chuyển địa bàn đi nơi khác. Để đảm bảo tính bền vững cho công tác này, cần thiết phải có chính sách để giáo viên được tham gia vào những công việc của hệ thống chính quyền, động viên họ gắn bó hơn nữa với sự phát triển chung về kinh tế, xã hội tại địa phương”. (Nguyễn Hữu Toàn, Bí thư Đoàn trường ĐH Sư phạm - ĐH Thái Nguyên)

* “Tài năng trẻ không nhất thiết phải được đào tạo thành quan chức lãnh đạo, có thể khuyến khích họ nghiên cứu trở thành các chuyên gia đầu ngành trên các lĩnh vực khác nhau trong thị trường lao động. Nếu xác định nâng cao chất lượng nguồn nhân lực là một khâu đột phá chiến lược, tôi nghĩ Đảng và Nhà nước cần ưu tiên, quan tâm đến nhóm trí thức đặc biệt này và có cơ chế, chính sách thỏa đáng xây dựng các trung tâm dành cho tài năng trẻ, tạo không gian riêng cho họ phát triển và thể nghiệm tư duy vượt trội”. (Tiến sĩ Bùi Trường Giang, Viện Kinh tế VN)

Phan Hậu (ghi)

Nguyệt Minh - Phan Hậu

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.