Các sai phạm trong thanh tra dự án 2 triệu m3 khí/ngày đêm và dự án bazan siêu mảnh

30/10/2006 23:34 GMT+7

Ngày 30/10, một nguồn tin cho biết, Cơ quan điều tra, Bộ Công an đã tống đạt kết luận điều tra vụ án "lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ, đưa và nhận hối lộ" xảy ra trong quá trình thanh tra 4 dự án của ngành dầu khí: Công trình nhà 154 Nguyễn Thái Học, Hà Nội; Công trình LPG Thị Vải; dự án 2 triệu m3 khí/ngày đêm và dự án bazan siêu mảnh.

Việc thanh tra dự án 2 triệu m3 khí/ngày đêm do bị can Dương Văn Lực, nguyên Vụ phó Vụ 4 - Thanh tra Chính phủ chịu trách nhiệm. Qua các tài liệu thu giữ, lời khai của người có liên quan, Cơ quan điều tra đã xác định, các đơn vị bị thanh tra đã phải giải trình, chạy chọt đối với các "quan" thanh tra để được kết luận đúng, hoặc bỏ qua, giảm nhẹ mức xử lý. Trong dự thảo kết luận thanh tra việc xây dựng đường ống qua sông Phước Hòa, theo thiết kế ban đầu đã được phê duyệt khi thi công đường ống qua sông thì phải xử lý đường ống bằng 2 cút nóng và hạ độ sâu xuống đáy sông là 5,16m. Nhưng khi thi công, bị can Đặng Hữu Quý đã cho chỉnh sửa lại thiết kế theo hướng không có 2 cút nóng và hạ độ sâu so với đáy sông chỉ là 1,2m. Sau 1 năm thì đường ống nổi lên, gây cản trở sự đi lại của các phương tiện giao thông đường thủy, buộc Công ty thiết kế và xây dựng dầu khí và Ban quản lý dự án phải đền bù, khắc phục hậu quả với tổng chi phí là 1.061.648.497 đồng, buộc các cá nhân sai phạm phải đền 398.188.557 đồng. Nhưng các cá nhân chịu trách nhiệm như Nguyễn Trọng Nhưng, Đặng Hữu Quý đã gặp gỡ các "quan" thanh tra Lương Cao Khải, Dương Văn Lực để chạy chọt, đưa tiền để sửa kết luận thanh tra chính thức không bắt các cá nhân sai phạm phải đền tiền. Đáng chú ý, toàn bộ nội dung quy kết cũng như thay đổi sau này trong kết luận thanh tra đã được Khải và Lực che giấu không báo cáo lên lãnh đạo thanh tra cấp trên.

Kết luận thanh tra những sai phạm của Xí nghiệp đường ống bể chứa đã buộc xí nghiệp này phải xuất toán khỏi giá trị công trình số tiền 2,31 tỉ đồng, nhưng khi phổ biến dự thảo kết luận này, Vụ phó Dương Văn Lực lại buộc xí nghiệp phải thu hồi về cho Nhà nước 6,62 tỉ đồng. Vì thế, Nguyễn Trọng Nhưng, Giám đốc Công ty PVECC và Huỳnh Kim Quy, Kế toán trưởng đã phải gặp gỡ các "quan" thanh tra nhiều lần để họ "chỉ vẽ" cách làm văn bản xin được xuất toán khỏi giá trị công trình, không thu về cho Nhà nước số tiền trên. Trong vụ việc này, Lương Cao Khải và Dương Văn Lực đã cố tình quy chụp sai, không báo cáo sự thật với lãnh đạo Thanh tra Chính phủ và khi đạt được mục đích thì lại chỉnh sửa kết luận.

Ngoài ra, trong một dự thảo kết luận vụ việc khác, Dương Văn Lực còn đề nghị xử lý hình sự đối với Nguyễn Bá Liễu, Giám đốc Xí nghiệp san nền thi công và Nguyễn Bá Cảnh, Đội trưởng thi công để dọa dẫm, rồi sau đó 2 người này được Lương Cao Khải chỉ đạo đề nghị xử lý hành chính với mục đích nhờ Liễu làm thủ tục sang tên 2 mảnh đất tại TP.HCM cho người nhà của mình.

Tương tự như vậy, quá trình thanh tra dự án bazan siêu mảnh đã kết luận giám đốc Tạ Đình Vinh và cán bộ dưới quyền đã có nhiều sai phạm trong việc mua sắm dây chuyền sản xuất sợi bazan siêu mảnh không tiến hành đấu thầu quốc tế, không bảo vệ luận chứng trước Bộ KHCN-MT; nhập vật tư, thiết bị không thông báo trước cho Bộ Thương mại; không kiểm tra khả năng tài chính và khả năng thực hiện hợp đồng của nhà thầu... với đề nghị cách chức giám đốc Vinh. Nhưng sau đó, ông Vinh giải trình việc này với lãnh đạo Thanh tra Chính phủ và Lương Cao Khải sửa lại kết luận, giảm nhẹ hình thức xử lý ông Vinh và những cán bộ khác.

Cơ quan điều tra kết luận, trong một số vụ việc trên, cán bộ thanh tra đã kết luận sai để gây sức ép, hoặc bỏ qua các sai phạm của cá nhân, đơn vị bị thanh tra, để buộc các đối tượng bị thanh tra phải gặp gỡ, giải trình, và đưa tiền hối lộ để được xem xét, giảm nhẹ.

Việt Chiến

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.