Giá xăng dầu

05/11/2008 00:11 GMT+7

Tại hội thảo về "Khủng hoảng tài chính quốc tế - ứng xử của ngành ngân hàng, tài chính, xuất nhập khẩu và doanh nghiệp Việt Nam" do Thời báo Kinh tế Việt Nam tổ chức, ông Lê Đức Thúy - Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia đã có bài tham luận thể hiện nhiều quan điểm và cung cấp nhiều thông tin quan trọng.

Trong các thông tin trên, có một thông tin và kiến nghị đáng lưu ý, đó là: "Dùng một phần nguồn thu tăng lên, chẳng hạn tăng thuế nhập khẩu xăng dầu mà vẫn có thể hạ đáng kể giá bán so với hiện nay (giá xăng bán lẻ tại Mỹ ngày 21.10.2008 là 2,85 USD một gallon (3,78 lít) tương đương với 12.600đ/lít với tỷ giá 16.650 VND/USD. Giá này giảm từ mức đỉnh là 4,15 USD/gallon) để lập quỹ dự phòng hỗ trợ tài chính cho các tổ chức tín dụng mua lại nợ xấu…".

Trong khuôn khổ bài báo này, người viết chưa bình luận về ý kiến đề xuất, mà chủ yếu nói về thông tin giá xăng dầu tại Mỹ, bởi trong thời gian qua, dư luận đã đề cập đến nhiều vấn đề nóng trong việc tăng, giảm giá xăng dầu ở Việt Nam.

Vấn đề nóng nhất là giá xăng dầu của Việt Nam hiện khá cao. Trước đây, có tình trạng xăng dầu trong nước "chảy" qua biên giới Campuchia, nhưng cách đây hơn nửa tháng đã có thông tin là xăng dầu "chảy ngược" từ Campuchia về Việt Nam. Theo thông tin này thì hóa ra xăng dầu ở Việt Nam còn cao hơn cả Mỹ (lúc cao nhất ở Mỹ cũng chỉ tương đương 18.300đ/lít, còn ở Việt Nam là 19.000đ, ngày 21.10 ở Mỹ còn 12.600đ thì ở Việt Nam là 15.500đ và nay còn 15.000đ). Nhưng nếu so sánh như thế thì "khập khiễng" quá, bởi GDP  bình quân đầu người của Mỹ năm 2006 lên đến 43.968 USD, còn của Việt Nam trong cùng năm chỉ có 723 USD tính theo tỷ giá hối đoái (còn nếu tính theo tỷ giá sức mua tương đương thì cũng chỉ khoảng trên 3.000 USD). 

Vấn đề nóng thứ hai là vấn đề cơ chế và thủ tục quản lý trong cơ chế đó. Đành rằng, việc điều hành giá cần chuyển theo cơ chế thị trường (tức là chuyển việc quyết định giá cho doanh nghiệp) là đúng hướng; do xăng dầu là mặt hàng quan trọng thì phải báo cáo xin ý kiến cơ quan nhà nước có thẩm quyền trước khi quyết định là cần thiết. Xin ý kiến trước khi tăng giá thì cần, nhưng doanh nghiệp xin ý kiến trước khi giảm giá thì nhiều người không hiểu, bởi ở vị trí doanh nghiệp, mấy ai lại đề nghị giảm đúng mức, đúng thời gian theo thực tế. Chẳng thế mà đã mấy lần dư luận nóng lên khi giá dầu thế giới giảm mạnh mà giá trong nước không suy chuyển, thì người của cơ quan quản lý nhà nước lại trả lời là chưa thấy doanh nghiệp đề nghị. Lại càng lạ hơn là không mấy doanh nghiệp đưa ra lý do vì sao giảm ít hơn so với giá thế giới, mà chủ yếu là người của cơ quan quản lý nhà nước đứng ra giải thích? Thậm chí có người còn cho rằng tăng, giảm như vừa qua thì người sử dụng xăng có lợi hơn (?!).

Vấn đề nóng thứ ba là vấn đề bình đẳng và chia sẻ. Sự bình đẳng và chia sẻ cần được hiểu vừa là quyền lợi, vừa là nghĩa vụ - nhưng sự đồng hành giữa quyền lợi và nghĩa vụ gần như chỉ thấy có Nhà nước và người sử dụng, còn doanh nghiệp xăng dầu thì chưa thấy rõ, bởi khi lỗ thì được Nhà nước bù, khi lãi thì doanh nghiệp có chia sẻ (thông qua giá) đúng mức và kịp thời đâu?

Ngoài các vấn đề trên, dư luận còn đặt câu hỏi làm sao các doanh nghiệp lại cùng tăng hay cùng hạ một mức giá - tức là có sự liên kết độc quyền hay không; việc giảm giá 500đ/lít chỉ trong hai ngày liên tiếp thì kiểm kê, tính toán ra sao với hệ thống các đại lý…?                           

Đào Ngọc Lâm

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.