Dấu cộng chào sân!

27/09/2006 19:45 GMT+7

Khác xa với những gì mà xã hội gán ghép cho những người sinh ra trong thập niên 80 của thế kỷ trước với định nghĩa "thế hệ 8X" - họ là những con người mới toanh, bước ra từ môi trường mới toanh. Tôi gọi là thế hệ "dấu cộng" - 8X+.

Đó là một buổi chiều, một người quen trên mạng gọi điện và rủ đi café. Đó là Nguyễn Tấn Kiến Phước, 19 tuổi, du học sinh tại Singapore đang nghỉ hè. Anh chàng muốn tổ chức một chương trình họp mặt blogger Sài Gòn. Một chương trình hoành tráng và có vẻ không tưởng được thiết kế và đi xin tài trợ.

Trần Thị Thanh Tâm

Tôi và những bạn bè của mình trẻ trung, năng động hơn. 8X+ đi du học rất nhiều từ tuổi còn sớm, có điều kiện được học nhiều thứ thú vị và được tham gia các sự kiện hay ho của thế giới. Đó là chưa kể chuyện chúng tôi còn được các anh chị 8X đi trước truyền đạt lại nhiều kinh nghiệm, vì thế chẳng gặp phải những khó khăn mà họ đã vấp phải. Ví dụ, nhóm vietabroader và hoạt động của nhóm này đã giúp đỡ bạn bè chúng tôi rất nhiều trong quá trình đi du học Mỹ, việc mà chỉ mới cách đây vài năm còn rất khó khăn đối với những anh chị lớn hơn. Một điểm khác nữa, là những người năng động trong nhóm chúng tôi không còn chỉ là những bí thư Đoàn, đôi khi là những người bạn rất bình thường, cùng nhau tổ chức một vài hoạt động gì đó có ích cho xã hội. Như nhóm V-rider, do anh Mạnh Luân 19 tuổi thành lập, chuyên làm việc tình nguyện dạy các em học sinh ngoài mái ấm. Bản chất là 8X+ tự tìm việc mà làm, tự tạo ra việc mà làm chứ không chờ "chỉ đạo". Có một điểm giống nhau là 8X hay 8X+ đều có cùng một mục đích là làm tốt đẹp hơn chân dung của chính mình và đất nước.

Nguyễn Ngọc Anh Tú - 18 tuổi - Du học sinh tại Mỹ

Quần áo rất mốt, nhóm bạn của Phước, trẻ măng, ngồi trình bày những ý tưởng của mình một cách tự nhiên, hóm hỉnh. Tư thế của họ, không phải là những người đang đi xin, mà là đề nghị hợp tác. Họ muốn làm một chuyện, lớn hơn là cái buổi offline để chơi đùa rồi... thôi. Họ muốn mang một giá trị gì đấy cho xã hội từ cuộc gặp của mình. Họ muốn thiết kế một kênh phát ngôn chính thức của mình, nói cho phụ huynh - vốn ù ù cạc cạc về thế giới ảo - hay lo ngại về những vụ sex siếc gì đó khi các bạn chúi mũi vào blog.

Họ làm một bản nghiên cứu, thản nhiên trả lời "NO" khi có người đề nghị hỗ trợ. Cũng là câu trả lời ấy được đưa ra khi có người đề nghị chuốt lại kịch bản chương trình. Họ tự xoay xở với nhau và đã làm được một chương trình ra hồn.

Họ là 8X, nhưng khác hẳn định nghĩa 8X mà mọi người hay nói. Người viết cũng 8X, nhưng khác hoàn toàn với những người mà tôi đã gặp trong quá trình thực hiện bài viết. 1980, 1981, 1982 - có lẽ quá già để gọi mình là "thế hệ trẻ". Họ, 8X+, hiện ra, tràn trề sinh lực, hừng hực nhiệt huyết và thẳng thắn bày tỏ mọi thứ mình muốn. Trước một hội đồng toàn những người lớn tuổi và có vẻ... khó tính, những người chưa kịp 20 tuổi này tự tin đến mức ngạc nhiên khi nói về mình. Họ trẻ - dĩ nhiên rồi. Họ thành thạo internet - cũng dễ hiểu. Họ xài tiếng Anh một cách dễ dàng - chắc cũng không phải là chuyện lạ.

Những dấu hiệu 8X+
- Sinh từ năm 1986 - 1989
- Ngoại ngữ và internet chảy trong máu
- Online ít nhất 4 tiếng mỗi ngày
- Không có cảm giác ranh giới với người nước ngoài
- Độc lập với những người lớn hơn
- Có những mạng lưới bạn bè khắp nơi
- Thích làm việc mang lại lợi ích xã hội

Thế hệ "dấu cộng" lờ mờ hiện lên trong suy nghĩ. Và tôi bắt đầu phiêu lưu vào một cuộc khảo sát của riêng mình, tìm kiếm chân dung của những người bạn trẻ tuổi hơn, nhiều tiềm năng hơn và nhiều khát vọng cống hiến hơn.

 

20 tuổi, tôi hay suy nghĩ và thường hay lo lắng về mọi thứ, nhạy cảm, sâu sắc và đòi hỏi rất nhiều từ bản thân mình. Lúc nào tôi cũng cảm thấy chưa hài lòng về mình, về mọi thứ như một đứa tham lam và kỳ lạ. Tôi hay trăn trở về tương lai, theo kiểu năm 30 tuổi sẽ làm gì, năm 40 tuổi tôi sẽ thế nào và thỉnh thoảng lại nhớ lại quá khứ. Chúng tôi không thích so sánh mình với các anh chị đi trước hay bạn bè ngoài thế giới, bởi mọi người đều có những điểm mạnh và điểm yếu riêng. Vấn đề là làm thế nào để học được hết các điều mình cần học để mình lớn lên, theo nhiều chiều nghĩa của nó. Nghĩ mình có giỏi không - có lúc thì có và có lúc thì không. Tôi không muốn mình là người giỏi nhất, vì tôi luôn biết mình cần gì và có gì. Tôi tin tưởng là một ngày không xa, mình sẽ khẳng định được đẳng cấp của người Việt trẻ so với bạn bè thế giới. Bởi thực ra, hiện giờ họ chỉ hơn mình về trình độ ngoại ngữ thôi, mà cái đó thì không khó để làm chủ. Thế thôi!

Trần Thị Thanh Tâm - 20 tuổi - sinh viên năm thứ 3

Có một công thức: How-to-Mơ!

"How to Mơ" - đó là cách nói vui về kỹ năng hoạch định cuộc đời của ông Giản Tư Trung, người sáng lập Trường Doanh nhân và Giám đốc PACE - trong một buổi nói chuyện với sinh viên Trường đại học Kinh tế TP.HCM, những người đại diện cho thế hệ "dấu cộng".

Ông nói: "Các bạn trẻ bây giờ, hiện đại hơn, hiểu biết nhiều hơn, tham vọng nhiều hơn và muốn tự khẳng định mình nhiều hơn. Nhưng tôi vẫn hay gặp ở đâu đó những ước mơ chẳng hạn như tôi muốn làm tỉ phú năm 30 tuổi, tôi muốn có một công việc với mức lương 5,000 USD... Tất nhiên, những ước mơ này rất là tích cực, nhưng theo tôi, đó chỉ là phần ngọn chứ không phải là cái gốc của "vấn đề mơ". Cái gốc của vấn đề mơ không nằm ở chỗ mơ lớn hay nhỏ, mơ cao hay thấp mà nằm ở chỗ "How-to-Mơ" (cách mơ).


Giản Tư Trung: “Các bạn trẻ bây giờ hiện đại hơn, hiểu biết nhiều hơn...”

Chúng ta có một cách mơ, đó là ta có thể "kiếm" hay "đạt" được gì cho mình bằng cách "mang" lại cái gì cho ai đó (chứ không phải bằng cách "gây" ra cái gì cho ai đó). Mang lại cái gì tức là giải quyết vấn đề gì, ai đó là ai? Có thể là một nhóm người, có thể là cả xã hội... Nói theo một cách khác, nếu chúng ta đặt "cái riêng" nằm lọt trong "cái chung" thì lúc đó "vì cái chung tự nhiên sẽ có cái riêng". Và cũng lúc đó, cái chung là "mục đích" và cái riêng là "hệ quả". Khi chúng ta làm một việc mà không thể nào phân biệt được đây là "việc chung" hay "việc riêng" thì cũng là lúc chúng ta tìm được thật nhiều ý nghĩa của cuộc sống trong công việc.

Như vậy, ta có thể là hoạch định cuộc đời, ước mơ của mình bằng cách nghĩ đến những đóng góp của mình cho xã hội, cho đất nước và cho cả thế giới. "Con người không phải được đánh giá bằng danh vị, mà bằng chính những gì mà người đó đã làm trong cuộc đời" và "Mỗi con người chỉ có một cuộc đời, và do vậy, mình phải biết rõ là sẽ dùng cuộc đời của mình vào việc gì",... "Những điều này cũng sẽ khởi đầu cho mọi ước mơ" - Ông Trung nói.

Ở một số quốc gia như Nhật, Mỹ, Singapore... giới trẻ luôn nghĩ nhiều đến chuyện giải quyết vấn đề gì của thế giới, làm sao để thay đổi thế giới và làm cho nó trở nên tốt đẹp hơn. Trong khi đó ở VN, tôi thấy nhiều bạn trẻ vẫn còn loay hoay với câu hỏi: "Phải cái gì làm gì đây? Hay làm gì cho VN mình?". Chuyện gì sẽ xảy ra nếu nhiều người VN cùng nghĩ như giới trẻ thế giới đang nghĩ? Google, trong "sứ mệnh" của họ là "tổ chức lại hệ thống thông tin thế giới". Họ sẽ góp phần làm thay đổi thế giới thông qua việc tổ chức lại hệ thống thông tin của nhân loại và mang nó đến cho mọi người trên khắp hành tinh một cách dễ dàng hơn. Google đã bước ra khỏi biên giới Mỹ trong suy nghĩ của họ, cũng như họ không chú ý tới chuyện kiếm tiền bằng công nghệ thông tin hay bằng công nghệ tìm kiếm. Chỉ trong vòng mấy năm, Google đánh gục các đối thủ của mình, dù sừng sỏ như MSN (của Microsoft) hay Yahoo trong lĩnh vực tìm kiếm.

T.N.V

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.