Chuyển ô nhiễm từ nội thành ra ngoại thành

05/11/2008 00:47 GMT+7

Sáng 4.11, Ban Kinh tế và Ngân sách HĐND TP.HCM khảo sát tình hình hoạt động xử lý nước thải của Khu công nghiệp (KCN) Tân Phú Trung và ảnh hưởng tác động môi trường trên địa bàn xã Tân Phú Trung (H.Củ Chi).

“Mấy anh không thể lấy lý do kinh tế để biện hộ cho việc biến vùng đất xanh thành vùng đất chết”, ông Huỳnh Văn Nị, Chủ tịch UBND xã Tân Phú Trung, bức xúc. Theo ông Nị, những con kênh xanh, đặc biệt là kênh Thầy Cai, nằm trên địa bàn xã, giờ chỉ còn là ký ức của người lớn tuổi, vì bị nước thải từ các nhà máy trong KCN hủy hoại dần, biến thành những dòng nước đen ngòm, bốc mùi hôi thối và tàn phá sức khỏe người dân địa phương.

Đáng lưu ý, theo ông Nị, các doanh nghiệp trong KCN Tân Phú Trung khi ở trong nội thành đã gây ô nhiễm, di dời ra đây lại tiếp tục gây ô nhiễm, người dân liên tục lên tiếng khiếu nại, đề nghị các cơ quan chức năng sớm giải quyết, nhưng đáp lại chỉ là sự im lặng đáng sợ. 

Lãnh đạo Công ty cổ phần phát triển đô thị Sài Gòn Tây Bắc (chủ đầu tư KCN Tân Phú Trung), thừa nhận: Các doanh nghiệp trong KCN hoạt động chủ yếu ở các ngành nghề sản xuất cồn, giấy, dệt nhuộm, cao su… và chỉ có 28 trong trong tổng số 45 doanh nghiệp có xây dựng hệ thống xử lý nước thải cục bộ, nhưng chất lượng nước thải của các doanh nghiệp hầu hết không đạt tiêu chuẩn theo quy định. 

Tiếp xúc với chúng tôi, người dân địa phương lo lắng ô nhiễm môi trường đang gây thiệt hại về kinh tế cho người dân, khi những cánh đồng lúa, hoa màu… dần bị hoang hóa, sắp tới nếu nguồn nước ngầm ô nhiễm thì sức khỏe người dân bị đe dọa nghiêm trọng.

Ông Huỳnh Văn Nị tha thiết: “Người dân Tân Phú Trung chỉ yêu cầu các cơ quan chức năng đừng ngồi bàn bạc nữa mà phải có hành động cụ thể. Phải đóng cửa các doanh nghiệp gây ô nhiễm, chứ bà con đau khổ lắm rồi”.  Nhận định tình hình ô nhiễm môi trường tại KCN Tân Phú Trung là rất nghiêm trọng, Phó trưởng Ban Kinh tế và Ngân sách HĐND TP.HCM Huỳnh Công Hùng yêu cầu cuối tháng 11.2008, Công ty cổ phần phát triển đô thị Sài Gòn Tây Bắc phải buộc các doanh nghiệp trong KCN hoàn tất việc xây dựng hệ thống xử lý nước thải cục bộ; đồng thời đưa vào vận hành nhà máy xử lý nước thải có công suất 4.000 m3/ngày. “Song song đó, các cơ quan chức năng cần củng cố hồ sơ pháp lý các doanh nghiệp vi phạm về pháp luật môi trường, để kiên quyết xử lý”, ông Hùng nhấn mạnh.                   

Minh Nam

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.