Người Việt xài hàng “de luxe”

24/09/2007 17:25 GMT+7

(TNO) Hãng AP vừa có bài viết về thị trường hàng hóa xa xỉ ở Việt Nam. Bài viết đã đứng đầu trong danh sách “Được đọc nhiều nhất” trên mục tin tức thế giới của Yahoo. Xin lược dịch giới thiệu cùng bạn đọc.

Ở một đất nước mà cách đây không xa, người ta phải cắt bánh xe làm dép mang, một đôi xăng đan Gucci giá 365 USD có thể gây sốc thực sự.

Nhưng thực tế là thị trường các loại hàng xa xỉ đang nở rộ ở Việt Nam. Trong bối cảnh các lĩnh vực kinh tế tư nhân đang phát triển, những người giàu có mới phất lên bắt đầu chọn giày dép Gucci, túi xách Louis Vuitton và đồng hồ Cartier,  một bằng chứng rõ ràng về sự thay đổi cực kỳ nhanh chóng sau chiến tranh ở Việt Nam.


Một chiếc xe hơi đắt tiền trên đường phố Hồ Chí Minh (Ảnh AP)


“Mới đây, tôi đã bán một túi xách da giá 4.000USD. Khách của tôi muốn mọi người biết rằng họ thuộc tầng lớp giàu có”, Đỗ Hương Ly, một người bán hàng thời trang tại cửa hàng Roberto Cavalli tại Hà Nội cho biết như vậy.

Cách đây không lâu, phô trương sự giàu có có thể làm cho người khác “dị ứng” Nhưng mọi chuyện thay đổi từ cuối thập niên 80 của thế kỷ trước, khi chính phủ bắt đầu thực hiện các biện pháp cải cách theo cơ chế thị trường tự do và thu hút đầu tư nước ngoài.

“Thế hệ mới ngày nay muốn tận hưởng cuộc sống và sắm sửa cho riêng mình những thứ xa xỉ”, Nguyễn Thị Cẩm Vân – 39 tuổi cho biết. Cô đã mua 5 túi xách giá 1.000 USD tại cửa hiệu Loius Vuitton.

Cô nói tiếp: “Nếu bản thân tôi có tiền mua những thứ sành điệu, tôi cảm thấy tự hào. Những thứ này cho mọi người thấy khiếu thẩm mỹ và phong cách của bạn”.

Một người bạn của Vân sở hữu đến 50 túi xách Loius Vuitton, còn cô thì: “tôi nghĩ 5 chiếc là đủ!”.

Một số người Việt Nam nghiện mua sắm thuộc tầng lớp trẻ đang làm việc cho các công ty đa quốc gia nhưng không phải tốn tiền thuê nhà sống riêng như ở các nước phương Tây mà vẫn ở cùng cha mẹ. Số khác thì làm việc trong các công ty nhà nước hoặc các công ty tư nhân. 

Họ đua nhau mua sắm hàng hiệu cao cấp: Dolce and Gabbana, Burberry, Escada, Rolex, Clarins, Shiseido…

Còn tại thành phố Hồ Chí Minh, ở một cửa hiệu Gucci mới mở, dép lê là một trong những thứ được bày bán. Tại đây cũng có một đôi giày nạm vàng được để giá 765USD.

Còn trong cửa hiệu Milano, hồi năm ngoái một chiếc áo đầm Dolce and Gabbana giá 54.000 USD đã được trưng bày. Theo giám đốc makerting Đặng Tú Anh thì trên thế giới chỉ có 3 chiếc áo cùng loại, một của minh tinh màn bạc Nicole Kidman và một của Victoria Beckham.

Tú Anh cho biết các khách sộp của Milano thường chẳng bận tâm gì nhiều khi móc ví lấy 5.000 USD để mua một chiếc túi xách và một đôi giày.

Có một sự khác biệt lớn giữa thế hệ lớn lên trong thời kỳ chiến tranh và lớp trẻ hiện nay. Trong khi thế hệ trước luôn chú trọng tiết kiệm cho tương lai thì thế hệ trẻ muốn tận hưởng cuộc sống ngay trong hiện tại. Các cuộc thăm dò ý kiến cho thấy 60% những người Việt Nam ra đời sau năm 1975 rất lạc quan về tương lai và cho rằng nên tận hưởng cuộc sống ngay từ bây giờ.

Sau hai thập niên cải cách kinh tế, tỉ lệ đói nghèo của Việt Nam đã giảm đến một nửa và thu nhập bình quân tính theo đầu người đã tăng gấp đôi trong vòng 5 năm qua.

Trường hợp như Vân, người mua 5 chiếc túi xách Louis Vuitton, chỉ là một người tiêu tiền rất khiêm tốn nếu so với tầng lớp siêu giàu ở Việt Nam, những người đang sở hữu những chiếc BMW hay Mercedes-Benz.

Nguyễn Hoàng Triệu, một người buôn bán xe hơi đắt tiền ở thành phố Hồ Chí Minh nói: “Ở Mỹ, anh mua xe bằng tiền trả góp nhưng ở đây, anh chỉ trả tiền một lần và trả bằng tiền mặt. Có lúc người ta đến cửa hàng của tôi với 400.000USD trong vali”

Đoan Nhật (lược dịch theo AP)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.