Những nghi vấn xung quanh vụ “đấu giá bất thường” tại TP.HCM

28/10/2005 00:38 GMT+7

Ngay sau khi Báo Thanh Niên đăng bài về cuộc bán đấu giá bất thường căn nhà 163 Trần Hưng Đạo, P.10, Q.5, TP.HCM, chúng tôi đã nhận được khá nhiều thông tin từ phía bạn đọc lẫn khách hàng trực tiếp tham gia phiên đấu giá đặt ra nghi vấn về tính minh bạch, công bằng của phiên đấu giá trên...

Theo ông Chu Quang Lượng, một khách hàng tham gia đấu giá thì: Trung tâm dịch vụ đấu giá tài sản (sau đây viết tắt là TT) yêu cầu khách hàng trúng giá phải trả bằng tiền Việt Nam, nhưng khi ông Hoàng Minh Triển mua được ngôi nhà, ông đã trả bằng vàng mà không gặp phải bất cứ sự phản đối nào của TT. Khi Công ty TNHH Gaap trả giá 32,16 tỉ đồng, mọi khách hàng tham gia đấu giá đều cảm thấy không bình thường và có ý kiến nhưng ông Vũ Kim Hiệp - Phó giám đốc TT không đồng ý mà lại kết thúc phiên đấu giá và bỏ đi ra ngoài nhanh chóng... Những diễn biến này - nếu đúng như các khách hàng phản ánh - thì quả thật có thể gây cho người ta những cảm giác nghi ngờ, đặt câu hỏi về một "mối quan hệ" nào đó giữa những người làm nhiệm vụ điều hành phiên đấu giá và "ai đó" trong số khách hàng. Trong số những nghi vấn, chi tiết Ban điều hành phiên đấu giá sắp xếp số thứ tự của những khách hàng tham gia đấu giá được đa số các khách hàng quan tâm và mấu chốt câu chuyện cũng bắt đầu từ đây.

Ông Nguyễn Hoàng Huy đang trả lời bức xúc của khách hàng - (ảnh: Đàm Huy)

Ông Nguyễn Hoàng Huy cho biết: Sáng 27/10, ông Khuê đã đệ đơn xin TT cứu xét xin lại số tiền 190 triệu đồng với lý do là trong phiên đấu giá ngày 26/10 đã sử dụng điện thoại để tính toán nên... nhầm lẫn. Trung tâm đã trả lời là không có thẩm quyền trả lại số tiền đó, bởi vì việc hủy bỏ kết quả đấu giá và số tiền đặt cọc bị mất của Công ty TNHH Gaap không liên quan gì với nhau.

Hữu Phú - Đàm Huy

Cần nhớ rằng, khách hàng tham gia đấu giá chỉ được trả giá tuần tự theo số thứ tự. Đây chính là chỗ hở để những khách hàng "quen biết" nhau có thể bắt tay cùng "diễn một vở kịch" để loại bỏ những đối thủ của mình - nếu họ có số thứ tự liền kề nhau. Theo điều 21, khoản 1, Nghị định 05/2005 của Chính phủ thì trong trường hợp người điều hành cuộc bán đấu giá tài sản công bố người mua được tài sản bán đấu giá mà người này từ chối mua thì tài sản được bán cho người trả giá liền kề nếu giá liền kề ít nhất bằng giá khởi điểm. Khoản tiền đặt trước của người từ chối mua thuộc về người có tài sản bán đấu giá. Điều này đã diễn biến đúng như trên thực tế trong phiên bán đấu giá ngôi nhà 163 Trần Hưng Đạo ngày 26.10. Chỉ bằng một cú phát giá cao qua giá trần rồi bỏ, khách hàng số 7 đã làm lợi cho vị khách hàng số 6 nhiều tỉ đồng - số tiền quá lớn so với 190 triệu đồng tiền cọc mà khách hàng đã bỏ... Theo tính toán của các khách hàng tham gia phiên đấu giá ngôi nhà 163 Trần Hưng Đạo ngày 26.10: nếu ngôi nhà được bán đúng với giá của vị khách số 6 Hoàng Minh Triển đã trúng, Nhà nước sẽ thiệt hại khoảng 5 tỉ đồng.

Ông Nguyễn Hoàng Huy, Giám đốc TT cho hay: "Cá nhân tôi cho rằng có dấu hiệu khuất tất trong vụ bán đấu giá này. Qua quá trình tiếp xúc với ông Khuê, tôi thấy người này có vẻ như không hề biết gì về đấu giá". Được biết, sau khi vụ mua bán này bị đình chỉ thì ông Hoàng Minh Triển, người trả giá 19 tỉ đồng, đã được TT cho mời lên để trả lại số tiền 1,7 tỉ  đồng đã nộp trước theo quy định. Ông Huy cho biết thêm ông Triển đã từng nhiều lần tham gia đấu giá tại trung tâm và đã mua được những tài sản có giá trị rất lớn. Căn nhà 163 Trần Hưng Đạo là tài sản công nên được Hội đồng định giá của UBND TP.HCM ra mức giá khởi điểm là 18,88 tỉ đồng. "Sau vụ này, chúng tôi sẽ rút kinh nghiệm, khống chế cả giá sàn và giá trần để không xảy ra một vụ việc nào như vậy nữa" - ông Huy tuyên bố.

Một nguồn tin đáng tin cậy cho hay, chiều 27.10 Bộ Tư pháp đã có công văn chỉ đạo Sở Tư pháp TP.HCM giải quyết vụ việc này. Thế nhưng khi chúng tôi liên lạc với Sở Tư pháp thì Sở cho biết vẫn chưa nhận được công văn nói trên.

Làm gì để đấu giá không “bất thường”?

- Một DN kinh doanh địa ốc ở TP.HCM: Để tránh thiệt hại cho Nhà nước và chủ sở hữu khi tổ chức đấu giá bất động sản, cần phải có một công ty thẩm định giá độc lập đứng ra thẩm định trước khi đưa ra mức giá khởi điểm để đấu giá. Quan trọng hơn là công ty đó phải có đủ uy tín, năng lực để việc thẩm định cho ra kết quả sát với giá thị trường (thẩm định viên phải có thẻ thẩm định về giá do Bộ Tài chính cấp). Khi giá khởi điểm đưa ra sát với mức giá thị trường thì dù giá bán cuối cùng là bao nhiêu người bán cũng không bị thiệt hại.

- LS Trương Thị Hòa (Đoàn Luật sư TP.HCM): Nếu quy định người tham gia đấu giá phải bị mất 50% trên tổng số tiền người đó đưa ra đấu giá thì sẽ không có chuyện một nhóm người câu kết với nhau rồi "bỏ của" để người trong nhóm được lợi. Việc trả giá cao một cách bất ngờ lẽ ra cũng không được phép.

- Một chuyên gia có kinh nghiệm trong lĩnh vực đấu giá của ngành tài chính TP.HCM: Trong quy chế đấu giá có hai phương thức: một là người tham gia đấu giá tự bỏ giá, hai là đưa ra giá khởi điểm có quy định từng nấc giá trong mỗi lần phát giá của người đấu giá. Như vậy, phương thức thứ 2 sẽ ngăn chặn được tình trạng phát giá đội lên quá cao rồi sau đó rút lui, nhường quyền trúng đấu giá lại cho người kế tiếp như vụ việc mà báo đã nêu.

T.T.Bình - Q.Thuần - M.Phương (ghi)

Hữu Phú - Đàm Huy - Trung Bảo

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.