Lại nói về "tính chuyên nghiệp" trong điện ảnh

08/11/2005 22:01 GMT+7

Sáng 8/11/2005, Hội Điện ảnh TP.HCM - Trung tâm nghiên cứu nghệ thuật và lưu trữ điện ảnh Việt Nam đã tổ chức buổi tọa đàm với chủ đề Bàn về tính chuyên nghiệp trong quản lý và sản xuất điện ảnh - một vấn đề đã được nói đến từ lâu - với sự tham dự của các nhà sản xuất, đạo diễn, biên kịch và diễn viên.

Nghiệp dư trong tất cả các khâu của sản xuất điện ảnh - đó là điều mà những người tham dự đã thường xuyên nhắc đến khi nói về nguyên nhân chủ yếu khiến điện ảnh VN chưa thật sự chuyển mình và cất cánh...

Lý giải điều này, họa sĩ Đỗ Lệnh Hùng Tú - Trung tâm đào tạo, chuyển giao công nghệ và bảo hành thiết bị điện ảnh cho rằng: "Trong hoạt động sản xuất phim hôm nay, nhiều đoàn phim với sức ép giảm chi phí, tiến độ quay đạt 3 ngày một tập phim video truyền hình, trên một tháng cho một bộ phim nhựa đã từng bước đẩy công nghệ làm phim đến mức chạy đua. Còn đâu nữa những cảm hứng để sáng tạo, những tranh luận nghề nghiệp, tìm tòi, khổ công chắt lọc từng khuôn hình đẹp... vì thế quy trình làm phim đã dần dần được... nghiệp dư hóa". Nhà báo Tô Hoàng thì cho rằng: "Không thể yêu cầu về tính chuyên nghiệp trong việc làm phim khi tiền vốn đầu tư cho mỗi bộ phim còn quá thấp như hiện nay. Bởi lẽ, ít vốn lập tức đẻ ra tình trạng làm dối, làm ẩu, tinh giản hết những yêu cầu cần phải đạt tới về mặt nghệ thuật và kỹ thuật - cũng tức là trực tiếp giảm thiểu những yêu cầu cần thiết của tính chuyên nghiệp", và cũng không thể nói tới tính chuyên nghiệp khi mà "khâu nhà trường tuyển chọn và đào tạo nhân tài điện ảnh còn bộc lộ quá nhiều khiếm khuyết". Đạo diễn Lê Cung Bắc thì nêu ra những lý do chính dẫn đến tình trạng nghiệp dư hóa sản xuất điện ảnh: sự hạn chế bất hợp lý của việc sản xuất phim, sự bất túc trong đầu tư tài chính, kỹ thuật và quản lý nhân sự, sự thiếu đồng bộ trong bộ máy sản xuất...

Trong khi khối sản xuất phim tư nhân có nhiều lợi thế về phương thức đầu tư, bộ máy vận hành, tay nghề tổ chức, thử nghiệm và áp dụng ý tưởng để tiến tới chuyên nghiệp thì lại chưa được cung cấp một "lộ trình" chiến lược từ phía Nhà nước. Vì thế, tiến sĩ Đức Kôn đưa ra lý do vì sao chúng ta không thể làm phim với tính chuyên nghiệp là kiểu đầu tư của Nhà nước như hiện nay đã không đi tới đâu còn với hãng phim tư nhân thì làm phim theo kiểu “lẻ mẻ” chứ chưa có một chiến lược lâu dài, vì họ chưa hoạt động theo cơ chế rõ ràng dưới sự điều chỉnh của Luật Điện ảnh.

Làm gì nâng cao tính chuyên nghiệp trong quản lý và sản xuất điện ảnh mới là vấn đề cấp bách của điện ảnh hiện nay. NSƯT - đạo diễn Đào Bá Sơn quả quyết: "Hãy nhìn vào thực tế, cái mà chúng ta đang cần là những giám đốc sản xuất giỏi, có nghề, có tầm nhìn chiến lược thì mới mong có những bộ phim được làm với quy trình chuyên nghiệp. Vai trò của giám đốc sản xuất rất quan trọng, là nhân tố chính quyết định sự thành bại của tác phẩm điện ảnh". Còn theo nhà báo Tô Hoàng thì có hai khâu trọng yếu để xây dựng nên tính chuyên nghiệp là: người làm phim phải sống chết vì phim, phải coi mỗi bộ phim là con thuyền chở đạo tới người xem chứ không vì kinh phí thấp mà giảm thiểu những yêu cầu cần thiết của tính chuyên nghiệp; và phải nâng cao chất lượng khâu tuyển chọn và đào tạo nhân tài điện ảnh. Ông Lê Đức Tiến - Giám đốc Hãng phim Giải Phóng đề xuất: "Cần làm theo quy trình mới, lấy nhu cầu thị trường làm điểm xuất phát cho các dự án sản xuất phim. Phải tiếp thị, quảng cáo để đạt các hợp đồng chiếu phim, bán phim trước khi sản xuất". Ông Nguyễn Thái Hòa - Phó giám đốc Hãng phim Giải Phóng khẳng định: "Việc Nhà nước đặt hàng và tài trợ cho điện ảnh là rất cần thiết, nhưng nếu muốn hoạt động điện ảnh chuyên nghiệp thì cần có một thị trường điện ảnh thực thụ, tồn tại và phát triển trên cơ sở cạnh tranh sẽ dẫn đến chuyên nghiệp".

Trâm Anh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.