Cần có chế tài để blog phát triển lành mạnh!

30/09/2007 22:21 GMT+7

Blog là một loại hình giao lưu trực tuyến rất phát triển trong thời gian gần đây. Ở mặt tích cực, blog là nơi để các blogger thể hiện mình, là một kênh thông tin giúp mỗi cá nhân nâng cao hiểu biết, nhận thức về các vấn đề xã hội qua các diễn đàn. Nhưng mặt trái của blog cũng đang khiến các nhà quản lý văn hóa "đau đầu" khi chưa có các quy định, chế tài cụ thể với những blog đen, blog bẩn. Thanh Niên đã có cuộc trao đổi với Thứ trưởng Bộ Thông tin-Truyền thông Đỗ Quý Doãn về vấn đề này.

* Cơ quan quản lý nhà nước quan niệm thế nào về blog, thưa ông?

- Trước tiên, chúng ta phải hiểu đầy đủ, đánh giá đúng về khái niệm blog. Có những quan niệm phổ biến cho rằng blog là  nhật ký trực tuyến, là báo chí công dân... Theo tôi, những quan niệm đó có thể đúng ở khía cạnh nhất định nhưng chưa đầy đủ. Nhật ký là tôi viết cho riêng cá nhân tôi đọc, hơn chút nữa là một vài người thân. Còn blog lại có nhu cầu công bố thông tin cá nhân cho mọi người đọc, nghĩa là không còn sự riêng tư của cá nhân nữa. Nếu coi blog là một loại hình báo chí thì cũng không đúng bởi không luật nào quy định loại thông tin đó là báo chí cả. Theo quan điểm của tôi, blog là nơi ghi chép thông tin cá nhân - những thông tin này cá nhân có nhu cầu cung cấp, trao đổi, chia sẻ, tham gia diễn đàn với mọi người.

* Vậy cơ quan quản lý nhà nước cũng biết rất rõ về thực trạng của "hiện tượng blog" hiện nay?

- Không thể phủ nhận những mặt tốt, tích cực của blog khi không ít các diễn đàn trên blog về những vấn đề xã hội, dân sinh, những trao đổi thông tin nhiều chiều rất có ích, ví dụ như chỉ cho nhau cách kinh doanh, bảo vệ môi trường, đảm bảo trật tự an toàn giao thông... Tính hấp dẫn, trực tuyến của blog đã thu hút hàng vạn người, giúp nâng cao trình độ về internet cho cả cộng đồng rộng lớn, quan trọng hơn, nâng cao kiến thức xã hội hay kiến thức chuyên sâu cho những người tham gia giao lưu blog trực tuyến. Sức ảnh hưởng, lan tỏa của blog là rất lớn.

“Tôi chưa có blog nhưng các con tôi đều có. Tôi sẽ lập blog khi có điều kiện thời gian. Tuy nhiên, hiện giờ tôi vẫn tham gia các diễn đàn trên mạng về các vấn đề văn hóa, xã hội với nhiều nickname khác nhau”. (Thứ trưởng Bộ Thông tin - Truyền thông Đỗ Quý Doãn)

Mặt khác cũng phải nhận thức rõ rằng, những thông tin trên blog là mang tính chủ quan, không chính thống, tính chính xác nhiều khi không cao. Vậy nên nếu thông tin được đưa ra với động cơ xấu mang tính cá nhân thì hậu quả cũng rất lớn.

* Nếu coi blog là những thông tin cá nhân thì Nhà nước có cần quản lý không và quản lý ra sao?

- Quan điểm của tôi, blog là của mỗi cá nhân nhưng ảnh hưởng rộng lớn đến đời sống xã hội nên chắc chắn Nhà nước phải quản lý. Nhiều người quan niệm, quản lý tức là nghiêm cấm, thắt chặt nhưng tôi cho rằng quản lý tức là tạo điều kiện cho sự phát triển. Quản lý theo kiểu hành chính với blog là không hiệu quả. Ở đây, phải xác định rõ, quản lý không phải nghiêm cấm, thắt chặt mà đưa ra những tiêu chí, quy định, chế tài cụ thể để blog phát triển tự do trong khuôn khổ Nhà nước cho phép. Công bố thông tin cá nhân là quyền của mỗi người nhưng anh không được vi phạm những điều sau: không tuyên truyền những gì chống lại đất nước, gây mất đoàn kết các dân tộc, các quốc gia; không tuyên truyền phát động chiến tranh, ảnh hưởng đến quan hệ quốc tế; không kích động bạo lực, dâm ô, đồi trụy; không xúc phạm đến danh dự, nhân phẩm, cá nhân, uy tín tổ chức; không tuyên truyền những gì trái với thuần phong mỹ tục và giá trị truyền thống của dân tộc; không được tiết lộ bí mật cá nhân khác, của cơ quan, bí mật kinh tế, quốc phòng, an ninh quốc gia...

Tóm lại, khi đã có những quy định rất rõ ràng, cụ thể thì sẽ tạo một môi trường tự do lành mạnh, thông thoáng để blog phát triển theo đúng hướng. Cũng không có gì tốt, hiệu quả bằng việc người tham gia blog tự quản lý mình, ý thức rõ ràng những gì được phép và không được phép theo quy định của pháp luật khi trao đổi thông tin cá nhân, tham gia diễn đàn trên mạng.

* Theo ông, ngoài những quy định, chế tài cụ thể, để phát huy vai trò tích cực của blog trong đời sống tinh thần, xã hội, chúng ta phải làm gì?

- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền giáo dục. Tất nhiên, đó không phải hình thức tuyên truyền giáo dục khô cứng, nhồi nhét, ép buộc. Nâng cao nhận thức của những blogger để mỗi người tự lựa chọn những thông tin tốt, loại bỏ những thông tin rác rưởi. Vai trò của cơ quan, nhà trường, gia đình cũng rất quan trọng trong việc quản lý blog bằng dư luận xã hội. Chắc chắn, dư luận sẽ hưởng ứng, ủng hộ những blog, diễn đàn tốt, hay phản ứng, ngăn chặn những blog đen, blog bẩn, những quan niệm nhận thức cá nhân sai lầm, lệch lạc. Blog, nếu biết khai thác, sẽ tận dụng được rất nhiều mặt mạnh của nó. Khi trình độ nhận thức cá nhân được nâng cao, blog cũng sẽ là những diễn đàn trực tuyến sâu rộng, sinh động và hiệu quả về những vấn đề xã hội quan tâm. 

Cũng cần nói thêm rằng, với những blog đen, blog bẩn, sẽ tới lúc phải quy trách nhiệm và có chế tài cụ thể với những nhà cung cấp dịch vụ.

* Những quy định, chế tài cụ thể quản lý hoạt động của blog bao giờ sẽ được công bố, thưa ông ?

- Bộ Thông tin-Truyền thông đang gấp rút xây dựng quy chế quản lý blog trên cơ sở bổ sung, hoàn thiện Quy chế 27 của Bộ Văn hóa - Thông tin trước đây về việc quản lý thông tin trên mạng internet. Việc quản lý blog không phải sẽ đưa vào Luật báo chí sửa đổi như một số báo đã thông tin vì như tôi đã nói ở trên, blog không phải là một loại hình báo chí.

Theo kết quả nghiên cứu của Window Live Spaces của Microsoft thì blog đang là một "cơn bão" phát triển mạnh ở châu Á với tư cách là một kênh kết nối thông tin xã hội và thể hiện bản thân một cách hiệu quả. Blog ngày càng đóng vai trò quan trọng trong đời sống của hàng triệu cư dân mạng:

- 46% dân số trực tuyến của châu Á có blog của riêng mình

- 74% cho rằng trao đổi với gia đình, bạn bè qua blog là thú vị nhất

- 41% tiêu tốn hơn 3 giờ một ngày cho blog

Blogger góp tiền cứu trợ gia đình nạn nhân sập cầu Cần Thơ

Ngày 30.9, tại Nhà văn hóa Thanh niên TP.HCM, chương trình "Ngày hội blogger Việt 2007" do trang blog TìmNhanh! Café tổ chức đã thu hút đông đảo bạn trẻ tham gia. Tại đây, diễn ra hàng loạt hoạt động sôi nổi như: Vũ điệu blogger, cuộc thi viết nhanh "Ấn tượng ngày hội blogger Việt 2007", giao lưu chia sẻ kỹ năng viết blog, thiết kế và định hướng "Chung tay xây dựng blog lành mạnh"... Dịp này, TìmNhanh! Café đã công bố số tiền hỗ trợ cho nạn nhân trong vụ sập cầu Cần Thơ là 24 triệu đồng.

N.Lịch

Các quy tắc và hành vi ứng xử  blog

Tất cả các cộng đồng có các quy tắc và nguyên tắc ứng xử của nó. Blog không phải là ngoại lệ, sau đây là một số trong những quy tắc đó:

* Đừng thể hiện cảm xúc hay quan điểm không thích hợp của bạn về các thành viên blog khác.

* Đừng đòi hỏi người khác phải đặt link blog của mình

* Nhận biết đúng đắn nguồn thông tin nội dung trên blog của bạn

* Bảo vệ chính sách cá nhân

* Đưa ra lịch trình cập nhật blog

* Giữ các quy tắc của các thành viên blog khác

* Kiểm tra ngữ pháp và tính logic của nội dung bạn viết

* Thông báo cho thành viên Blog khi nội dung của họ bị xóa

* Đừng thô lỗ và hãy thể hiện cảm xúc một cách hòa nhã

* Cảm ơn các thành viên có nội dung hay.

Hãy nhận thức các vấn đề liên quan đến tính công khai, tự do và tính riêng tư trong việc tạo blog. Tất cả nội dung blog và các cập nhật phải công khai (ngoại trừ các nội dung thương mại). Nếu bạn yêu cầu tính riêng tư thì bạn nên nhận thức về quan điểm đạo đức và tính riêng tư ở các nơi khác nhau. Tải lên nội dung mở giống như làm một việc ở nơi công cộng, nghĩa là, bạn chấp nhận để tất cả mọi người biết về điều đó. Viết blog có nhiều mục đích khác nhau mà nội dung của nó 100% là bộc lộ đối với mỗi thành viên blog. Vì thế, bạn nên cẩn thận khi phân tách nội dung cá nhân và công khai. (Từ Blog viet4777)

Vinh Nguyễn (dịch)

Phạm Ngọc (thực hiện)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.