Giải pháp cơ bản

17/10/2008 00:28 GMT+7

Cái gốc của khủng hoảng là mất cân bằng giữa thu và chi không chỉ đối với người tiêu dùng, đối với các ngân hàng mà còn đối với các chính phủ. Cái gốc này cộng hưởng với mô hình và sự buông lỏng quản lý cũng như những yếu tố khác đã làm cho cuộc khủng hoảng tài chính hàng trăm năm mới có một lần.

Nhiều giải pháp hiếm thấy từ trước tới nay được đưa ra. Sự "hiếm thấy" được thể hiện trên nhiều mặt và tập trung vào việc khôi phục niềm tin.

Đó là sự can thiệp của Chính phủ. Quy mô can thiệp, hỗ trợ về số tiền rất lớn. Số tiền mà Chính phủ và Cục Dự trữ Liên bang Mỹ bỏ ra đã lên đến hàng nghìn tỉ USD. Chính phủ Anh và Ngân hàng Trung ương Anh cũng với số tiền không thấp hơn. Chính phủ Pháp cũng đã đưa ra con số lên đến 360 tỉ euro. Các nước Nhật, Nga, Australia, Tây Ban Nha,… cũng đưa ra một số tiền khổng lồ ít thấy.

Hình thức hỗ trợ, can thiệp cũng đa dạng, phong phú hiếm thấy từ việc trực tiếp cung ứng tiền, quốc hữu hóa ngân hàng, nâng mức bảo hiểm tiền gửi (có nước còn đưa lên 100%) để người dân không ào ạt rút tiền gửi ở ngân hàng,… Những hình thức này cũng nhằm vào khôi phục lòng tin.

Đây cũng là bài học lớn cho VN, đặc biệt là tập trung vào việc nâng cao lòng tin của các NĐT và dân chúng vào thị trường, nhất là thị trường tiền tệ - tín dụng.

Về thị trường tiền tệ, lòng tin của các NĐT và dân chúng đã được nâng lên một bước đáng kể, khi những biện pháp thắt chặt tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sớm được thực hiện, như khống chế tỷ lệ cho vay đầu tư chứng khoán; hai lần nâng tỷ lệ dự trữ bắt buộc (từ 5% lên 10% và từ 10% lên 11%); phát hành 23.500 tỉ đồng tín phiếu NHNN; hai lần nâng lãi suất cơ bản (từ 8,5%/năm lên 12% và từ 12% lên 14%/năm); khống chế tốc độ tăng dư nợ tín dụng không vượt quá 30%,… Kết quả là tốc độ tăng huy động đạt khá, tốc độ tăng dư nợ tín dụng và tốc độ tăng tổng phương tiện thanh toán thấp hơn nhiều so với cùng kỳ.

Kết quả cuối cùng là tốc độ tăng giá tiêu dùng 3 tháng qua chỉ ở mức 0,95%/tháng; tỷ giá VND/ngoại tệ ổn định, đối với một số loại ngoại tệ còn giảm; nhập siêu giảm, cán cân thanh toán có số dư, dự trữ ngoại hối đến cuối tháng 9.2008 tăng 1,6 tỉ USD so với cuối năm 2007 và cao gấp đôi cuối năm 2006. NHNN đã và đang có giải pháp điều hành linh hoạt nhằm khắc phục các hiệu ứng phụ của việc thắt chặt tiền tệ để hỗ trợ các ngân hàng thương mại chia sẻ khó khăn về tiếp cận vốn ngân hàng của các doanh nghiệp.

Tuy nhiên, không thể chủ quan, cần thực hiện các biện pháp do Thủ tướng chỉ đạo như rà soát các khoản tiền gửi, tiền vay ở nước ngoài của các ngân hàng, các tập đoàn; theo dõi các ngân hàng, quỹ đầu tư nước ngoài ở VN; rà soát các thị trường, các khách hàng nhập hàng hóa của VN…

Ngọc Minh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.