Ăn uống, dưỡng sinh trong mùa đông

08/11/2009 16:41 GMT+7

Trời chuẩn bị lập đông, dưới đây là cách ăn uống dưỡng sinh trong mùa đông để giúp cơ thể khỏe mạnh.

Hàn tà là chủ khí mùa đông

Theo y học cổ truyền, mùa đông là mùa hành tác của hàn tà và phong tà, chúng thường hiệp lực với nhau để gây bệnh cho người, làm sinh ra cảm mạo phong hàn, viêm khí quản, phế khí thũng, đau các khớp...

Từ lâu, y học cổ truyền đã nhận thức được mối quan hệ giữa tạng phủ và thời tiết trong mùa đông. Thận và thời tiết mùa đông có quan hệ rất mật thiết, thận chủ thủy, tàng tinh, nếu thận khí bất túc, hoặc dương khí bất túc thì cơ thể con người sẽ sợ lạnh. Trong mùa đông càng dễ xuất hiện các bệnh có quan hệ đến dương khí bất túc, loại bệnh này thường có biểu hiện: sợ lạnh, đau mỏi eo lưng, phù thũng, đại tiện ít, tiểu tiện nhiều, hoặc xuất hiện liệt dương, kinh nguyệt không đều, hoặc hen suyễn tăng nặng, khó có giấc ngủ yên. Vì thế mùa đông con người phải dưỡng sinh, ăn uống và rèn luyện để chống lại hàn tà.

Cách ăn uống, dưỡng sinh

Hàn tà gây ra bệnh tật, thường làm cho người ta gân mạch tê cóng, khí trệ huyết ứ, có hiện tượng đau đồng thời dễ tổn thương dương khí con người. Điều trị bệnh do phong hàn gây ra thường dùng phương pháp sơ phong tán hàn, dùng các dược vật có tính tân ôn giải biểu như gừng tươi, đường đỏ, tô diệp, quất khô, rau mùi, hành củ... Hàn tà xâm nhập cơ thể có thể xuất hiện sốt cao, miệng khát, mồ hôi nhiều, lúc này nên dùng các thức ăn có tính năng thanh nhiệt, sinh tân.

Mùa đông khí hậu hàn lạnh, dương khí ẩn sâu, hàn tà rất dễ thương tổn đến thận dương, do đó ăn uống cần chú ý bổ dương. Có thể dùng các loại đồ ăn và loại thuốc như là thịt dê, cừu, đại táo, thục địa hoàng, sơn dược...

 
Củ gừng - Ảnh: Đào Ngọc Thạch / Củ hành  - Ảnh: Thái Nguyên

Mục đích của việc điều dưỡng cơ thể, phòng trị bệnh là làm cho cơ thể và tinh thần phù hợp với tính chất của tự nhiên, lập tức ứng biến với sự thay đổi của thời tiết. Cần tăng cường giữ ấm, tránh hàn (lạnh); không hoạt động quá nhiều, hao tán thể lực; sáng ngủ dậy nên xoa lòng bàn tay, chân, mỗi ngày nên mở cửa sổ 10-15 phút buổi trưa để không khí lưu thông.

Mùa đông ngày ngắn, đêm dài và lạnh lẽo, không nên thức khuya, dậy sớm. Buổi sáng sớm trời rét, sương mùa hàn tà rất thịnh, hạn chế ra ngoài trời lúc còn quá sớm dễ bị nhiễm cảm phong hàn. Hằng ngày buổi sáng nên luyện tập thể dục, không nhất thiết phải luyện tập ngoài trời, nhất là lúc còn quá sớm. Sáng sớm và buổi tối không nên tắm nước lạnh, nhất là với người cao tuổi và người có tiền sử về tim mạch dễ gây đột quỵ...

Hoài Vũ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.