“Đêm dữ” với bác sĩ cấp cứu - Kỳ 4: Ám ảnh những ca đâm chém

17/11/2011 01:23 GMT+7

Một y tá làm việc 20 năm ở khoa Cấp cứu BV Nhân dân Gia Định (TP.HCM) ngao ngán: “Chưa lúc nào hiện tượng gây hấn, “xử” nhau rồi kéo nhau vào BV nhiều như lúc này”.

Một y tá làm việc 20 năm ở khoa Cấp cứu BV Nhân dân Gia Định (TP.HCM) ngao ngán: “Chưa lúc nào hiện tượng gây hấn, “xử” nhau rồi kéo nhau vào BV nhiều như lúc này”.

>> Kỳ 3: Căng thẳng từng phút

Chuyện ẩu đả do mâu thuẫn hay lời vào tiếng ra trên bàn nhậu dẫn đến những hậu quả đáng tiếc là một thực tế không phải bây giờ mới xảy ra. Điều đáng nói là thực trạng này đang ngày càng diễn biến phức tạp. Hầu hết các y, bác sĩ (BS) mà chúng tôi tiếp xúc đều bày tỏ quan điểm lo ngại.

Đến mức báo động

BS Trương Thế Hiệp, Phó khoa Cấp cứu, BV Chợ Rẫy, phân tích: “Trong mối quan hệ xã hội, chuyện xảy ra mâu thuẫn giữa người và người là điều khó tránh khỏi. Thế nhưng vấn đề là nhiều người không tìm cách giải quyết để toại lòng đôi bên mà chỉ biết dùng nắm đấm, gậy gộc hay dao rựa để nói chuyện”.

 
Điều dưỡng khoa Cấp cứu, BV Nhân dân 115 đang tiêm thuốc cho BN - Ảnh: Thanh Thùy

Y tá Dương Đình Hà (khoa Cấp cứu, BV Nhân dân Gia Định) chia sẻ, cách đây khoảng 10 năm rất hiếm khi BV có những ca do bị đâm chém nhập viện, nhưng khi mâu thuẫn giữa người với người ngày càng phức tạp và chuyện đả thương nhau phổ biến thì tình hình lại tăng lên. “Tình trạng đả thương, đâm chém đã đến mức báo động bởi những hậu quả để lại về cả sức khỏe và tâm lý. Nó vô tình làm cho nhiều người coi là cách để giải quyết mâu thuẫn và nhiều đối tượng cho là bình thường trong xã hội”, một BS chia sẻ thêm.

Trong khi đó, Phó khoa Cấp cứu, BV Nhân dân Gia Định, BS Tô Vĩnh Ninh, đánh giá: “Những hậu quả chúng ta thấy ở BV chỉ là minh chứng một phần cho thực tế ngồn ngộn của những đêm không hề bình yên. Có nhiều trường hợp nạn nhân giấu nhẹm nguyên nhân hoặc những trường hợp chưa đến mức phải cấp cứu. Riêng về khía cạnh những người gây mâu thuẫn hoặc bị đe dọa, liệu họ có thể sống yên ổn mà không lo nghĩ. Bản thân tâm lý hoang mang, bất an như thế bởi các mối quan hệ xã hội đã tiềm ẩn nguy cơ gây đả thương mà nhiều người không nghĩ đến”.

BS Ninh cũng bày tỏ thêm: “Là BS, tôi vẫn nghĩ rằng phòng bệnh là điều rất cần thiết trước khi chữa bệnh. Nếu chúng ta nhìn thấy nguy cơ để hạn chế nó thì hậu quả để lại sẽ bớt đi phần lớn. Tình trạng cấp cứu do đả thương cũng vì thế mà không đến nỗi nhức nhối như hiện nay”.

Vừa cấp cứu vừa… tự vệ

Trong những đêm cấp cứu, người mang blouse trắng luôn phải đối mặt với rất nhiều nguy cơ. Tình trạng quá tải đưa đến tâm lý quá lo lắng của người nhà gây phiền hà cho BS hay thái độ giang hồ của nhiều đối tượng đã gây “ngộp thở” tại phòng cấp cứu. Không ít y, BS lo ngại trở thành nạn nhân của thói hành xử côn đồ.

BS Ngọc Quỳnh, BV Thủ Đức (TP.HCM) kể lại: “Cách đây hơn một tháng, BV tiếp nhận nhiều ca do bị đâm chém trong một đêm. Trong đó có một trường hợp thuộc một băng nhóm giang hồ, đi đánh nhau với nhóm khác bị thương. Sau đó, nhóm kia rượt đến BV. Hai bảo vệ BV đứng ở cửa không cho nhóm này vào vậy mà họ chém luôn bảo vệ, xông vào đánh cả điều dưỡng. Cứ mỗi đêm cấp cứu là một đêm hồi hộp, lo lắng. Nhiều lúc tâm trạng bất an các BS cũng không thể làm việc tốt”. 

BS P.T.C.G, khoa Cấp cứu BV Nhân dân 115, cũng bày tỏ: “Mỗi lần làm ca đêm lại càng lo lắng hơn. Có những đêm trực, 16 ca bị đâm chém được đưa vào. Người nhà đi theo thì đông mà cả bệnh nhân lẫn người nhà đều kích động trong khi lực lượng bảo vệ lại mỏng...”. 

Chỉ vào những vết bầm trên tay, chị H.N.T, điều dưỡng BV Chấn thương - Chỉnh hình, kể: “Trong một lần cấp cứu cho một ca say xỉn, anh ta đã tặng cho tôi mấy cú đạp vào tay. Đau cũng phải ráng chịu, dỗ dành anh ta để sơ cứu xong vết thương”.

Điều đáng mừng là số đông y, BS hiện nay luôn ý thức rằng, điều quan trọng nhất là cấp cứu cho người bệnh. Trong khi chưa có hành lang pháp lý bảo vệ BS một cách rõ ràng thì người trong cuộc phải bằng cách của mình tự ứng phó. “Ngày mới vào làm tại khoa cấp cứu, bản thân tôi luôn phải đối mặt bệnh nhân với nhiều loại bệnh khác nhau, với nhiều thái độ hằn học hay hành xử như giang hồ. Những lúc ấy, tôi luôn phải nhắc mình giữ vững tinh thần, coi tính mạng của bệnh nhân là trên hết”, BS Trần Hữu Lợi, BV Nhân dân Gia Định, chia sẻ.

Còn một BS trực lãnh đạo tại BV Nhân dân 115 đêm 11.10 mà PV tiếp xúc thì kiên quyết: “Phải xử nặng những kẻ hành hung BS mới mong có tính răn đe”.

Nghiên cứu về tình trạng đả thương

Trước sự gia tăng chóng mặt của các ca nhập viện do đả thương, BS Nguyễn Văn Sử (khoa Cấp cứu, BV Nhân dân Gia Định) đã thực hiện đề tài “Khảo sát tình hình đả thương tại khoa Cấp cứu, BV Nhân dân Gia Định” (trong 6 tháng đầu năm 2011). Đề tài sẽ được báo cáo vào tháng 12.2011 với nội dung: đề cập đến tình hình cấp cứu do đả thương tại BV Nhân dân Gia Định, ảnh hưởng của chất kích thích đến sự liên quan giữa các trường hợp cấp cứu do đả thương. Ngoài ra, BS Sử còn nhấn mạnh đến vấn đề giải quyết nhập viện ở khâu y tế cơ sở đối với những vết thương nhẹ do đâm chém.

Hà Minh - Thanh Thùy

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.