Thủy sản, dệt may xuất khẩu đều “lỡ hẹn”

21/10/2005 23:19 GMT+7

Sau khi ngành thủy sản buộc phải điều chỉnh giảm chỉ tiêu kim ngạch xuất khẩu từ 2,6 tỉ USD năm 2005 như đã thông báo xuống còn 2,5 tỉ USD do những khó khăn liên tiếp như thiên tai, hạn hán, xăng dầu tăng giá, các vụ kiện bán phá giá..., đến lượt ngành dệt may cũng chuẩn bị tinh thần cho sự "lỡ hẹn" của mình.

Thủy sản loay hoay

Cho đến giữa năm 2005, ngành thủy sản cả nước vẫn còn bi quan về khả năng đạt được chỉ tiêu xuất khẩu đề ra. Kết quả xuất khẩu trong 6 tháng đầu năm chỉ đạt 1,07 tỉ USD, tương đương 43% kế hoạch năm. Thế nhưng, vận đen vẫn kéo đến dồn dập. Thị trường Mỹ những năm gần đây luôn là thị trường nhập khẩu tôm lớn nhất của Việt Nam nhưng chỉ trong 5 tháng đầu năm, xuất khẩu tôm vào Mỹ giảm 16% về lượng và giảm 23,2% về trị giá so với cùng kỳ năm trước. Ông Trương Đình Hòe - Phó tổng thư ký Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết: "Nguyên nhân do quy định bắt buộc đóng quỹ liên tục (bond)  của các nhà nhập khẩu tôm Mỹ và hầu hết các doanh nghiệp (DN) Việt Nam đều tạm dừng xuất khẩu tôm vào Mỹ trong 6 tháng qua khiến giá tôm giảm mạnh. Chuyển hướng của các DN Việt Nam sang thị trường Nhật Bản và EU cũng đã gặp phải trở ngại khi hai thị trường này tăng cường cảnh báo các lô hàng nhiễm dư lượng thuốc kháng sinh và nhiễm khuẩn tạp chất". Chính vì vậy, kế hoạch xuất khẩu Nhà nước giao cho ngành thủy sản là 2,6 tỉ USD trong năm 2005 đã được điều chỉnh xuống còn 2,5 tỉ USD, dù âu lo vẫn chưa dứt. Sau một  loạt lô hàng xuất khẩu sang EU, Canada bị trả về do nhiễm kháng sinh, gần đây nhất, vào giữa tháng 8.2005, một số tiểu bang ở Mỹ cũng đã tiến hành thu giữ và tạm ngưng tiêu thụ cá ba sa Việt Nam do nghi ngờ nhiễm kháng sinh. Từ đó đến nay, thị trường này vẫn bị ách tắc. "Đây là thời điểm khó khăn nhất của các DN xuất khẩu cá ba sa, hầu như mọi hoạt động buôn bán qua Mỹ đều bị ngưng trệ" - VASEP cho biết. Theo Bộ Thủy sản, 9 tháng đầu năm nay, kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt gần 1,9 tỉ USD, tăng 14,5% so với cùng kỳ năm trước, đạt 76% kế hoạch năm. Dự báo trong tháng 10 năm nay, kim ngạch xuất khẩu thủy sản sẽ tiếp tục giảm do khó khăn tại thị trường Mỹ và các thị trường Nhật Bản, EU vẫn chưa hết.

Dệt may lúng túng


Ngành dệt may đang đối mặt với
rất nhiều khó khăn phía trước
(ảnh: Đ.N.T)

9 tháng đầu năm 2005, kim ngạch xuất khẩu của ngành dệt may Việt Nam đạt 3,5 tỉ USD, tăng 4,3% so với cùng kỳ năm trước. Theo Bộ Công nghiệp, nếu tiếp tục giữ được tốc độ tăng trưởng như tháng 9 (đạt 500 triệu USD) thì có khả năng ngành dệt may sẽ đạt được kim ngạch 5 tỉ USD cho cả năm. Tuy nhiên, mức kim ngạch đó vẫn thấp hơn so với kế hoạch đề ra ban đầu là 5,2 tỉ USD. Như vậy, năm nay ngành dệt may sẽ không còn được nhắc đến như một "anh cả" đứng đầu về việc vượt kế hoạch xuất khẩu. Ông Lê Quốc n - Chủ tịch Hội dệt may Việt Nam (Vitas) - cho rằng cả năm 2005, toàn ngành chỉ có thể đạt được 4,7 -4,8 tỉ USD kim ngạch xuất khẩu. Nguyên nhân chính ai cũng biết đó là do năm 2005 là năm đầu tiên Mỹ, châu u (EU) bỏ hạn ngạch (quota) dệt may cho các nước thành viên của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Sức cạnh tranh tăng lên khốc liệt, đặc biệt từ Trung Quốc, Ấn Độ, Bangladesh... Rõ ràng ngay từ đầu năm, ngành dệt may Việt Nam đã lép vế trên sân chơi toàn cầu này. Bởi vậy chuyện ngành dệt may không đạt kế hoạch xuất khẩu không quá bất ngờ với họ. Ông Diệp Thành Kiệt - Phó chủ tịch Hội dệt may thêu đan TP.HCM nói: "Theo tôi, quota không phải là nguyên nhân chính mà phụ thuộc nhiều vào quyết sách của Việt Nam. Hiện nay, Chính phủ ta chưa có quyết sách gì rõ ràng để đẩy mạnh sự phát triển của ngành dệt may. Ngay cả bản thân các DN cũng không biết làm gì để nâng cao năng lực cạnh tranh của mình". Hơn nữa, theo ông Kiệt, kim ngạch xuất khẩu cả năm 2005 không tăng nhiều so với năm 2004 (đạt gần 4,3 tỉ USD) cũng không phải là vấn đề đáng để quan tâm nhiều lắm. "Quan trọng nhất, theo tôi, là chúng ta có nên xem con số xuất khẩu là thước đo thật sự cho sự phát triển của ngành hay không? Đã đến lúc cần xem lại hiệu quả của hoạt động xuất khẩu hơn là con số đạt được. Hãy tính thử xem số ngoại tệ thật sự mà ngành dệt may Việt Nam mang về cho đất nước là bao nhiêu trong tổng số kim ngạch xuất khẩu đó" - ông Kiệt nhấn mạnh.

Quang Thuần - Mai Phương

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.