Gian nan đường về cát bụi

25/09/2006 23:30 GMT+7

Trong khi thị trường đất cho người sống đang đóng băng, cần nhiều biện pháp để kích cầu thì thị trường đất cho người chết lại "sốt" lên trông thấy... Không có quảng cáo ầm ĩ trên các báo, không một biển báo nào được treo, nhưng khách vẫn nườm nượp "săn" đất để mua. Và giá của mỗi lô đất bé tẹo đã được đẩy lên một cách chóng mặt.

Nhọc nhằn tìm mua đất

Mọi người thường nghĩ "chết là hết". Tuy nhiên, đối với người sống, cái chết của người thân mới chỉ là khúc dạo đầu cho một hành trình nhọc nhằn tìm mua đất để chôn. Trái ngược với vẻ bên ngoài yên ả, bình lặng, thị trường đất cho người chết nóng bỏng và náo nhiệt bởi tâm lý chung "sinh ra từ đất, chết về với đất". Còn giải pháp hỏa táng được chọn với tỷ lệ quá ít, vì "không muốn người thân bị thiêu trong lửa đỏ".

Trong vai đi tìm đất cho người thân, sau nhiều ngày vất vả tìm kiếm, chúng tôi được một người quen tiết lộ: "Đất ở Gò Dưa hết rồi, nhưng có thể tìm được đất ở khu kế cận, nhưng phải làm theo quy trình...". Khu này chỉ bán cho những người đồng hương quê Bắc, người ngoài muốn vào phải làm đơn xin, chờ duyệt. Theo đúng quy trình, chúng tôi viết đơn và cầu cứu người quen để xin cho được một chữ ký. Hăm hở với lá đơn chúng tôi tìm đến "khu kế cận". Tuy nhiên, người có "thẩm quyền cấp đất" phán: "Ở đây chỉ còn mấy miếng, giá bao nhiêu cũng không bán được vì còn phải để dành cho chúng tôi (người trong ban quản lý khu nghĩa trang - PV) nữa!".

 

Thất vọng, chúng tôi quay về chùa Hoằng Pháp (Hóc Môn). Đập vào mắt chúng tôi là nghĩa trang rộng lớn bên cạnh chùa. Bước vào cổng, chúng tôi gặp ngay một đám tang vừa hạ huyệt xong đang lục tục kéo nhau ra về. Hy vọng mới lại le lói, bởi có đám tang chôn ở đây tức là còn đất. Theo chỉ dẫn, chúng tôi tìm đến khu vực văn phòng chùa hỏi thăm và nhận được câu trả lời ngắn gọn: "Đất ở đây đã hết từ 2 năm trước". Sau một hồi năn nỉ, chúng tôi biết qua cửa này là... hết cách.

Giá đất khu "đô thị mới"... ở trên trời

Biết vậy, chúng tôi vẫn thử bước sang khu vực nghĩa trang cạnh chùa Cầu May. Đi sâu vào bên trong gặp một người đang ngồi trên một ngôi mộ ngay ngã ba, chúng tôi thử hỏi thì bất ngờ: "Vẫn còn đất". Sau một hồi tiếp chuyện, chúng tôi mới biết đây là một tay "cò". Tay "cò" dẫn chúng tôi đi vòng vèo qua những dãy mộ, ken đặc không có lối đi. Vạch một đám cây, dây leo ngang lối để chui qua, tay "cò" chỉ một miếng đất trống nằm khuất giữa mộ và mộ, rồi phán: "Đất hẻm 30 triệu, luôn kim tĩnh". Nhìn mảnh đất vài mét vuông, chúng tôi ngao ngán từ chối vì không biết đường nào để có thể khiêng quan tài vào chôn.

Chia tay với "nhà môi giới", chúng tôi tìm đường đi trở ra bằng một lối khác và được một tay "cò" thứ hai bắt chuyện: "Mua đất xây mộ hả? Mua đất ở khu đô thị mới đi, chứ mua đất đó coi chừng là đất chôn rồi, người ta hốt cốt xong bán lại. Chôn xui lắm". Thấy chúng tôi ngơ ngác, tay cò nói tiếp: "Gọi là đất ở khu đô thị mới vì nó được phân lô 1,6m x 2,4m, quy hoạch đẹp như Phú Mỹ Hưng vậy đó. Lại xây theo một kiểu giống nhau, không sợ người trước chôn lấn đất của người sau. Toàn đất mặt tiền không hà, không có hẻm". Khu "đô thị mới" mà tay cò này giới thiệu nằm ngay cạnh khu cũ nhưng tất cả đều đã được phân thành lô, giữa hai hàng mộ có lối đi khá rộng rãi. Mỗi lô đất có xây gạch bao quanh cao chừng 1 tấc, trên đó có khắc tên chủ sở hữu. Tay cò ra giá: "Lúc trước người ta mua chỉ có 4-5 triệu, nhưng gia đình đi nước ngoài nên sang lại. Giá họ đưa ra khoảng 50 triệu". Chúng tôi thắc mắc mức chênh lệch giá quá cao, anh này nói: "Đất giờ hết rồi nên mắc lắm". Trong khi đó, đất cho người sống ở khu vực này chỉ chừng 2 triệu đồng/m2 mà cũng không ai mua. Quả là sự khác biệt ghê gớm giữa đất cho người sống và đất cho người chết.

 

Rời Hóc Môn, chúng tôi tìm đến khu vực Bình Hưng Hòa với hy vọng khu này sắp giải tỏa chắc đất sẽ rẻ hơn. Tuy nhiên, khi đến một ngôi chùa gần đó, chúng tôi được một thầy cho biết, đất vẫn còn nhưng giá hơi cao, khoảng 30 triệu đồng/lô đất hẻm. Thầy tiếp luôn: "Vậy cũng là rẻ đó, tui nói sát giá luôn khỏi trả". "Thế còn đất mặt tiền?". "Khoảng 70 - 80 triệu đồng/lô. Năm ngoái chừng 60 triệu thôi, năm nay chừng ấy tiền thì không thể ra mặt tiền"...

Một đồng nghiệp của chúng tôi cho biết, năm ngoái khi người nhà mất cũng phải chi trên 30 triệu đồng để mua một mảnh đất chôn, năm nay chỗ đó đã lên 45 triệu đồng rồi. Với giá đất nhảy múa như vậy, chả trách không ít người nhanh nhảu nhảy vào kinh doanh đất "âm" để kiếm lời. Còn những người có nhu cầu thật sự phải khốn khổ để có được nơi mồ yên mả đẹp cho người thân.

Đặt chỗ trước rồi... hãy chết

Một cán bộ của Công ty môi trường đô thị ví von tình trạng đất khan hiếm bằng một bài toán, trung bình mỗi năm thành phố có khoảng 25.000 người chết, chỉ 1/5 số đó chọn giải pháp hỏa táng. Chỉ tính tối thiểu mỗi ngôi mộ cần 3m2 đất thì mỗi năm cùng cần khoảng 6 ha đất làm nơi chôn cất cho người chết.

Theo một con số thông kê gần đây nhất mà chúng tôi được biết, dự kiến đến năm 2020, số tử của TP.HCM là 40.000 người/năm, 80% số họ sẽ được chôn cất tại TP.HCM và các vùng lân cận. Tình hình đất cho người chết đang và sẽ khan hiếm hơn rất nhiều nên tình trạng đầu cơ kiếm lời là khó tránh và đó cũng là một trong những nguyên nhân đẩy giá đất leo thang.

Quay lại Hóc Môn với hy vọng tìm được miếng đất vừa túi tiền, chúng tôi đến một thiền viện nhỏ nằm trong một con hẻm ven quốc lộ 22. Nghĩa trang của thiền viện này này lọt thỏm trong khu dân cư đến từ tứ xứ. Nó nhỏ nhưng trông sạch sẽ. Tiếp chúng tôi là một "chủ đất" tuổi trung niên. Vừa nghe mục đích cuộc viếng thăm, chủ đất cắt ngang: "Đất ở đây gần hết rồi, chỉ còn vài miếng thôi, giá 15 triệu đồng/lô, không sợ quy hoạch giải tỏa gì hết". Chúng tôi mừng thầm, vậy là rẻ và suy tính nếu ai mua được, mai mốt bán lại cũng hời to. Nhưng bất thình lình ông chủ đất chất vấn lại chúng tôi: "Mua cho ai, đã mất chưa?". "Dạ, mua trước cho người nhà đang bệnh nặng". "Bệnh nặng cỡ nào không cần biết, nhưng ở đây không bán đất để dành, chỉ bán cho người đã chết mà thôi". Chúng tôi xuống nước: "Dạ bệnh ung thư cũng nặng lắm rồi, chắc không còn sống lâu được nữa, chú ráng giúp dùm". Sau một hồi suy tư, ông ta ra điều kiện: "Vậy thì đặt cọc trước, mà phải chết trong tháng mới được à nghen! Nếu không chết trong tháng, lên đây tui trả tiền lại". "Nếu mua rồi mà không chôn sang lại cho người khác được không chú?". Ông này quát: "Không sử dụng thì trả lại, đây là thánh địa cho người chết làm gì có chỗ cho người sống mà mua đi bán lại".

Nói thì nói vậy, nhưng ông vẫn dẫn chúng tôi đi xem đất. Miếng đất của chúng tôi "được mua" nằm tuốt góc trong cùng của nghĩa trang. Chúng tôi thỏ thẻ "xin" mua miếng ngoài gần đường đi thì ông nổi giận: "Ở đây không có đất mặt tiền hay hẻm hóc gì hết, phải chôn theo thứ tự từ trong ra ngoài, không thì thôi. Hằng tháng phải đóng thêm một khoản phí dịch vụ trông giữ mộ là 50 ngàn đồng". Thì ra vậy! Đất rẻ thì phải tốn thêm tiền dịch vụ dài dài không biết tới bao giờ mới chấm dứt. Biết không thể tìm được chỗ nào giá rẻ hơn, vậy là sau bao nhiêu ngày lặn lội, chúng tôi dành chấp nhận đặt cọc giữ đất ít ra là trong 1 tháng. Cầm tờ giấy biên nhận, chúng tôi biết có thể bị trở quẻ bất cứ lúc nào. Nhưng thôi kệ, một liều ba bảy cũng liều bởi trong tình hình "đất âm" khan hiếm thế này thì đây là giải pháp tối ưu nhất rồi...

Q.H

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.