Đừng để cứu trợ mang hơi hướng "độc quyền"!

13/11/2006 23:26 GMT+7

Cho đến hôm nay, Dự thảo quy chế vận động, tiếp nhận hàng cứu trợ của Bộ LĐ-TB và XH đã được "gút" lại chỉ còn hai tổ chức được phép thành lập ban vận động, tiếp nhận tiền hàng cứu trợ là UB TƯMTTQ VN và Hội Chữ thập đỏ VN (HCTĐ VN). Liệu rằng với quy định "bó hẹp" này của quy chế có mang lại tính khả thi?

Theo tôi, việc cứng nhắc "hành chính hóa" hoạt động cứu trợ như thế sẽ gặp rất nhiều trở ngại không đáng có cho cả hai phía: các cơ quan, tổ chức đoàn thể, cá nhân đóng góp cứu trợ và đối tượng được nhận cứu trợ. Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền, vận động quyên góp và tổ chức cứu trợ mà từ trước đến giờ các cơ quan báo đài làm rất tốt nay sẽ không còn "cơ động" nữa, do quy chế có thể nói là quá chồng chéo này. Chưa cần thực tế chứng minh nhưng chúng ta có thể nhận thấy sự hạn chế này do các nguyên nhân sau:

Thứ nhất, hành động cứu trợ  bao giờ cũng là hành động tự nguyện, cơ quan tổ chức đoàn thể cá nhân có khả năng chung tay cùng cộng đồng chia sẻ những thiệt hại sẽ gặp trở ngại trong vấn đề hành chính. Nghĩa là buộc họ phải liên hệ, phối hợp trước với UB TƯMTTQ VN hoặc HCTĐ VN các cấp rất phiền hà.

Thứ hai, thiếu tính "cơ động" trong quyên góp và cứu trợ. Khi thiên tai xảy ra với các địa phương, công tác cứu hộ đòi hỏi sự nhanh nhạy kịp thời. Nếu không làm được việc này hiệu quả khắc phục những mất mát về người và của cho bà con vùng thiên tai không cao. Tôi xin lấy ví dụ, 12 giờ ngày 1.10.2006, giữa cảnh đổ nát, màn trời chiếu đất khi cơn bão Xangsane vừa đi qua, các phóng viên, nhân viên Báo Thanh Niên, Báo Tuổi Trẻ… tại văn phòng Đà Nẵng trong bộn bề công việc tác nghiệp và gia đình nhưng họ vẫn có được những thông tin "nóng” nhất về thiệt hại do cơn bão gây ra trong và sau bão. Phương án cứu trợ khẩn cấp được triển khai.  Sau một đêm, sáng 2.10 những chuyến hàng cứu trợ đầu tiên của các báo  đã đến với người dân các địa phương cần trợ giúp như Đà Nẵng, Quảng Nam… và sau đó cùng với nhiều doanh nghiệp tiếp tục khẩn trương tiến hành nhiều đợt cứu trợ khác với số tiền hàng chục tỉ đồng và nhiều nhu yếu phẩm. Nếu không có sự chủ động kịp thời như vậy liệu chúng ta có làm được điều đó hay không (?).

Thứ ba, nếu quy chế chỉ cho hai cơ quan được phép vận động, tiếp nhận cứu trợ thiên tai sẽ làm cho người muốn đóng góp có cảm giác không thoải mái. Vì trước đây khi muốn chọn một tổ chức nào đó để đóng góp tất nhiên họ đã tin tưởng tuyệt đối và hy vọng những gì mình đóng góp sẽ đến nhanh, đến đủ với bà con bị thiên tai. Nay với quy chế "hẹp cửa" như thế người muốn cứu trợ sẽ không còn nhiệt tình như trước vì nghĩ rằng họ gần như bị "ép buộc".

Đó là một sự "độc quyền" không đáng có trong công tác vận động cứu trợ hiện nay.

Nguyễn Ngọc Cảnh
(24 Lương Văn Năm, TP Phan Thiết, Bình Thuận)

Bài tham gia trang này xin gửi về: Hoàng Hải Vân, Báo Thanh Niên, 248 Cống Quỳnh, Q.1, TP.HCM hoặc e-mail: hoanghaivan@thanhnien.com.vn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.