Dịch tiêu chảy cấp lan rộng

02/11/2007 22:09 GMT+7

Số bệnh nhân của dịch tiêu chảy cấp nguy hiểm vẫn tăng lên từng ngày. Có thể các bệnh viện sẽ quá tải. * Xử lý nghiêm cá nhân, cơ sở vi phạm VSATTP

Cấp thuốc dự phòng cho người dân trong vùng có dịch tại phường Định Công

Sáng qua, PV Thanh Niên có mặt tại phường Định Công (quận Hoàng Mai, Hà Nội) - một trong những điểm "đỏ" về dịch tiêu chảy cấp nguy hiểm của thành phố. Bác sĩ Nguyễn Thị Minh, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng quận cho biết những ngày này, phường vẫn tiếp tục xuất hiện thêm ca mắc mới phải nhập viện. Ngay trong sáng qua, nhận được tin báo thêm một trường hợp mới, lực lượng y tế dự phòng lập tức triển khai công tác chuyên môn: phun hóa chất diệt khuẩn, rắc vôi bột khu vực gia đình bệnh nhân và lân cận; lấy mẫu nguồn nước, mẫu thực phẩm xét nghiệm. Theo một cán bộ y tế dự phòng thì số vôi bột rắc tại phường Thịnh Liệt và Định Công lên đến khoảng 2-3 tấn/phường. Các nguồn nước ao hồ, nước thải thuộc khu vực ổ dịch đều được xử lý. Gia đình có bệnh nhân được cấp Chloramin B để tăng cường cho vệ sinh nguồn nước, vệ sinh trong sinh hoạt (pha với nước lau nhà, lau bàn ghế). 

Tối qua, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Quốc Triệu cùng lãnh đạo các vụ, cục và Sở Y tế Hà Nội đã kiểm tra công tác an toàn vệ sinh thực phẩm tại chợ Hôm - Đức Viên và việc tiếp nhận điều trị bệnh nhân tiêu chảy cấp tại một số bệnh viện.  Theo bác sĩ Nguyễn Hồng Hà, Phó viện trưởng Viện Truyền nhiễm và nhiệt đới quốc gia, số lượng bệnh nhân nhập viện đã ở mức cao: 40-50 ca/ngày. Hiện đã có 144 ca tiêu chảy đang điều trị, qua xét nghiệm ban đầu xác định 108 ca dương tính, trong đó có nhiều bệnh nhân nặng nhưng rất may chưa có trường hợp tử vong. Viện đã dành tới 2/3 số giường bệnh để điều trị bệnh nhân tiêu chảy cấp nhưng vẫn phải ghép chung giường. "Tình trạng quá tải bệnh nhân có thể sẽ kéo dài trong nhiều ngày tới vì quá trình điều trị cho 1 bệnh nhân ít nhất cũng mất 7 ngày" - bác sĩ Hà  lo ngại. 

Trước đó, tại cuộc họp Ban chỉ đạo, Thứ trưởng Bộ Y tế Trịnh Quân Huấn nhấn mạnh: "Tình hình dịch hiện nay đang rất khẩn cấp. Việc theo dõi dịch phải thực hiện trên toàn quốc chứ không chỉ riêng địa phương có ca bệnh. Đến ngày 2.11, đã có thêm tỉnh mới là Thái Bình xuất hiện bệnh nhân. Cần giám sát chặt chẽ những nơi có ổ dịch, đặc biệt các ổ dịch có ca bệnh được xác định dương tính. Ngay ngày mai (3.11), Trung tâm y tế dự phòng các tuyến phải có báo cáo đầy đủ tình hình giám sát dịch cũng như việc cấp thuốc uống dự phòng cho những người có tiếp xúc với người bệnh, vì giám sát người lành mang trùng cũng rất quan trọng. Tất cả các nguồn lây nhiễm chất thải, nguồn nước, đều phải được xử lý triệt đểá".  Đến hôm qua, dịch tiêu chảy cấp đã lan ra 8 tỉnh, thành gồm: Hà Nội, Hà Tây, Hải Phòng, Vĩnh Phúc, Hưng Yên, Bắc Ninh, Phú Thọ, Thái Bình. Hà Nội vẫn là địa phương có số bệnh nhân cao nhất: 130 ca. 

Xử lý nghiêm cá nhân, cơ sở vi phạm VSATTP

Hôm qua, Thủ tướng Chính phủ đã có Công điện 1638/CĐ-TTg gửi bộ trưởng các bộ, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương yêu cầu tập trung chỉ đạo quyết liệt các nhiệm vụ: vận động nhân dân chủ động, tự giác thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh tiêu chảy cấp, trước hết là giữ vệ sinh ăn uống, sinh hoạt. Không ăn thức ăn tươi sống, uống nước chưa đun sôi, đặc biệt là không ăn các loại mắm, thực phẩm sống (tiết canh, gỏi hải sản, rau sống...). Tăng cường kiểm tra việc bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm tại các chợ, hàng quán ăn uống, bếp ăn tập thể, dừng ngay việc mua bán, sử dụng mắm tôm hiện là nguồn lây truyền bệnh. Xử lý nghiêm khắc các cơ sở và cá nhân vi phạm về vệ sinh an toàn thực phẩm và vệ sinh môi trường...

Liên Châu

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.