Làm việc gấp đôi !

24/09/2005 23:25 GMT+7

Một anh bạn ở Mỹ từng về công tác trong nước tâm sự với tôi: “Nước mình muốn hội nhập và thi đua ngang ngửa với người, tôi nghĩ người mình phải phấn đấu làm việc cật lực như những người di dân đến đất Mỹ mới được. Người Việt mình ở nước ngoài sở dĩ thành đạt là nhờ họ đã phải làm việc gấp đôi, gấp ba người tại chỗ...”.

Nước Mỹ đúng là vùng đất của di dân, xã hội đó sở dĩ năng động là do luôn được tiếp sức của dòng người di dân mới. Muốn tồn tại và thành công, người di dân thường phải nỗ lực học tập, làm việc rất nhiều. Đó là quy luật và thực tế tôi nhìn thấy hằng ngày ở đây, nhất là đối với lớp thanh thiếu niên mới sang.

Tôi biết một thanh niên sang đây ở tuổi 20. Tuy em đã chuẩn bị khá kỹ lưỡng cho cuộc sống mới ở xứ người, nào học tiếng, tập trung học ngành tin học, xông xáo đi làm với công ty nước ngoài, nhưng em thú thật là không dễ dàng hội nhập vào lực lượng lao động ngày càng đòi hỏi tri thức cao ở nước Mỹ. Phần lớn các em không có được cái may mắn như các em du học tự túc (nhờ gia đình khá giả ở trong nước) chỉ tập trung lo ăn học, mà đều phải tự lực kiếm sống, vay tiền đi học. Ngoài ra còn phải lo phụ giúp gia đình tồn tại trong bước đầu lập nghiệp nơi xứ người. Phải nói là các em đã phải vất vả làm việc gấp đôi lớp trẻ Mỹ tại chỗ. Các cuộc điều tra về tình hình học vấn trong các cộng đồng di dân ở Mỹ đều xác nhận là trẻ em Việt chăm chỉ và xuất sắc, nhất là đối với các em mới sang. Các em đã không từ nan làm đủ mọi thứ nghề, từ bồi bàn, phụ bếp, bưng bê đến khuân vác, phụ thợ xây dựng... Không ít em phải bỏ cuộc nửa chừng, tạt ngang ra tìm việc làm hoặc chỉ học được đại học cộng đồng 2 năm. Một số học hành đến cấp cử nhân rồi cũng phải đi làm việc ngay, ít em học tiếp thạc sĩ. Họa hoằn mới có người học lên cấp tiến sĩ (theo thống kê năm 2000, thanh niên di dân gốc Việt đạt con số bình quân tỷ lệ 15% toàn nước Mỹ về trình độ đại học 4 năm, nhưng lại ở mức thấp 5% ở cấp cao học và tiến sĩ, so với mức bình quân 9% ở Mỹ). Các ngành như y khoa vừa khó và rất tốn kém, ít em theo học nổi. Tuy vậy, tôi cũng thấy nhiều em có chí, vừa đi làm vừa phấn đấu tự học tiếp để tiến xa hơn trong ngành nghề của mình.

Mới đây, tôi tham dự một buổi liên hoan, người có mặt đa phần là kỹ sư tin học đã có sự nghiệp vững chắc, xem như thuộc tầng lớp trung lưu của xã hội Mỹ. Hỏi chuyện mới biết phần lớn các em từng lớn lên và học phổ thông ở Việt Nam, nhưng học đại học và làm việc ở Mỹ trong vòng trên 10 năm trở lại đây. Thảy đều trải qua cuộc sống phấn đấu gay go và ở lứa tuổi trên dưới 30. Tôi  thấy họ khá trưởng thành, tự tin và không mặc cảm thua sút so với người bản xứ. Tôi ước mơ lớp thanh niên ta cùng lứa tuổi ở trong nước cũng được như vậy...

Phát triển và hội nhập cũng đồng nghĩa với phấn đấu vươn lên và cả cạnh tranh gay go với người. Muốn được xếp ngang hàng và vượt người, có lẽ không còn con đường nào khác là tuổi trẻ chúng ta phải làm việc bằng hai đồng nghiệp mình ở châu Á. Phải chăng đây lại là một thách thức mới đối với tuổi trẻ của nước ta?

Nguyễn Hữu Thái

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.