"Dòng nhớ" và phận người cô đơn

12/10/2009 22:44 GMT+7

Công ty giải trí Sài Gòn Phẳng kết hợp với Nhà hát Kịch TP.HCM vừa ra mắt vở kịch Dòng nhớ (tác giả và đạo diễn Hạnh Thúy, chuyển thể từ truyện ngắn cùng tên của Nguyễn Ngọc Tư).

“Đụng” tới tác phẩm của Nguyễn Ngọc Tư là một thử thách. Bởi mạch văn ấy cứ mênh mang cảm xúc, lại mộc mạc chất Nam Bộ, trong khi kịch thường đòi hỏi xung đột, kịch tính, có mảng miếng hấp dẫn. Nhưng nghệ sĩ không chịu thua. Cánh đồng bất tận đã làm được thì Dòng nhớ cũng làm được. Tất nhiên, không thể nào giữ nguyên chất văn chương ấy, mà phải chấp nhận biến tấu đi một chút cho ra kịch. Nhưng dẫu sao, Dòng nhớ vẫn còn cái đẹp của sông nước miền Tây Nam Bộ, có ngọt ngào, có cả nỗi buồn thăm thẳm...

Ai từng ở miền Tây Nam Bộ mới thấu hiểu tình yêu sông nước mà cô Thà (Hồng Thắm) ôm ấp. Những dòng sông đã trôi mênh mang suốt những đời người, vừa chở che, vừa làm nguồn sống, cũng vừa bạo liệt, tàn phá. Nhưng đời người đã gắn với đời sông, làm sao xa cho được. Cho nên Thà nhất quyết neo chiếc ghe bán hàng bông khắp cùng bến bãi, dù mẹ anh Chờ (nghệ sĩ Diệu Đức) không đồng ý cuộc tình duyên giữa Thà và Chờ (Minh Cường). Rồi Chờ vì chữ hiếu mà phải lên bờ chăm sóc mẹ già và cưới Mai (Mai Thảo), cô bạn cùng xóm. Thà cũng chấp nhận giao đứa con của mình cho gia đình chồng và sau những ngày lênh đênh, Thà về neo thuyền gần nhà của Chờ và Mai để được gần người mình yêu và cả núm ruột của mình. Gần 20 năm sau, Đợi – đứa con lớn lên, cảm nhận được sự lạnh lẽo của cha mẹ, và tưởng lầm bà Thà là kẻ thứ ba phá hoại gia đình mình nên xua đuổi bà đi. Khi sự việc vỡ lở, mỗi người ôm một nỗi đau và nỗi cô đơn triền miên. Họ hiểu ra rằng, sự ích kỷ cuối cùng sẽ không đem lại hạnh phúc. Và đôi khi hạnh phúc của mình phải có sự hy sinh của ai đó.

Hạnh Thúy là một trong hai đạo diễn được trao giải Đạo diễn xuất sắc trong Hội diễn Sân khấu kịch chuyên nghiệp toàn quốc vừa qua tại TP.HCM cùng với đạo diễn Đức Thịnh của Sân khấu Kịch Phú Nhuận – TP.HCM.

Trên dòng sông và dòng đời ấy, bao nhiêu phận người cam chịu, vừa cao thượng, vừa cay nghiệt. Đôi khi họ vùng vẫy như dòng sông những mùa bão lũ, nhưng rồi đâu lại vào đấy, lại chảy quanh, nhẫn nhịn. Cái cảm giác cô đơn trong truyện rõ nét hơn trong vở diễn. Tuy nhiên, Hạnh Thúy đã khéo léo xử lý cảm giác ấy bằng những ngọn đèn leo lét. Khi thì nó chập chờn trong tay cô Mai, khi thì nó khắc khoải trước mắt ông Chờ đêm đêm ngồi hướng mặt ra bến sông, nhìn một ngọn đèn khác lắt lay trong gió. Cuối cùng là bốn ngọn đèn trong tay bốn con người sống trong lạnh lẽo, u buồn.

Hồng Thắm vốn là dân cải lương, nay hóa thân vào bi kịch như thế không khó khăn gì. Chánh Thuận và NSƯT Kim Xuân vào vai Chờ và Mai khi già, thay cho Minh Cường, Mai Thảo cũng đã tạo nên sự vững chãi của thế hệ đàn anh đàn chị. Rồi Trung Dân, Quỳnh Hương điểm xuyết những lớp hài vừa phải, có tiết chế làm khán giả thấy vui nhưng vẫn không phá đi cảm xúc của toàn vở diễn. Ánh sáng và thiết kế của vở khá đẹp, làm nên một gam màu mộc mạc, hơi buồn nhưng không quê kệch. Dựng theo lối tả thực dễ mà khó, chỉ cần lấn qua một chút sẽ thành chủ nghĩa tự nhiên. Song Hạnh Thúy đã khéo léo lách được điểm yếu đó, đem cả ghe xuồng lên sàn diễn mà vẫn làm người xem dễ chịu.

Hoàng Kim

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.