Hi sinh cho sự sống trở về - Kỳ 4: Chỉ cần một tia sáng

15/11/2009 12:52 GMT+7

Quang Vinh ngồi đó, tươi tắn tiếp chúng tôi trong căn hộ đầy nắng sớm mai ở một chung cư tại quận Phú Nhuận (TP.HCM). Cu Bo hiếu động, thông minh cứ luôn miệng hỏi ba những thắc mắc của trẻ con. Anh Vinh đã từng bị ung thư máu ác tính.

Dòng máu đang rần rật chạy trong cơ thể anh là của người em sinh đôi Võ Quang Hiển hiến tặng. Hai năm trước, mới 35 tuổi, tất cả những gì anh đang có tưởng chừng đã vĩnh viễn mất đi: sức khỏe, một gia đình hạnh phúc với vợ hiền và một con trai bụ bẫm, một công việc tốt với thu nhập cao.

Cái chết được báo trước

Anh Vinh nhớ lại: “Một lần cơ quan tổ chức đi khám sức khỏe định kỳ đã đảo lộn cuộc sống bình yên của tôi. Bác sĩ sợ tôi sốc nên chỉ nói tôi bị bạch cầu mãn, nôm na là tủy làm việc quá sức nên ra nhiều bạch cầu. Nghe nói vậy thì mình đâu lo lắng gì. Tung tăng về gõ trên mạng tìm ý nghĩa của cái chữ CML viết tắt trong tờ kết quả. Sự ung dung, bình tĩnh của tôi vụt tắt khi nhìn thấy dòng chữ: ung thư máu mãn tính dòng bạch cầu (CML)! Rồi mắt tôi tối sầm, tôi thấy đất dưới chân mình là vực thẳm khi những dòng chữ vô cảm lạnh lùng trước mắt: Căn bệnh này thời xưa vô phương cứu chữa. Ngày nay người bị bệnh này nếu uống thuốc có thể sống tối đa từ 5 - 10 năm!"

"Đứng trước cái chết đến bất ngờ như vậy làm sao giữ nổi sự bình tĩnh. Tôi hoang mang tột cùng không diễn tả nổi. Tôi thấy tiếc. Mình còn trẻ, đang khỏe phây phây, có vợ hiền con ngoan, có công việc tốt, tự nhiên biết mình chỉ còn sống có chừng ấy thời gian. Giống như mang án tử hình, không biết mình chết lúc nào! Cu Bo, con trai đầu lòng của chúng tôi, chỉ mới 2 tuổi rưỡi. Vợ tôi còn quá trẻ. Tôi suy sụp. Tôi giấu không cho cô ấy biết, âm thầm một mình đến bệnh viện để kiểm tra lại vì vẫn chưa tin”, anh Vinh kể.

Hiện nay nhu cầu ghép mô tạng, bộ phận cơ thể người ở VN khá lớn. Cả nước mỗi năm có 5.000-6.000 người bị suy thận mãn cần được ghép, có khoảng 1.500 người/năm không có khả năng cứu sống vì không có bộ phận cơ thể thay thế! Phó khoa thận - tiết niệu Bệnh viện Chợ Rẫy Thái Minh Sâm cho biết: “Nguồn ghép là vấn đề đau đầu nhất. Ở nước ta, nguồn ghép đang thiếu trầm trọng trong khi người cần ghép để cứu sống ngày càng nhiều”.

Nhưng rồi vợ anh cũng biết khi nói chuyện với người em làm ở Bệnh viện Ung bướu. Chính chị cũng giấu không cho chồng biết anh mắc căn bệnh khủng khiếp đó. Trước mặt chồng, chị bình tĩnh che đi những lo lắng cháy gan cháy ruột của mình, chỉ khi nói chuyện với họ hàng chị mới khóc ròng.

Kết quả đã khẳng định chắc chắn. Vinh không thể chối bỏ sự thật khủng khiếp ấy nữa.

Quyết định

“Ba mẹ, anh em họ hàng không cho tôi ghép tủy vì sợ sẽ “đi” luôn. Bản thân tôi cũng dao động khi thấy thái độ quá cương quyết của người thân”, Quang Vinh kể. Chính Quang Hiển, người em trai sinh đôi của anh Vinh, là người đầu tiên dám làm điều ngược lại: khuyên anh mình nên ghép. Rồi đến vợ của anh Hiển và đến vợ của anh Vinh cũng ủng hộ. Bốn người họ giấu gia đình đến bệnh viện khi trong đầu anh Vinh chưa ngả về phương án nào: nếu ghép thành công thì sẽ sống lâu như người bình thường, nếu ghép không thành công sẽ chết ngay! Ranh giới quá mong manh!

 

Sau khi hiến tặng tủy cho anh trai, anh Võ Quang Hiển vẫn sống khỏe mạnh. Trong ảnh: Anh Hiển đang sửa điện thoại - Ảnh: Mai Vinh

Anh Vinh nói: “Chính Quang Hiển, người em giống tôi như hai giọt nước, đã cho tôi thêm sự quyết đoán, mạnh mẽ và quyết định cho sinh mạng của mình. Cậu ấy nói với tôi: “Nếu trong bóng tối của chết chóc, chỉ cần có một ánh sáng le lói về sự sống đến với em, em sẽ nắm chặt lấy. Đã có một con đường sống duy nhất, rõ ràng nhất là ghép tủy thì tại sao anh lại không cho mình cơ hội được sống lâu dài, khỏe mạnh như người khác? Căn bệnh này nếu không ghép kịp, anh chỉ sống một thời gian rất ngắn. Còn nếu thành công, anh sẽ có cả một tương lai phía trước”. Thế là tôi quyết định ghép!”.

Khi biết anh Vinh cần có tủy trùng mới ghép được, anh em trong nhà và cả những anh em họ hàng, vốn chơi với nhau rất thân thiết đã giành nhau được làm xét nghiệm. Nhưng các bác sĩ khuyên nên làm xét nghiệm HLA ở người em sinh đôi trước vì khả năng trùng cao hơn. Quang Hiển đi xét nghiệm không một chút đắn đo. Kết quả xét nghiệm HLA trùng 100%. Anh rốt ráo sắp xếp công việc, đi đi về về như cơm bữa giữa nhà (Hóc Môn) và các bệnh viện.

“Để được cho tủy cũng không đơn giản. Thật sự nhiều lúc mình bị stress chỉ vì cứ bị điều này điều nọ chi phối, trong khi thời gian để cứu anh mình đếm từng ngày. Chỉ đến ngày chính thức vô Bệnh viện Truyền máu và huyết học để cấy tế bào gốc, tôi mới an tâm anh mình sẽ được cứu”, Quang Hiển kể lại những tháng ngày gian nan để được cho tủy.

Sự sống

Quang Hiển kể: “Trong hai ngày liên tiếp lấy tủy, tôi rất thoải mái, tự tin. Đau đớn, mệt mỏi đến mấy cũng không là gì nếu ta nghĩ đến sự sống của anh mình. Tôi vào phòng để lấy tủy từ lúc 7g sáng, đến hơn 12g trưa mới xong, ngồi đếm từng phút. Trong suốt thời gian đó tôi chỉ sợ  một điều: không cứu được anh mình. Khi biết chuyện, gia đình bên vợ tôi khuyên không nên cho tủy vì sợ tổn thọ. Nhưng tôi nghĩ đơn giản đó là việc rất nên làm. Nếu thật sự cứu được anh mình, tôi bị tổn thọ mấy năm thì cũng sẵn lòng làm điều đó. Chúng tôi không chỉ là anh em, giống nhau từ ngoại hình, mà còn là hai người bạn học rất thân thiết. Tuần nào, ngày nghỉ anh em chúng tôi cũng chạy về Hóc Môn họp mặt, cùng ăn uống, cùng trò chuyện vui vẻ. Nếu bây giờ mất đi một người, làm gì còn những cảnh sum họp đầm ấm, hạnh phúc như thế nữa”.

Anh Vinh nhớ lại: “Tôi cảm nhận rõ luồng máu của em chạy trong cơ thể mình từ những giây đầu tiên. Cảm giác đó thiêng liêng lắm. Máu trong cơ thể mình, sự sống của mình, tương lai của mình do em trai mình hiến tặng. Suốt thời gian ghép tôi lạc quan lắm, không hề nghĩ đến cái chết dù tôi biết có nhiều người trước mình bị hôn mê hoặc chết khi đang ghép. Tôi nghĩ đến cái nắm tay rất chặt của em trai khi chuẩn bị vào phòng cách ly. Sự ấm áp và mạnh mẽ kỳ lạ đã tiếp thêm cho tôi niềm tin, hướng đến những điều tốt đẹp nhất”. Ca ghép tủy của anh kéo dài đến 5g chiều thì thành công.

Bây giờ nhìn em trai mình, anh Vinh cười bảo: “Nếu ngày ấy Hiển không mạnh mẽ và quyết đoán, dám đưa ra lời khuyên ghép tủy thì vợ cậu ấy và cả vợ tôi cũng không dám. Và chính tôi cũng sẽ không có được những gì như ngày hôm nay. Tôi biết hiến tủy là một sự hi sinh rất lớn, không phải ai cũng đủ can đảm cho tủy bởi những quan niệm này nọ. Là đàn ông nên khó thổ lộ tình cảm như phụ nữ, tôi chưa bao giờ nói cảm ơn em trai mình dù rất muốn. Dù không nói ra nhưng tôi tin em trai mình hiểu được những gì tôi nghĩ”.

Theo My Lăng / Tuổi Trẻ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.