Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XI: Xây dựng lại hình ảnh người cán bộ tư pháp

02/11/2006 23:53 GMT+7

Hôm qua, lần đầu tiên Quốc hội nghe báo cáo một cách toàn diện về công tác tư pháp qua trình bày của: Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Văn Hiện, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Hà Mạnh Trí, Bộ trưởng Tư pháp Uông Chu Lưu (công tác thi hành án), Bộ trưởng Công an Lê Hồng Anh (báo cáo công tác phòng ngừa, chống vi phạm pháp luật và tội phạm) và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật của Quốc hội.

Theo Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, các báo cáo đã phản ánh được một cách khái quát về tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật trong phạm vi cả nước đồng thời cũng nêu được khá toàn diện các mặt hoạt động của từng cơ quan bảo vệ pháp luật, trong đó có những việc đã làm được, chưa làm được, những khuyết điểm, thiếu sót và những khó khăn chủ yếu của mỗi cơ quan trong quá trình thực hiện nhiệm vụ; cũng như đã nêu được nguyên nhân và giải pháp khắc phục. Công tác khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án đã có những tiến bộ so với năm trước, đã phát hiện, xử lý và giải quyết một khối lượng lớn các loại vụ án; bộ máy làm việc và đội ngũ cán bộ tư pháp từng bước được kiện toàn và về cơ bản đã hoàn thành nhiệm vụ được giao.

ĐB Huỳnh Thị Mến (Đồng Tháp) sau khi chỉ ra những hạn chế trong việc chấp hành pháp luật và vi phạm pháp luật của đội ngũ cán bộ, công chức ngành tư pháp, kết luận: "Phải xây dựng lại hình ảnh cán bộ tư pháp thật đẹp trong mắt người dân, phải làm sao để công an chính là một thương hiệu bảo đảm an ninh và trật tự xã hội". Cựu Bộ trưởng Tư pháp Nguyễn Đình Lộc (TP.HCM) tiếp tục: "Nói đến tư pháp là nói đến công lý của một xã hội, thế mà hằng ngày người dân cứ phải nghe nói đến chạy án thì bộ mặt ấy phải hiểu thế nào, liệu có làm người ta tin tưởng hay không?". Ông Nguyễn Đình Lộc nói: "Muốn có hình ảnh đẹp thì trước hết cán bộ tư pháp phải được đào tạo chuyên môn, bồi dưỡng phẩm chất đến nơi đến chốn; thứ hai là xã hội phải tôn vinh họ, phải tạo điều kiện làm việc tốt cho họ. Nhưng trong thực tế thì cán bộ chưa được đào tạo đến nơi, đến chốn, xã hội cũng không tôn vinh họ thành ra người cán bộ tư pháp cũng tự xem nhẹ công việc, coi đó là việc hành chính làm cho xong và vô tình họ cũng tự bôi nhọ hình ảnh của mình". "Không có ngành nào được quyền nói nhân danh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam như ngành này nên phải làm thế nào cho xứng với vinh dự đó", ông Lộc kết luận.

Đại biểu Nguyễn Dy Niên cũng đồng quan điểm với ông Lộc: "Ở các nước, chánh tòa, thẩm phán là những chức danh thiêng liêng lắm vì nó là hình ảnh của cán cân công lý tuy nhiên ở ta thì chưa có được thái độ đó nhưng dứt khoát phải xây dựng thái độ xã hội như vậy".

Trong khi đó, Phó chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Nguyễn Ngọc Trân bày tỏ sự không hài lòng khi báo cáo của các cơ quan tư pháp không đề cập đến việc phải chuẩn bị cho hội nhập như thế nào? Ông đặt câu hỏi: "Ngày 7.11 tới là Việt Nam được kết nạp vào WTO rồi nhưng không thấy các cơ quan tư pháp chuẩn bị gì hay ít nhất là không thấy các báo cáo đề cập đến chuyên này. Trong báo cáo của ngành tòa án có nói phải nâng cao trình độ tin học, ngoại ngữ cho đội ngũ nhưng rồi trình độ cũng lại chứng chỉ A, B, C, vài câu tiếng Anh bập bõm có đủ đọc luật của người ta để mà xét xử hay không?". Ông nói: "Trong báo cáo lần sau, tôi đề nghị các cơ quan tư pháp phải nhớ báo cáo xem các thẩm phán, luật sư được chuẩn bị như thế nào để làm việc khi Việt Nam gia nhập WTO, đã hội nhập đầy đủ với thế giới".

Cũng với tư duy hội nhập, ĐB Hoàng Thiện Cát (Hưng Yên) đề nghị cần từng bước bỏ án tử hình. "Trước mắt nên bỏ hình thức bắn trực tiếp khi thi hành án tử hình mà thay bằng hình thức khác", ông Cát nói.

Tuyết Nhung

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.