"Định mức" xét nghiệm ma túy học đường gây phản cảm

17/11/2009 22:02 GMT+7

Yêu cầu mỗi trường (THPT và TCCN) chọn ra 50 học sinh (HS) có biểu hiện chưa ngoan để tiến hành xét nghiệm ma túy của Sở GD-ĐT Hà Nội đang khiến các nhà trường băn khoăn.

Khẳng định đây là một kế hoạch cần thiết để góp phần phát hiện sớm ma túy trong trường học nhằm có biện pháp ngăn chặn kịp thời, tuy nhiên các trường cho rằng nếu yêu cầu chọn 50 HS để xét nghiệm ma túy không chỉ đơn thuần là chọn ngẫu nhiên mà phải “tập trung vào những HS có biểu hiện chưa ngoan” là không phù hợp với tình hình thực tế.

Ông Đặng Đình Đại, Hiệu trưởng trường THPT Nguyễn Gia Thiều (Q.Long Biên) cho rằng: không nên quy định một con số “cứng” là mỗi trường chọn ra 50 học sinh chưa ngoan để tiến hành lấy mẫu nước tiểu xét nghiệm ma túy. Với hàng trăm trường học trên địa bàn, điều kiện và đặc thù của mỗi trường khác nhau nên số 50 HS chưa ngoan có thể thiếu với trường này nhưng lại là quá nhiều với trường kia.

Theo ông Đại, ở trường THPT Nguyễn Gia Thiều, HS nữ chiếm tỷ lệ lớn hơn (trên 60%), lại là trường có điểm đầu vào cao nên HS không những học lực khá mà hạnh kiểm cũng chủ yếu là tốt. Thế nên việc chọn ra tới 50 HS “chưa ngoan” là rất khó.

“Trường tôi sẽ không chọn ra tới 50 HS để xét nghiệm ma túy như văn bản yêu cầu bởi không thể bỗng dưng mà bắt một HS ngoan ngoãn, bình thường đi xét nghiệm xem em đó có nghiện ma túy hay không được”, ông Đại nói.

Cùng chung suy nghĩ này, ông Nguyễn Thanh Sơn, Hiệu trưởng trường THPT Trần Nhân Tông (Q.Hai Bà Trưng) cũng cho rằng: nên để các trường chủ động về việc chọn bao nhiêu HS đi xét nghiệm ma túy. Nếu quy định là trường nào cũng phải lấy mẫu xét nghiệm của 50 HS thì sẽ không tránh khỏi khiên cưỡng.

Ngay như trường THPT dân lập Đinh Tiên Hoàng (Q.Ba Đình), một trường được coi là nơi sẵn sàng tiếp nhận mọi đối tượng HS, trong đó có khá nhiều HS cá biệt, thì theo ông Nguyễn Tùng Lâm, Hiệu trưởng, cũng không cần phải xét nghiệm tới 50 HS.

Là một trong số ít trường THPT của thành phố Hà Nội có HS “dính” đến ma túy, ông Tùng Lâm cho biết, cũng không đợi đến khi có văn bản yêu cầu của Sở GD-ĐT thì các trường mới tiến hành xét nghiệm ma túy cho HS. Phòng y tế của trường lúc nào cũng chuẩn bị sẵn que thử nước tiểu để xác định chất gây nghiện trong cơ thể HS.

Ông Tùng Lâm chia sẻ kinh nghiệm, có hai cách làm mà nhà trường vẫn thường áp dụng trong những hoàn cảnh cụ thể. Nếu giáo viên chủ nhiệm thông báo HS nào đó có những dấu hiệu nghi ngờ nghiện ma túy như bỏ học, ngủ gật trong lớp, mệt mỏi và học không tập trung... thì sẽ báo với ban lãnh đạo nhà trường và sẽ yêu cầu HS này tiến hành xét nghiệm ngay lập tức (tất nhiên việc này được tiến hành kín đáo).

Còn cách làm thứ hai là tiến hành xét nghiệm định kỳ và thông báo chọn ngẫu nhiên chứ không “nhằm” vào đối tượng HS cụ thể nào để tránh những phản ứng tiêu cực từ các em.

Bà Hoàng Hương Duyên, Chủ tịch công đoàn trường THPT Trương Định (Q.Hoàng Mai) cho hay: do địa bàn trường đóng là một điểm nóng về tệ nạn ma túy nên công tác phòng chống ma túy trong trường là nhiệm vụ không thể chờ chỉ đạo của cấp trên mới thực hiện. Mỗi năm 2 lần nhà trường đều chủ động tiến hành xét nghiệm ma túy cho những HS nghi ngờ nghiện. Việc làm này thì chỉ HS đó và những cán bộ, giáo viên có liên quan trong trường biết chứ không hề được công bố rộng rãi.

“Ngay cả kết quả dương tính thì cũng phải tiến hành xét nghiệm lại chứ không thể khẳng định ngay rằng HS đó là một “con nghiện” bởi không thể loại trừ khả năng đó là một kết quả nhầm lẫn” - ông Nguyễn Thanh Sơn nói.

Đại diện các trường đều khẳng định: không chỉ thận trọng trong việc chọn HS nào để tiến hành xét nghiệm mà cách làm thế nào, cách ứng xử ra sao với kết quả xét nghiệm ấy cũng đòi hỏi sự tế nhị và thái độ bình tĩnh của người lớn, tránh gây tổn thương cho học trò.

Tuệ Nguyễn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.