Thư viện đại học đang tồn tại thế nào?

01/11/2005 23:37 GMT+7

Bài 2: Thư viện thời công nghệ thông tin Các thư viện đại học đang dần tiến tới mô hình thư viện hiện đại, chuẩn hóa việc cung cấp kho tàng kiến thức cho giáo viên, sinh viên, nghiên cứu sinh của trường. Từ nay đến 2010, Bộ Văn hóa - Thông tin sẽ triển khai 10 quy hoạch lớn về văn hóa, trong đó có ngành thư viện.

Theo đó, các trường ĐH - CĐ cũng nên xây dựng cho mình một thư viện "chuẩn". Chuẩn ở đây bao gồm các tiêu chí về phòng ốc, máy móc trang thiết bị (máy tính, máy in, scan, photocopy, đầu video...), sách (tùy vào đặc trưng từng trường). Nhưng theo thạc sĩ Nguyễn Minh Hiệp, Chủ tịch Liên hiệp thư viện các trường ĐH khu vực phía Nam, bên cạnh việc đầu tư vào cơ sở vật chất thì chuẩn hóa nghiệp vụ cho cán bộ và ứng dụng công nghệ mới vào việc tiếp cận, quản lý thông tin mới là quan trọng.

Tiến sĩ Patricia Olyer, chuyên gia thông tin thư viện Hoa Kỳ trong một cuộc Hội thảo về các dự án thư viện và trung tâm học liệu tại Huế đã nhận định: "Các trung tâm học liệu, thư viện, trung tâm thông tin được đầu tư xây dựng lớn với hạ tầng hiện đại mà không có các chuyên gia được đào tạo tốt để quản lý và hỗ trợ giáo viên, sinh viên sử dụng chúng thì cũng chỉ là những tòa nhà". Thạc sĩ Nguyễn Minh Hiệp cũng nói thêm về hiện trạng thư viện VN: "Khi thư viện không được đầu tư thì thiếu thốn tất cả mọi thứ. Nhưng khi được đầu tư lớn, các thư viện xây dựng khang trang đẹp đẽ và có đủ thứ thì lại xuất hiện tình trạng các nhân viên thư viện không thể nào bắt kịp tốc độ xây dựng và mua sắm trang thiết bị thư viện". Vì thế, cần lưu ý đến vấn đề đào tạo các chuyên gia thông tin ở Việt Nam nhằm tăng tốc việc sử dụng công nghệ mới và nâng cao trình độ quản lý thông tin.  

Siêu thị sách hỗ trợ sinh viên

ĐH Công nghiệp TP.HCM là trường đầu tiên thực hiện mô hình mới này nhằm phục vụ học sinh, sinh viên trong học tập và sinh hoạt hằng ngày với giá ưu đãi và đảm bảo chất lượng. Siêu thị có đầy đủ giáo trình, sách tham khảo, văn phòng phẩm, dụng cụ thực hành thí nghiệm, quà lưu niệm, card điện thoại, điện thoại công cộng... Theo kế hoạch trong năm 2005, thư viện của trường sẽ được xây lên 4 tầng, trở thành Trung tâm thông tin thư viện đạt tiêu chuẩn quốc tế.

Trường ĐH Bách khoa Hà Nội đang xây dựng tòa nhà 10 tầng dành riêng cho thư viện, có thể đây sẽ là thư viện lớn nhất khu vực Đông Nam Á. Nhiều trường ĐH khác cũng đã và đang có những hướng phát triển thư viện rất "hoành tráng". Vì thế, lại có một câu hỏi đặt ra: Làm thế nào để tận dụng hết được những nguồn tri thức mà thư viện mang lại để tránh lãng phí? Trước hết, đội ngũ nhân viên cần được đào tạo để phục vụ tốt, bắt kịp với sự phát triển của cơ sở vật chất. Cả cán bộ lẫn sinh viên cần phải giỏi tiếng Anh để tận dụng nguồn sách ngoại văn.

Xu hướng tới đây là các thư viện điện tử sẽ ra đời song song với thư viện sách, phù hợp với tốc độ tiếp cận kiến thức trong thời đại công nghệ thông tin. Trên thế giới, hầu hết các trường ĐH ở các nước phát triển coi thư viện là bộ mặt tri thức của một ngôi trường. Nhiều trường ĐH của Mỹ đã vận hành các thư viện điện tử, hoạt động 24/24 và thủ thư là các chuyên gia mạng quản lý hoàn toàn trên máy tính. Yahoo cũng đang xây dựng thư viện điện tử bằng cách số hóa khoảng 18.000 đầu sách văn học Mỹ và châu u. Hiện nay ở Việt Nam, nhiều trường ĐH có thư viện điện tử, website riêng. ĐH Quốc gia TP.HCM đã có thư viện điện tử với 12 cơ sở dữ liệu trực tuyến mua quyền sử dụng từ nước ngoài.

Một vấn đề khác, theo như bạn Huỳnh Hữu Phú, sinh viên Trường ĐH Kinh tế bày tỏ ý kiến: "Theo em, thư viện ra đời là để phục vụ người đọc, người cần thông tin. Nên chăng các trường có thêm một phòng tham khảo dành cho sinh viên trường khác chứ nếu chỉ phục vụ cho riêng sinh viên trường đó thì hơi phí, vì có những cuốn sách có thể các bạn không đọc đến nhưng sinh viên trường khác lại rất cần".

Quả vậy, các trường hầu như chưa có hướng mở rộng đối tượng độc giả. Nhiều thư viện xây to đẹp nhưng lượng sinh viên lên thư viện học tập và nghiên cứu còn ít, lượng người sử dụng thư viện còn chưa tương xứng với những gì thư viện đã mang lại. Trong khi đó, số sinh viên trường khác muốn được vào tìm mượn sách khá nhiều nhưng đành "đứng bên ngoài mà trông". Thêm nữa, cần tránh một điều là trường này thấy thư viện trường khác to đẹp cũng phấn đấu xây dựng một thư viện to đẹp bằng hoặc hơn thế. Nên dựa vào nhu cầu thực tế của việc giảng dạy và học tập của cán bộ, sinh viên trường mình để đáp ứng hợp lý.

Mỹ Quyên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.