Nguồn lực kép

23/11/2009 00:54 GMT+7

Một thành tựu quan trọng trong công tác kiều bào là kiều hối. Đây là một nguồn lực kép, được xét theo các mặt có quan hệ với nhau: giữa nguồn lực và tình cảm của kiều bào; giữa kiều bào và chính sách của Đảng và Nhà nước.

Về nguồn lực, số Việt kiều hiện có gần 3 triệu người; số lao động VN làm việc ở nước ngoài có khoảng 400 ngàn người. Những nước có nhiều Việt kiều và người lao động VN thường là những nước có nền kinh tế phát triển, có thu nhập cao. Bên cạnh nguồn lực về trí tuệ do được tiếp xúc, đào tạo về khoa học, kỹ thuật - công nghệ, về quản lý, là nguồn lực về thu nhập, vốn liếng.

Năm 1999, lượng kiều hối gửi về nước đạt 1,2 tỉ USD, bằng 4,2% GDP và liên tục tăng lên trong các năm sau. Năm 2009, tuy gặp khó khăn về công ăn việc làm do tác động của cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế thế giới, nhưng lượng kiều hối qua 8 tháng đã đạt 4,2 tỉ USD, khả năng cả năm sẽ đạt khoảng 6,8 tỉ USD, bằng khoảng 7,3% GDP, không giảm quá sâu như dự báo đầu năm.

Nếu tính bình quân đầu người, thì lượng tiền năm 2008 đã gửi về nước của 3 triệu kiều bào đạt khoảng 1.850 USD; của 400 nghìn lao động làm việc ở nước ngoài đạt khoảng 4.300 USD. Đó là một lượng tiền không nhỏ so với mức GDP bình quân đầu người ở trong nước (1.034 USD) và thu nhập bình quân một lao động thuộc khu vực nhà nước (khoảng gần 1.900 USD).

Tuy nhiên, hiện có ba vấn đề đặt ra. Một, mức đầu tư của Việt kiều về nước còn hạn chế, còn manh mún. Hai, có một nguồn lực còn quý hơn tiền, đó là nguồn lực về trí tuệ; trí thức Việt kiều về nước làm việc còn ít so với tổng số Việt kiều là trí thức. Ba, lượng kiều hối của kiều bào, lượng tiền do lao động làm việc gửi về phần lớn được dùng để tiêu dùng, dù rất đáng quý, nhưng được đầu tư còn ít; nếu có đầu tư lại thường ít đầu tư trực tiếp hoặc chạy lòng vòng qua các kênh như vàng, bất động sản, chứng khoán...

Về tình cảm (và điều này còn lớn hơn cả tiền bạc), đó là tấm lòng đối với gia đình, người thân, đối với quê hương đất nước. Đáng lưu ý, hầu hết Việt kiều có thu nhập gửi về nước đều đã ở thế hệ thứ ba trở lên, thể hiện tình cảm truyền thống sâu đậm. Tình cảm này cần được vun đắp và truyền từ đời này qua đời khác...

Chính sách của Đảng và Nhà nước đã có tác động lớn đối với công tác Việt kiều. Bản thân công cuộc đổi mới, mở cửa, hội nhập và những thành tựu của nó đã có sức hấp dẫn thu hút sự quan tâm của kiều bào ta ở nước ngoài.

Cùng với sự tăng lên của lượng kiều hối là sự tăng lên của số kiều bào về thăm thân nhân. Năm 1997 có 372 nghìn lượt người, năm 2000 có 400 nghìn, năm 2005 có 508 nghìn. Năm 2007 có 601 nghìn lượt, tức là cứ 5 người VN sống ở nước ngoài thì có 1 người về nước thăm thân nhân. Đó là con số không nhỏ.

Ngọc Minh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.