Vì sao khiếu nại, tố cáo gia tăng?

01/11/2006 23:08 GMT+7

Tình trạng khiếu nại, tố cáo (KNTC) vẫn diễn biến phức tạp, xuất hiện nhiều vụ khiếu kiện vượt cấp, đông người - đó là nhận định của Chính phủ khi báo cáo trước Quốc hội hôm qua.

Các ý kiến thảo luận cũng chỉ ra rằng, giải phóng mặt bằng, các chính sách cải tạo nhà đất XHCN trước đây và việc thiếu trách nhiệm khi giải quyết KNTC của công chức có thẩm quyền chính là nguyên nhân của tình hình.

Cơ chế “có vấn đề”

Theo Tổng thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền, nguyên nhân khách quan của tình trạng KNTC gia tăng, phức tạp là do trong quá trình phát triển kinh tế-xã hội, chúng ta phải thu hồi đất để xây dựng các khu công nghiệp, khu đô thị, do đó đã làm ảnh hưởng đến bộ phận không nhỏ dân cư cả về đời sống và việc làm. Các cơ chế chính sách, nhất là chính sách trong giải tỏa, đền bù thu hồi đất luôn có sự thay đổi; một số tồn tại trong nhà đất trước đây chưa được giải quyết triệt để. Về chủ quan, việc thực hiện luật KNTC chưa nghiêm, khi nhân dân khiếu nại, các cấp có thẩm quyền giải quyết còn chậm. Ông Truyền nói: "Khi có khiếu kiện liên quan đến giải phóng mặt bằng, xây dựng các khu công nghiệp, đô thị, chính quyền và nhà đầu tư không vào cuộc, còn đùn đẩy trách nhiệm, né tránh đối thoại với dân; khi xảy ra khiếu kiện đông người, nhiều địa phương tỏ ra lúng túng, có tư tưởng ỷ lại, đợi các cơ quan trung ương". Nhưng ngay cả các cơ quan trung ương thì "nhiều vụ việc trả lời cho địa phương, ý kiến khác nhau, thậm chí trái ngược nhau, làm cho chính quyền địa phương không biết phải thực hiện thế nào cho đúng", ông Truyền cho biết.

Nguyên nhân quan trọng nhất, theo ông Truyền, dẫn đến KNTC gia tăng là do trong quá trình thực hiện chính sách, đặc biệt là chính sách đất đai, nhiều địa phương không công khai, minh bạch để người dân tham gia bàn bạc; việc thực hiện các khu đô thị, khu công nghiệp được khoán trắng cho các ban quản lý dự án có nhiều tiêu cực, tham nhũng. Đại biểu Võ Minh Phương (Lâm Đồng) đồng ý với những nhận định này nhưng theo ông cần phải cụ thể hơn rằng gốc gác của việc khiếu nại kéo dài, không giải quyết được chính là cơ chế giải quyết chính sách về đất đai đang có vấn đề. Ông lấy ví dụ: "Dân khiếu kiện giá đền bù do UBND huyện phê duyệt quá thấp, UBND huyện không thể giải quyết được do giá đó thực chất do UBND tỉnh ban hành. Dân khiếu nại vượt cấp lên tỉnh thì tỉnh cũng không thể giải quyết được do giá đó được xây dựng căn cứ trên khung giá do Bộ Tài chính ban hành". Theo ông Phương, muốn giải quyết vấn đề này thì phải xem xét lại cơ chế xây dựng giá đất làm thế nào cho sát với giá thị trường dân chấp nhận được.

Xem xét lại chính sách về nhà đất

Dẫn 2 trường hợp đòi lại nhà do Nhà nước quản lý trong quá trình cải tạo nhà đất XHCN trước đây của hai cán bộ lão thành cách mạng tại địa phương, đại biểu Đỗ Tiến Dũng (Quảng Ngãi) nói: "Chúng tôi rất đau đầu vì thực chất hai bác đi hoạt động cách mạng, khi trở về thì nhà đất đã bị quản lý hết, hàng chục năm nay chúng tôi xin ý kiến Trung ương nhưng đều được trả lời là không giải quyết được. Giải thích việc này với dân rất khó, về mặt tâm linh người ta muốn xin lại để xây dựng nơi thờ tự của dòng họ. Tôi đề nghị các ngành, các cấp phải có thái độ về việc này nếu không khiếu kiện rất căng thẳng".

Cũng từ thực tế địa phương, đại biểu Võ Minh Phương đề nghị: "Tôi đồng ý không giải quyết việc đòi lại đất đã vào hợp tác xã trước đây nhưng chúng ta cũng nên có chính sách giải quyết đối với trường hợp đồng bào đã đưa hết đất vào hợp tác xã nay đời sống gặp khó khăn". Ông nói: "Nhiều người đưa hết đất vào các nông lâm trường nay trắng tay, trong khi rất nhiều công nhân nông, lâm trường được chia đất bán hàng trăm triệu đồng, người dân hẳn là khó chấp nhận".

Chưa một cán bộ nào bị kỷ luật vì giải quyết KNTC sai

Đại biểu Hoàng Văn Minh (Nghệ An) chỉ ra rằng, việc khiếu kiện phức tạp còn do những bất cập trong pháp luật. Ông nói: "Pháp luật chủ yếu dành những thuận lợi cho bộ máy công quyền; trong khi quy định rất chặt chẽ về nghĩa vụ, trách nhiệm của công dân trong việc thi hành pháp luật, thậm chí cả là thời hạn phải khiếu nại một quyết định nào đó nhưng lại không hề đả động đến trách nhiệm của cán bộ công chức khi không đảm bảo thời hạn giải quyết KNTC của công dân. Chẳng hạn người dân khiếu nại, cơ quan công quyền không xem xét, đến khi xem xét thì bảo đã hết thời hiệu giải quyết. Nhưng chẳng ai phải chịu trách nhiệm". Đại biểu Lâm Văn Kỷ (Sóc Trăng) cũng nhận xét: "Tôi chưa thấy bất kỳ một cán bộ nào giải quyết KNTC vi phạm pháp luật bị xử lý kỷ luật".

Nhận định tình hình KNTC sẽ còn diễn biến phức tạp, Tổng thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền nói: "Các vụ việc phức tạp phải được giải quyết dứt điểm, chấm dứt tình trạng trả lời đã hết thẩm quyền giải quyết. Chính quyền địa phương phải rà soát lại các vụ việc tồn đọng, thống kê những vụ việc mới phát sinh để tìm biện pháp giải quyết dứt điểm từng vụ; nếu có sai sót các cấp chính quyền phải công khai xin lỗi dân".

T.N

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.