Kịch bản giả tưởng của quân đội Mỹ: Bùng nổ chiến tranh hạt nhân, Nga đầu hàng Mỹ!

08/11/2005 22:34 GMT+7

Nga bắt đầu khởi phát cuộc chiến tranh hạt nhân vào ngày 1/11 vừa qua và đầu hàng sau đó 9 ngày. Đó là nội dung một kịch bản diễn tập quân sự của Mỹ.

Theo kịch bản, ngày 1/11/2005, chính quyền Slomonia tuyên chiến với Mỹ. Sự kiện này nhanh chóng gây ra cuộc khủng hoảng chính trị ở Ubleum - quốc gia mà trước khi xảy ra chiến tranh là đồng minh thân cận của Slomonia. Tại Ubleum, chính phủ mới thay thế chính phủ cũ đã liên kết với một số nước khác nhằm gây căng thẳng trong quan hệ với Slomonia. Tổng thống Slomonia và chính phủ của ông ta thực hiện đường lối đối ngoại cứng rắn, mở đầu cuộc chiến tranh lạnh và sau đó là chiến tranh hạt nhân. Trong vòng 2 tháng, Slomonia đưa quân áp sát biên giới Ubleum. Phía bên kia, NATO cũng đưa quân đội vào Ubleum. Slomonia điều các máy bay ném bom chiến lược đến Bắc cực và vùng Viễn Đông, sau đó ký hiệp ước đồng minh quân sự với Perpl ở Bắc Á. Hai nước cùng nhau tuyên chiến với Mỹ, toan tính dùng tên lửa đạn đạo và không quân chiến lược tấn công lãnh thổ Mỹ. Đây là tình huống diễn ra trong ngày 1/11 vừa qua.

Tên lửa Topol-M dài 22,7m (kể cả đầu đạn hạt nhân), đường kính 1,95m, nặng 47,2 tấn, tầm bắn 10 ngàn km. Ba động cơ đẩy cho phép nó bay nhanh hơn bất cứ tên lửa nào. Ngoài ra hàng chục động cơ hỗ trợ khác cùng bộ điều khiển đặc biệt cho phép nó có đường bay mà đối phương không thể dự đoán được. Tên lửa này có thể bắn ở vị trí cố định cũng như khi cơ động. Không thiết bị điện tử nào có thể dò tìm được nó.

Đối với những ai không hiểu các nước nêu trên thực tế là quốc gia nào thì lời giải thích sau đây sẽ làm sáng tỏ vấn đề. Cách đây ít lâu, Slomonia được gọi là Rusalka, Ubleum - Ubund, còn Perpl - Bắc Kraal. Cách gọi này rất giống kịch bản của bộ phim tuyên truyền thời chiến tranh lạnh mà người ta có thể dễ dàng đoán ra: Nga (Rusalka - Slomonia), Ukraine (Ubleum - Ubund), Bắc Triều Tiên (Perpl - Bắc Kraal). Kịch bản giả tưởng trên được các chiến lược gia của Bộ Chỉ huy phòng vệ không gian Bắc Mỹ (North American Aerospace Defense Command - NORAD) sáng tác cho cuộc tập trận quy mô nhằm chống lại vũ khí hạt nhân từ phía đối phương, được bắt đầu từ ngày 1/11 vừa qua. Cho dù tên các "kẻ thù" được gọi chệch đi nhưng người ta dễ dàng nhận ra đó chính là Nga và CHDCND Triều Tiên.

Thông tin về cuộc tập trận này được giữ bí mật nghiêm ngặt đối với báo chí, nhưng vài tài liệu của nó lại rơi vào tay W.Arkin - nhà bình luận của tờ The Washington Post và được đăng tải trên trang web của báo Early Warning, chuyên phản ánh các vấn đề an ninh quốc tế và quốc nội. Theo Arkin thì hệ thống phòng thủ chống tên lửa đạn đạo trước đây được Mỹ xây dựng để chống lại Liên Xô còn trong kịch bản nêu trên có chi tiết chống lại cuộc tấn công của hàng chục tên lửa đạn đạo và có thể hiểu là nó sẽ xuất phát từ nước Nga. Bởi ngoài Nga, không có quốc gia nào sở hữu số đầu đạn hạt nhân lớn đến thế. Và theo kịch bản tập trận của Mỹ thì vào ngày 10/11 tới, Slomonia sẽ thất bại trong cuộc chiến tranh hạt nhân và chấp nhận đầu hàng. Thế nhưng, các chuyên gia tên lửa của Slomonia thì khẳng định điều ngược lại.

Trên đây là một kịch bản giả tưởng. Còn thực tế, vào đúng chiều 1/11 tại bãi tập ở vùng Astrakhan, Nga đã thử nghiệm thành công tên lửa đạn đạo xuyên lục địa RC - 12M1 "Topol-M" mang đầu đạn hạt nhân mới. Đây là lần thử thứ 6 của hệ thống tên lửa nhằm xuyên thủng hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo của Mỹ. Trong lúc Mỹ diễn tập chống vũ khí hạt nhân từ phía Nga thì Moscow cũng diễn tập tấn công Washington. Theo thông báo của Nga, tên lửa "Topol-M" từ Astrakhan (Nga) đã bắn trúng mục tiêu ở bãi tập Balkhas (Kazakstan), đáng chú ý là không một phương tiện kỹ thuật hiện đại nào có thể ngăn chặn nó. Nhà bình luận quân sự của báo điện tử Nga Ej viết về sự kiện này như sau: "Nga trước đây vẫn có khả năng hủy diệt Mỹ. Vì thế, ở góc độ quân sự, Nga và Mỹ là ngang hàng nhau".

Hoàng Hoài Sơn
(Kommersant, Lenta, Newsru)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.