Rớt cả 3 nguyện vọng, học ở đâu?

02/10/2008 22:14 GMT+7

Hàng trăm ngàn thí sinh (TS) không trúng tuyển một trong 3 nguyện vọng trong kỳ thi tuyển sinh ĐH-CĐ vừa qua vẫn còn cơ hội để học lấy nhiều loại bằng cấp từ trong nước đến nước ngoài.

Du học tại chỗ

Hiện nay việc liên kết với các trường ĐH ở nước ngoài để lấy bằng quốc tế xuất hiện tràn lan nên chưa rõ chất lượng thực hư thế nào. Chính vì thế, TS cần chọn những chương trình liên kết tại các trường ĐH uy tín trong nước vì chất lượng đã được kiểm định.

Trung tâm Đào tạo quốc tế (CIE) - Đại học Quốc gia TP.HCM đang triển khai chương trình Cử nhân Hoa Kỳ chuyển tiếp hai giai đoạn (UCP) và chương trình Cử nhân chuyển tiếp chuyên ngành Kinh tế và Quản trị kinh doanh ĐH La Trobe - Úc (ACP). Trong đó, UCP (2+2) là chương trình được ký kết giữa ĐH Quốc gia TP.HCM và ĐH Houston-Clear Lake (Mỹ). Học viên sau khi học 2 năm tại CIE sẽ được chuyển tiếp chính thức sang giai đoạn 2 tại ĐH Houston-Clear Lake, bang Texas và 12 trường ĐH công lập ở bang Oklahoma. Hằng năm các chương trình này tuyển sinh 2 đợt và đợt 2 có hạn chót là ngày 31.10.

Đa số chương trình liên kết với nước ngoài để lấy bằng cử nhân đều xét tuyển từ kết quả trung bình của 3 năm học THPT, điểm TOFEL từ 500 trở lên, IELTS từ 5.5 trở lên. Trường ĐH Bách khoa TP.HCM tuyển sinh các chương trình hợp tác quốc tế (Griffith - Xây dựng, Adelaide - Kỹ sư dầu khí, Queensland - CNTT/kỹ sư phần mềm, La Trobe - CNTT), TS chỉ cần tốt nghiệp THPT, trình độ Anh văn tối thiểu ở mức 400-450 TOEFL hay 5.0 IELTS, đạt điểm sàn tuyển sinh ĐH 2008. Nếu không có chứng chỉ Anh văn hoặc điểm sàn ĐH thì có kiểm tra trình độ đầu vào. Theo đó, TS sẽ thi trắc nghiệm môn Anh văn và 3 môn khối A theo đề riêng của trường. Có thể nói, học liên kết với nước ngoài ngay tại Việt Nam có thể giúp bạn trẻ tiết kiệm được chi phí so với du học trực tiếp.

Lấy chứng chỉ quốc tế

Học thời gian ngắn (từ 1 - 2 năm) nhưng lại có chứng chỉ quốc tế, ra trường có thể xin được việc làm ngay với mức lương cao là cái đích mà nhiều trung tâm đào tạo đang nhắm tới cho bạn trẻ.

Trường Kinh tế kỹ thuật Quang Trung (MaIT) đang xét tuyển chương trình đào tạo nghề dài hạn theo tiêu chuẩn quốc tế dành cho học sinh tốt nghiệp lớp 12 với các ngành rất "hot" như Chuyên viên CNTT quốc tế (gồm các ngành: Lập trình Microsoft, Lập trình và Quản trị CSDL Oracle, Quản trị mạng và An ninh mạng), Chuyên viên kinh tế quản trị (gồm các ngành: Kế toán tài chính, Trợ lý giám đốc và Thư ký văn phòng). Sau khi tốt nghiệp, SV lấy các chứng chỉ quốc tế của Microsoft, Cisco, Oracle, CompTIA... Đặc biệt với chương trình Chuyên viên kinh tế quản trị, học viên được học miễn phí chương trình CNTT quốc tế MCAS của Microsoft, một chứng chỉ rất mới tại VN. Ngoài ra còn nhiều chương trình khác như chuyên viên Kế toán - Tài chính, Trợ lý giám đốc...

Với 1.200 chỉ tiêu năm 2008, trường Infoworld sẽ xét tuyển dựa trên học bạ cấp 3 kết quả 2 môn Toán, Lý; hoặc Toán, Anh văn. TS tham gia xét tuyển chỉ cần đậu tốt nghiệp THPT (hoặc BTVH) là đủ điều kiện. Ông Dương Hùng Sơn - Hiệu trưởng, cho biết: "Hiện chúng tôi đang tuyển sinh chương trình Kỹ sư CNTT Nhật Bản. Theo đó bằng Kỹ sư CNTT cơ bản (FE) sẽ được cấp bởi Bộ Khoa học và Công nghệ VN và được công nhận tại Nhật Bản cùng các nước châu Á. Hơn nữa, học viên tốt nghiệp chương trình và có bằng FE sẽ có cơ hội được tuyển dụng bởi các công ty CNTT của Nhật và các doanh nghiệp VN có tham gia xuất khẩu phần mềm sang thị trường Nhật Bản".

Học trung cấp, học nghề

Ông Nguyễn Thành Hiệp, Trưởng phòng Dạy nghề Sở LĐ-TB-XH TP.HCM, cho biết Bộ LĐ-TB-XH đã ban hành quyết định về liên thông. Theo đó, học sinh tại các trường nghề có thể học lên trình độ nghề cao hơn hoặc học thêm ngành nghề khác cùng cấp trình độ. Do đó, có thể nói TCCN và trung cấp nghề cũng là "cánh cửa rộng" mang đến cho TS những cơ hội không hề thua kém so với việc đỗ ĐH hiện nay.

Theo ông Phạm Như Nghệ, Vụ phó Vụ Giáo dục chuyên nghiệp - Bộ GD-ĐT, hiện trên cả nước có khoảng 270 trường TCCN, chưa kể khoảng 250 trường ĐH, CĐ có đào tạo hệ này. Riêng tổng chỉ tiêu tuyển sinh cho đợt 1 vào tháng 10 năm nay là gần 450.000 chỉ tiêu.

Bà Hà Thị Thanh Thanh, Hiệu trưởng trường Trung cấp Tin học - Kinh tế Sài Gòn, cũng thông tin: "Năm nay trường tuyển 950 chỉ tiêu cho 6 ngành, trong đó có nhiều ngành thu hút như Kế toán, Marketing, Nhà hàng - khách sạn, Tin học đồ họa... vì ra trường các em xin được việc làm ngay với mức lương 3-4 triệu đồng/tháng".

Trường Trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật Vạn Tường năm nay tuyển 1.500 chỉ tiêu cho 7 ngành. Bà Bùi Thị Nguyệt Ánh - Hiệu trưởng nhà trường, cho rằng nhiều học sinh vẫn chưa đánh giá đúng những ưu thế của bậc học này, đó là: học thời gian ngắn, nhanh đi làm với mức lương cao và có thể dễ dàng liên thông lấy bằng ĐH.

Ngoài hệ thống trường TCCN, hệ thống trường nghề cũng rất phong phú. Hiện cả nước có hàng ngàn trường, trung tâm dạy nghề. Riêng khu vực TP.HCM có 8 trường CĐ nghề, 23 trường trung cấp nghề và 83 trung tâm dạy nghề thuộc các quận, huyện và các đơn vị cá nhân khác với tổng chỉ tiêu lên tới 11.000 (hệ CĐ) và hơn 27.000 (hệ trung cấp).

Mỹ Quyên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.