Khi Hollywood gặp Bollywood

09/11/2008 11:41 GMT+7

Hollywood và Bollywood hiếm khi gặp gỡ nhau. Nhưng trong bộ phim mới mang tên Slumdog millionaire (tạm dịch: Triệu phú ổ chuột), hai nền công nghiệp điện ảnh này đã tìm ra một cách thức không như thông lệ để tạo ra một tác phẩm được tán thưởng.

Mối quan hệ bắt đầu khi đạo diễn Danny Boyle chọn làm phim ở Mumbai, Ấn Ðộ với diễn viên hầu hết là các nghệ sĩ Bollywood hoặc diễn viên nghiệp dư. Quá trình làm phim bằng những máy quay phim cầm tay, phân tán thành từng nhóm nhỏ, Boyle đã rọi ống kính đến những khu nhà ổ chuột ở Mumbai.

Ðạo diễn nói: "Thông thường, là đạo diễn một phim tức là bạn bóc tách lấy một mẩu của cuộc sống, ngưng đọng nó lại, điều khiển nó và sau đó thâu tóm nó trong những cảnh quay. Chúng tôi cũng làm một vài điều tương tự vậy nhưng chúng lại tạo cảm giác như sự bịa đặt. Câu chuyện này có một bầu khí quyển khác thường mà bạn không thể nào kiểm soát được. Chính vì thế có khi bạn cảm thấy dường như khó tin vào nó".

Bản thân Slumdog millionaire (dựa theo nguyên tác tiểu thuyết Q&A của Vikas Swarup) là một câu chuyện khó tin, kể về một thiếu niên (do Dev Patel đóng) từ những khu nhà ổ chuột ở Mumbai đã chiến thắng trong cuộc thi "Who wants to be a millionaire" (Ai muốn trở thành triệu phú) phiên bản Ấn Ðộ. Một cảnh sát có tính hoài nghi đã chất vấn, tố cáo cậu gian lận vì ông ta không tin một thiếu niên đường phố có thể có những kiến thức đủ để trả lời các câu hỏi như vậy.

Tuy nhiên, thông điệp tâm điểm của bộ phim lại là tình cảm thân ái giữa Jamal và Latika (do Freida Pinto đóng), một thiếu nữ mồ côi lớn lên từ đường phố; là những nghĩ suy về khả năng dễ bị tổn thương của trẻ em đường phố trong quan hệ với nhau, với người lớn và với phần còn lại của xã hội. Có nỗi muộn phiền và những lo âu với thảm kịch (bóc lột, đàn áp, mại dâm trẻ em) nhưng phim cũng có sự hài hước, chiều sâu của giá trị nhân văn, và trên hết là các nhà làm phim đã thể hiện thái độ trân trọng phẩm giá con người qua những thước phim quay cực kỳ chân thực, đầy cảm động về sinh hoạt trong khu ổ chuột mà trước khi xem phim khán giả sẽ không bao giờ hình dung được.

Ðây là một phim được thực hiện với kinh phí thấp, nhưng Slumdog millionaire đã được vinh danh với việc tạp chí Rolling Stone gọi đó là một trong những bộ phim hay nhất năm, và đang mang lại niềm hi vọng lớn lao về một hiệu ứng Oscar như điều kỳ diệu mà Little Miss Sunshine (Hoa hậu ánh dương nhí) đã từng tạo ra. Tại Liên hoan phim Toronto (Canada) tháng chín vừa qua, bộ phim được hoan hô nồng nhiệt và nữ diễn viên Freida Pinto - diễn viên chính của phim được trao giải Cadillac - Lựa chọn của khán giả. Phim cũng giành được vinh quang với giải thưởng Khán giả bình chọn. Nhiều ý kiến bình luận khác còn cho rằng bộ phim là một lựa chọn hàng đầu cho hạng mục phim hay nhất của giải Oscar năm nay.

Boyle năm nay 52 tuổi, đã khẳng định tiếng tăm của mình với các phim Trainspotting, 28 days laterSunshine.

Nhà sản xuất Christian Colson hài lòng vì những gì Boyle đã làm được. 15 triệu USD kinh phí nhưng vẫn đạt hiệu quả tốt nhất. Không phải phim Hollywood hay Bollywood hoặc London, chỉ là làm phim ở những nơi nào có thể làm ra một bộ phim: "Bộ phim đã được thực hiện theo cách thức của Ấn Ðộ. Kết hôn với một nền văn hóa là những gì chúng tôi đã làm. 20 hoặc 30 năm trước tôi từng nghĩ điều đó là khó khăn nhưng bây giờ mọi thứ đã thay đổi".

Và trên hết, dường như bộ phim đã tạo ra được một niềm tin mới với bản thân đạo diễn và những nhà làm phim độc lập khác: khi đủ quyết tâm và tài năng thì tiền nong không phải là mối đau đáu hàng đầu nữa. Người ta hoàn toàn có thể làm phim hay khi túi không căng phồng hàng trăm triệu đôla. Không chỉ vậy, hoàn toàn có thể làm một bộ phim hay ở một quốc gia khác khi bạn thẩm thấu văn hóa của quốc gia đó và kể lại nó theo cách bạn muốn.

Theo Lam Linh/ Tuổi Trẻ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.