Đối phó với bão số 5: Khẩn trương!

03/10/2007 16:33 GMT+7

* Bão số 5 chuyển hướng và mạnh lên * 18 tai nạn, 1 người chết, 1 người bị thương do bão * Đêm nay, bão số 5 đổ bộ vào các tỉnh từ Nghệ An đến Quảng Bình * Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải kiểm tra tình hình phòng chống bão tại Hà Tĩnh (TNO) Cơn bão số 5 - tên quốc tế là Lekima, hiện chỉ còn cách bờ biển Hà Tĩnh - Quảng Bình hơn 100 km. Hiện công tác đối phó với bão số 5, từ trung ương đến địa phương, đang diễn ra hết sức khẩn trương.

Bão số 5 đổi hướng di chuyển và có xu hướng mạnh lên. Đã có 18 vụ tai nạn trên biển do mưa bão và ảnh hưởng của gió tây nam hoạt động mạnh làm 18 tàu thuyền và phương tiện bị chìm hoặc hư hỏng, 1 người chết, 1 người bị thương... Đó là những thông tin “nóng” nhất trong cuộc họp Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão T.Ư bàn các biện pháp khẩn cấp đối phó với cơn bão số 5 diễn ra chiều nay 3.10.

Bão số 5 chuyển hướng và mạnh lên

Tại cuộc họp, ông Bùi Minh Tăng - GĐ Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương cho biết, bão số 5 đã chuyển hướng và có xu hưóng mạnh lên. Từ 4 – 10 giờ sáng nay, bão di chuyển theo hướng tây tây nam, mạnh cấp 10 nhưng từ 10 giờ trở đi, bão đã di chuyển theo hướng giữa tây tây bắc, mạnh trên cấp 10, cấp 11.

Theo ông Tăng,  khoảng từ 19 – 22 giờ đêm nay, tâm bão sẽ đi vào đất liền các tỉnh Nghệ An đến Quảng Bình, trong dó vùng trọng tâm của tâm bão được xác định là tại Hà Tĩnh và bắc Quảng Bình với sức gió mạnh cấp 10, cấp 11, giật trên cấp 11. Từ chiều và tối nay, tại Trung Trung Bộ, Bắc Trung Bộ, một số nơi thuộc Trung du miền núi phía Bắc có mưa, mưa vừa, đến mưa rất to. 

Trọng tâm mưa được nhận định là từ Quảng Bình đến Nghệ An, với lượng mưa lên tới 40 – 50 mm mỗi giờ. Các sông ở miền Trung có thể xuất hiện lũ lịch sử. Các tỉnh Trung Trung Bộ, Bắc Trung Bộ và Trung du miền núi phía Bắc cần đề phòng lũ quét, sạt lở đất.

Công điện khẩn của Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão T.Ư gửi Chủ tịch UBND các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị:

Không để người dân đi lại ngoài đường khi bão đổ bộ vào đất liền

Để chủ động đối phó với các tình huống xấu có thể xảy ra và đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản của nhân dân và nhà nước, Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão T.Ư yêu cầu: các tỉnh phải thực hiện nghiêm túc các công điện của Thủ tướng Chính phủ và Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão TƯ; chằng, chống nhà cửa, kho tàng đặc biệt là các nhà dễ bị tốc mái; chặt tỉa cành cây lớn có nguy cơ gẫy đổ, tháo dỡ các biển quảng cáo, áp phích lớn, đề phòng gió to làm gãy đổ gây tai nạn.

Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão T.Ư cũng yêu cầu các tỉnh kể trên kiểm soát chặt chẽ không để nhân dân đi lại ngoài đường khi bão đổ bộ, trừ những người đang thi hành công vụ. Tiếp tục kiểm tra công tác neo đậu tàu, thuyền tại các khu vực tránh trú bão để tránh va đập gây chìm tàu, thuyền đặc biệt là ở các khu vực cửa sông, ven biển.

Kiên quyết không để người ở lại trên các tàu thuyền đã neo đậu và trên các chòi canh nuôi trồng thuỷ sản. Có phương án đề phòng lũ lớn, có phương án đảm bảo an toàn hồ chứa, đê sông, đê biển.

Tiếp tục sơ tán dân ở các khu vực ven sông suối có khả năng xẩy ra lũ quét, lũ ống và sạt lở đất. Lập ngay các chốt kiểm tra, hướng dẫn giao thông tại các bến đò ngang, các ngầm qua suối, khu vực có khả năng bị ngập sâu khi mưa lớn...

18 vụ tai nạn trên biển, 1 người chết, 1 người bị thương

Báo cáo của ban chỉ đạo phòng chống lụt bão T.Ư cho biết, đến 13h30 ngày 3.10, lực lượng hữu trách tại các tỉnh Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh và Quảng Bình đã sơ tán được tổng cộng 169.876 người dân ở các khu vực nguy hiểm vào nơi an toàn.

Trong khi đó, theo Bộ tư lệnh Bộ đội Biên phòng cho biết, tính đến 13h30 cùng ngày, trên khu vực ven biển toàn quốc đã xảy ra 18 vụ làm các tàu cá và phương tiện vận tải với tổng cộng 82 người bị nạn do ảnh hưởng của bão số 5 và gió mùa tây nam hoạt động mạnh. Trong đó, có 1 người (Cà Mau) bị mất tích, 1 người (Quảng Bình) bị thương, 12 phương tiện bị chìm, 6 phương tiện khác bị hư hỏng. Ngoài ra, mưa bão cũng đã làm tốc mái ít nhấ 7 căn nhà.

Riêng trong sáng và trưa ngày 3.10 đã xảy ra các sự cố sau: Lúc 7 giờ 45, tại khu vực cách Hòn Khoai (Cà Mau) khoảng 26 hải lý về hướng tây tây nam, tàu đánh cá TV 0236 TS của Trà Vinh với 6 lao động hành nghề giã cào do Nguyễn Đăng Sơn ở Long Vĩnh (Trà Vinh) làm thuyền trưởng bị hỏng máy trôi dạt. Thuyền trưởng đề nghị cứu nạn khẩn cấp. Biên phòng Cà Mau sử dụng thông tin tìm kiếm cứu nạn duy trì liên lạc với tàu bị nạn đồng thời báo cáo, tham mưa cho UBND tỉnh huy động 1 tàu cá của ngư dân sông Đốc phối hợp với lực lượng Bộ đội Biên phòng đi cứu nạn.

Khoảng 11 – 12 giờ, đài canh tìm kiếm cứu nạn của Bộ đội biên phòng Quảng Bình đã nhận được tin tại khu vực neo đậu đảo La có 3 tàu hàng loại 700 tấn và 8 tàu cá của ngư dân Hà Tĩnh. Trong đó, 2 tàu HT 90126 và HT 90127 với 12 ngư dân của Hà Tĩnh gặp gió bão mạnh rất nguy hiểm tới tính mạng ngư dân. Thuyền trưởng đã đề nghị đưa vào bờ.

Lúc 6 giờ 55, tại xã Nam Thịnh (Thái Bình), 2 ngư dân đi trên xuồng từ lều nuôi ngao vào bờ tránh bão đã bị sóng đánh chìm. Bộ đội Biên phòng Thái Bình điều động 5 cán bộ, chiến sĩ và 1 ca nô tổ chức cứu vớt, đưa 2 ngư dân gặp nạn vào bờ an toàn.

Trong khi đó, tại địa bàn đồn Biên phòng 184 (Quảng Bình), gió lớn đã làm tốc mái 7 căn nhà, làm 1 công nhân của Ban quản lý cảng La bị thương.

Ngăn chặn 373 tàu cá với 2.391 ngư dân ra khơi

Mặc dù các bộ ngành chức năng đang nỗ lực triển khai các biện pháp phòng chống cơn bão nhưng tại các địa phương vẫn có ngư dân bất chấp lệnh của Chủ tịch UBND tỉnh cấm ra khơi đánh bắt cá. Lực lượng Bộ đội Biên phòng đã kiên quyết ngăn chặn được 373 tàu cá với 2.391 ngư dân cố tình vượt trạm kiểm soát Biên phòng ra khơi. Trong đó, Thái Bình có 15 tàu với 300 ngư dân, Ninh Thuận 10 tàu với 45 ngư dân, Bình Định 31 tàu với 97 ngư dân, Ninh Bình 14 tàu với 52 ngư dân, Thanh Hoá 189 tàu với 1.675 người.

Theo tin từ TTXVN, sáng 3.10, sau khi làm việc với lãnh đạo tỉnh Nghệ An - nơi đặt trụ sở tiền phương chống bão số 5 - về tình hình triển khai công tác phòng chống bão, Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải đã cùng đoàn công tác chống bão số 5 đi về các cơ sở.


Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải (ngoài cùng bên phải)
kiểm tra công tác phòng chống bão tại cảng cá Lạch Quèn (Nghệ An) (ảnh: TTXVN)

Đoàn đã kiểm tra tuyến đê Hội Thống tại xã Xuân Hội, huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh), thăm và trao lương thực thực phẩm cho 40 người già, trẻ em ở xã Xuân Hội (Nghi Xuân) đang trú bão tại trường tiểu học Xuân Hội. Phó thủ tướng ân cần thăm hỏi, động viên nhân dân địa phương tham gia chống lụt bão và khắc phục khó khăn do thiên tai gây ra; đồng thời yêu cầu lãnh đạo huyện Nghi Xuân khẩn trương di dời nhân dân ra khỏi vùng nguy hiểm.

Bộ Quốc phòng thành lập Sở chỉ huy tiền phương phòng chống cơn bão số 5 tại Quân khu 4

Để chủ động đối phó với cơn bão số 5, Bộ Quốc phòng đã thành lập Sở chỉ huy tiền phương tại Quân khu 4, dưới sự chỉ huy của Trung tướng Nguyễn Đức Soát - Phó tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam.

Bộ tư lệnh Quân khu 4 đã thành lập 4 đoàn kiểm tra trên các hướng: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh và Quảng Bình. Quân khu đã tổ chức lực lượng, huy động 1.027 bộ đội của các đơn vị Đoàn B24, Đoàn pháo binh Thuận An, Đòan xe tăng H06 và Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Thanh Hóa về các huyện trọng điểm của tỉnh Thanh Hóa, giúp nhân dân thu họach lúa để giảm thiệt hại do cơn bão số 5. Đồng thời ém quân sẵn để khi bão đổ bộ vào địa bàn Thanh Hóa thì số bộ đội này phối hợp cùng các lực lượng tham gia cứu nạn theo mệnh lệnh của Quân khu.

Quân khu đã điều động 930 cán bộ, chiến sỹ bộ đội của Bộ CHQS Nghệ An, Đòan B24 và Đòan M6 về các huyện Quỳnh Lưu, Hưng Nguyên, Nghi Lộc, Cửa Lò, Diễn Châu- những huyện trọng điểm của Nghệ An để sẵn sàng ứng cứu kịp thời khi có bão lũ xảy ra. Tính đến 13 giờ ngày 3.10, Bộ Quốc phòng đã cấp bổ sung cho Nghệ An 3.000 chiếc phao; Bộ Tư lệnh Quân khu 4 đã cấp bổ sung cho Nghệ An 20 nhà bạt để phục vụ việc di dời dân đến những nơi an tòan.


Chủ động phòng chống cơn bão số 5, sáng 3.10, huyện Diễn Châu (Nghệ An) đã huy động hàng ngàn lao động đào đắp trên 4000m3 đất bồi trúc cho các đoạn đê biển xung yếu trên địa bàn huyện đề phòng nước biển dâng cao tràn vào đồng ruộng. Trong ảnh: Nhân dân xã Diễn Thịnh đắp các đoạn đê biển xung yếu (TTXVN)

Cán bộ y tế sẵn sàng cấp cứu miễn phí cho các nạn nhân do bão số 5 gây ra

Cũng trong ngày 3.10, Bộ Y tế đã tiến hành phân công cán bộ y tế về thường trực tại Sở Y tế các tỉnh, thành phố ven biển từ Thái Bình đến Thừa Thiên - Huế, các tỉnh Tây Nguyên, Tây Bắc và các đơn vị trực thuộc Bộ phải bám sát, phục vụ nhân dân tại nơi sơ tán và bố trí người bảo vệ tài sản tại đơn vị, đồng thời có phương án bảo vệ hoặc di dời cơ sở y tế để đảm bảo an toàn cho bệnh nhân và cán bộ y tế, chuẩn bị phương tiện chiếu sáng để phục vụ công tác cấp cứu vào ban đêm. Y tế tại các khu vực ven sông, suối, nơi có sườn dốc và các tỉnh Tây Bắc, Tây Nguyên, miền Tây Nghệ An sẵn sàng chủ động phòng tránh lũ quét và sạt lở đất.

Bộ Y tế cũng yêu cầu các cơ sở điều trị tổ chức trực cấp cứu 24/24 giờ, sẵn sàng thu dung và cấp cứu miễn phí cho nạn nhân do bão, lũ gây ra; các đội cấp cứu cơ động của các bệnh viện: Việt Đức, Bạch Mai, Bệnh viện E, Bệnh viện Trung ương Huế và Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương chuẩn bị sẵn sàng lên đường làm nhiệm vụ khi có lệnh.

Các công ty Dược, TBYT Trung ương và các đơn vị trực thuộc Bộ sẽ tổ chức bảo vệ các phương tiện, máy móc, vật tư, các kho thuốc, hoá chất không để bão lũ gây hư hỏng hoặc phát tán gây ô nhiễm môi trường và chuẩn bị sẵn các cơ số thuốc, hoá chất, thiết bị phương tiện và các phân đội y tế cơ động sẵn sàng hỗ trợ các địa phương khắc phục hậu quả do bão, lũ gây ra.

TNO

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.