Cần giảm giá xăng mạnh hơn nữa!

08/10/2008 00:24 GMT+7

Một vấn đề được người dân rất quan tâm trong thời gian gần đây là giá xăng dầu thế giới đã giảm mạnh (ngày 29.9 là 103,86 USD/thùng, ngày 1.10 còn 101,8, ngày 6.10 còn 89,24), nhưng giá bán lẻ xăng trong nước đến ngày 8.10 mới giảm 500 đồng/lít (đối với xăng A92, A95).

Nhìn vào biểu đồ diễn biến giá một lít xăng nhập khẩu (tạm tính theo tỷ giá tại các thời điểm tương ứng) và giá xăng bán lẻ trong nước từ 7 tháng rưỡi qua có thể rút ra một số nhận xét đáng lưu ý.

Nhìn tổng quát, đường diễn biến giá xăng dầu nhập khẩu “dốc hơn” giá xăng dầu bán lẻ trong nước; từ 27.8 đến nay, trong khi giá bán lẻ trong nước đi ngang, thì giá nhập khẩu lại đi xuống. Đoạn biểu diễn chênh lệch giữa giá nhập khẩu và giá bán trong nước ngày một tăng lên: ngày 25.2 là 3.700 đồng/lít, ngày 21.7 là 4.800 đồng/lít, ngày 14.8 là 6.100 đồng/lít, ngày 27.8 là 5.900 đồng/lít, ngày 1.10 là 7.000 đồng/lít, ngày 6.10 là 8.000 đồng/lít và ngày 7.10 là 7.500 đồng/lít.

Đã có nhiều lý giải khác nhau về tình hình trên. Có ý kiến cho rằng, do các doanh nghiệp còn một lượng hàng tồn kho nhập theo giá cũ (với số hàng này có doanh nghiệp cho rằng chỉ giảm được 600 đồng/lít); còn với lượng hàng mới nhập có thể lãi được 2.000 đồng/lít (có doanh nghiệp nói lãi 2.400 đồng/lít, Bộ Tài chính thông tin lãi 3.000 đồng/lít), tính chung cả hàng tồn kho và mới nhập có thể giảm được 1.300 đồng/lít. Có ý kiến cho rằng còn phải bù lỗ cho số lỗ từ 21.7 trở về trước. Từ ngày 6.10, Bộ Tài chính đã đưa ra cơ chế bù khoản lỗ 3.000 tỉ đồng cho các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu (ứng trước số tiền đã lỗ, sau đó với mỗi lít xăng bán ra trích 1.000 đồng trả lại cho Nhà nước). Đến ngày 6.10, Bộ Công thương thì cho rằng chưa thấy các doanh nghiệp đề nghị hạ giá bán xăng dầu; và chiều tối 7.10 thông báo các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu thống nhất giảm 500 đồng/lít.

 
Giá xăng A92 nhập khẩu và bán lẻ qua các thời điểm (nghìn đồng/lít)
Ở đây, có ba vấn đề đặt ra. Thứ nhất là cần xem lại cơ chế điều hành giá xăng dầu theo cơ chế thị trường. Mặc dù cơ chế này không phải hoàn toàn tự do, mà có sự quản lý của Nhà nước, nhưng Nhà nước chỉ nên xem xét, có ý kiến khi doanh nghiệp tăng giá, còn khi giảm giá thì nên để doanh nghiệp tự quyết định để kịp thời giảm giá cho phù hợp, tránh phải đề nghị rồi chờ đợi cơ quan có trách nhiệm xem xét mới quyết định, tạo ra khoảng trống về thời gian để doanh nghiệp ỷ lại. Thứ hai là mức giảm. Nhiều người đều có một câu hỏi chung là tại sao khi tăng thì cao, khi giảm thì thấp. Điều đó chứng tỏ công tác hạch toán của doanh nghiệp cần trung thực và cần được minh bạch, công khai. Dù thuế nhập khẩu có tăng lên, dù hoa hồng đại lý có tăng lên, nhưng cứ so sánh giữa giá ngày 7.10 với ngày 21.7, giá nhập khẩu đã giảm tới 36,4%, trong khi giá bán lẻ trong nước mới giảm có 13,2% thì người tiêu dùng đã bị thiệt thòi khi chuyển đổi cơ chế. Theo tính toán của các chuyên gia, giá xăng dầu có thể giảm 1.000 - 1.500 đồng/lít. Thứ ba, các doanh nghiệp nhập khẩu xăng dầu của Việt Nam chưa có sự chuyển đổi mạnh về việc nhập khẩu và kinh doanh xăng dầu (từ việc dự báo, cung cách và thị trường nhập khẩu,...).

Dư luận đang đòi hỏi các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu phải giảm giá bán lẻ ở trong nước mạnh hơn nữa (không thể giảm với mức 500 đồng mà ít ra cũng phải 1.000 - 1.500 đồng/lít).

Ngọc Minh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.