Đèn lồng của dân 8X

30/09/2006 17:04 GMT+7

Bị "hớp hồn" bởi vẻ đẹp của chiếc đèn lồng nhựa xuất xứ từ Đan Mạch, lên mạng lục lọi thông tin rồi mày mò lắp ghép các mẩu nhựa thành những chiếc đèn lồng có kiểu dáng lạ mắt. "Ban đầu làm chơi, ai dè "ăn" thiệt"- chủ nhân 8X của đèn lồng hồ hởi bật mí.

Làm chơi, ăn thiệt

Những ngày này, Ngọc Long, Hoài Trúc - hai người bạn cùng sinh năm 1987 đang bận rộn chạy đi chạy lại như con thoi ở khu vực quận 5 (TP.HCM) để tiếp thị những mẫu đèn lồng nhựa mới cho mùa Trung thu năm nay. Hỏi ra mới biết chuyện kinh doanh đến với hai anh chàng rất tình cờ: "Lần đó lạc bước vào shop Obi cạnh Trường Marie Curie, thấy những chiếc đèn lồng bằng nhựa cao cấp từ Đan Mạch đẹp "mê tơi", thế là bấm bụng mua một cái giá đến 300 ngàn đồng về "ngâm cứu". Bất chợt nghĩ đến việc tìm loại nhựa nào đó gần giống để thay thế rồi tự lắp ghép thành những chiếc đèn độc đáo nhằm bán với giá "mềm" hơn cho mọi người". Vậy là cả hai lên mạng tìm thông tin, tận dụng nguồn nhựa tồn từ xưởng in của người dì, đặt in hoa văn rồi mày mò lắp ghép những chiếc đèn theo tiêu chí "không đụng hàng". "Ban đầu chỉ làm thử để "thăm dò" thị trường, không ngờ bán được nên "thừa thắng xông lên", Long cho biết. Còn Trúc nháy mắt sau cặp kính, bổ sung: "Năm ngoái phải tự bán lẻ vì mới bắt tay vào kinh doanh, chưa chuẩn bị trước kế hoạch, còn năm nay đã có chút kinh nghiệm, lại được dì hỗ trợ nên tụi mình quyết định sẽ bỏ mối bán sỉ cho mấy khu bán đèn lồng ở Q.5. Mới ăn Tết xong là tụi này đã bắt đầu đi săn nguyên liệu rồi. Riêng công đoạn tìm nguồn nhựa cũng phải mất cả tháng trời chạy khắp nơi để mò hàng chất lượng nhưng  giá phải mềm để còn có lời". Nhắc lại mùa Trung thu trước, cả hai không giấu hào hứng khi "lôi kéo" được nhóm bạn tham gia bán đèn lồng trước mặt tiền công ty của gia đình Long trên đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa. Không chỉ "cắm" trước nhà, nhóm còn gõ cửa chào hàng một số quán cà phê, thậm chí còn "len lỏi" vào được một khách sạn lớn ở Q.1. "Thấy lồng đèn mình được treo trước khách sạn, vui và tự hào lắm!" - Long và Trúc nheo mắt. Tự hào hơn cả là sau đó, trừ hết các chi phí, cả hai thu được một khoản không nhỏ đủ để sắm... 1/2 dàn vi tính.


Long và Trúc bên những sản phẩm vừa "ra lò" - Ảnh: V.A

Bài học từ thương trường

Cố gắng biến tấu thêm những kiểu mới và giữ giá thấp hơn để cạnh tranh với đèn lồng Trung Quốc - đó là kế hoạch cho năm nay khi hai 8X ý thức được vị trí khiêm tốn của mình trên thương trường: "Biết người biết mình để đưa ra kế hoạch thích hợp, có như vậy mới mong kinh doanh hiệu quả". Trước giờ xuất hàng đại trà, Long và Trúc đã tung ra khoảng 300 cái để thăm dò thị hiếu các mối ở Q.5 và ráo riết tìm hiểu giá "sàn" năm nay của những công ty làm đèn lồng để điều chỉnh giá cho hợp lý. Bộ đôi mê làm giàu này ước tính sẽ tung ra số lượng đèn trung thu gấp đôi năm ngoái, và dĩ nhiên đây là lần "làm thiệt, ăn thiệt". Sau một năm mày mò thử tài kinh doanh, hai anh chàng đã tạo được quan hệ khá tốt với những bạn hàng của mình nên năm nay không cần phải gõ cửa từng nơi để "buôn nước bọt" như mọi khi. "Cả tháng trời lăn lộn ở các mối mua đèn lồng, bọn mình kiếm được rất nhiều bài học làm ăn thực tế, nào là thuyết phục và thương lượng thế nào cho người ta chọn mặt hàng mới toanh của mình, đến chuyện xử sự với người Hoa ra sao cho người ta tin mà làm ăn lâu dài với mình... tự nhiên thấy lớn lên được một chút!", Trúc liếng thoắng với ánh mắt đầy tự tin.

Bám trụ với lồng đèn truyền thống


Ngọc Long đang treo lồng đèn cho một quán cà phê - Ảnh: V.A

Đến xóm lồng đèn Phú Bình thuộc P.5, Q.11, TP.HCM, nơi tập trung nhiều gia đình làm lồng đèn truyền thống nhất của Sài Gòn mới bắt gặp nhiều gương mặt sinh viên ở trọ tại đây đang tranh thủ làm gia công lồng đèn cho các chủ vựa. "Tụi mình là sinh viên năm nhất vào đây học, sẵn dịp Trung thu nên lãnh khung lồng đèn về dán giấy kiếng. Mỗi ngày 5, 6 đứa tập trung làm cũng đủ tiền chợ, lại biết thêm một nghề mới, cũng hay!", Lê Thị Mỹ Thi, đang học Trường CĐ Công nghiệp thực phẩm cho biết. Theo hướng dẫn của Thi, chúng tôi đến nhà Sơn Lâm, một trong số ít những người trẻ còn bám trụ với nghề làm lồng đèn trong xóm. "Do bị đèn nhựa Trung Quốc "đè" dữ quá nên hiện tại, xóm lồng đèn Phú Bình chỉ lác đác gần chục nhà còn bám nghề làm lồng đèn truyền thống thôi", Lâm bộc bạch. Lâm đã có thâm niên gần 20 năm trong nghề, năm nào cũng vậy, để có đủ số lượng hàng bán, vừa mới tháng 2 âm lịch là cả nhà Lâm phải bắt tay vào làm dần cho tới Tết Trung thu. Theo Lâm, trước đây mỗi nhà làm đến mười mấy ngàn cái lồng đèn nhưng mùa này chỉ làm khoảng năm đến bảy ngàn cái. Nhiều lần anh chàng đã thử mày mò, lùng khắp nơi để "sưu tập" các vật liệu khác thay cho giấy kiếng nhằm hạ giá thành để cạnh tranh được với hàng Trung Quốc nhưng cuối cùng vẫn không ổn. "Biết là khó khăn nhưng mình phải cố bám trụ được ngày nào hay ngày đó, rồi còn phải chịu khó sáng tạo ra những mẫu mới để hút khách, thị trường cần mẫu nào phải làm được mẫu đó, không thì thua chắc!", Lâm vừa loay hoay thiết kế một mẫu đèn mới trên sàn nhà vừa nói.

V.A

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.