Hòa giải khó hơn hòa bình

13/11/2008 00:46 GMT+7

Những nghi lễ kỷ niệm 90 năm ngày kết thúc Thế chiến 1 đã được nước Pháp tổ chức trọng thể tại Verdun – một trong những chiến trường đẫm máu nhất thời ấy và sau trở thành nghĩa trang lớn nhất của cả quân đội Pháp lẫn quân đội Đức.

Hai mươi năm trước, Tổng thống Pháp và Thủ tướng Đức thời đó đã cùng tới đây tưởng niệm, đồng thời để chính thức hóa sự hòa giải giữa Pháp và Đức. Năm nay, Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy còn muốn nâng tầm nghi lễ kỷ niệm này thành chính thức hoàn tất sự hòa giải trên toàn châu lục.

Như vậy thôi cũng đã đủ để cho thấy việc hòa giải khó khăn như thế nào. Đúng là phải có hòa bình trước thì mới có thể hòa giải, nhưng xem ra hòa giải còn khó khăn và nhạy cảm hơn cả hòa bình. Và như vậy cũng mới thấy châu u đã thành công như thế nào trong quá trình hòa giải.

Sự phát triển của EU nói chung và của các thành viên EU nói riêng gắn liền với những chuyển đổi trong suy nghĩ về hòa giải và tác động của tiến trình hòa giải các mối bất hòa và thù hận gốc rễ từ lịch sử châu lục. Ông Sarkozy muốn tạo dấu mốc hoàn tất quá trình ấy, bởi sự hòa giải giữa Pháp và Đức biểu trưng cho sự hòa giải chung trên cả châu lục, nhưng đồng thời trên châu lục hiện tại không còn bị chia thành hai vùng đông và tây lại đang có nguy cơ nảy sinh những hiềm khích mới và hòa bình - chưa nói đến hợp tác, liên kết hay phát triển - chỉ có thể lâu bền nếu như có được triển vọng về hòa giải, chẳng hạn như trên bán đảo Balkan trong mối quan hệ của EU với Nga hay với Serbia và Kosovo…

Châu u đã tiến được xa trên con đường hòa giải, nhưng không có nghĩa là đã giải quyết được suôn sẻ mọi khía cạnh liên quan đến hòa giải, đặc biệt về nội bộ. Ông Sarkozy tạo dấu mốc mới trên con đường này cho cả châu u, nhưng cũng đâu đã sẵn sàng đi xa hơn trong việc phục hồi danh dự cho những binh lính Pháp từ chối tham gia chiến tranh. Thật khó nói hòa giải đến khi nào mới thật xong.

Thảo Nguyên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.