Máu hiếm: cho đi và nhận về - Kỳ cuối: Nhật ký về “thiên thần không tên”

18/10/2009 11:45 GMT+7

Nguyễn Ngọc Thắng (quê ở Bắc Giang) là một trong những “cư dân thường trú” tại Viện Huyết học truyền máu trung ương (Hà Nội), đã gần ba năm chiến đấu với căn bệnh ung thư máu.

Thắng năm nay tròn 20 tuổi, đã trải qua sáu đợt điều trị hóa chất vô cùng cam go tại Viện Huyết học khi mắc bệnh nan y lại có nhóm máu hiếm (AB-). Đã nhiều lần thập tử nhất sinh, cậu sinh viên trẻ của Trường cao đẳng Bách khoa Hà Nội luôn nhắc tới những người đã hiến tặng máu cho mình vào lúc nguy cấp nhất bằng tình cảm đặc biệt. Nhưng cho đến bây giờ Thắng vẫn không hề biết họ là ai. Với Thắng, đó là những thiên thần không tên.

1 Vậy là mình lại tiếp tục có hi vọng sau một trận “quần thảo” với đợt điều trị thứ ba. Nào là hồng cầu, tiểu cầu máy... cùng một lúc thiếu trầm trọng khiến mình bị xuất huyết liên tục. Lần nào cũng vậy, mình cứ phập phồng nhìn mẹ khóc sưng cả mắt vì lo lắng. Mẹ chạy đôn chạy đáo nhờ các bác sĩ đăng tin tìm người có nhóm máu hiếm trên mạng, cầu cứu các anh chị tình nguyện viên ở Hội Chữ thập đỏ thành phố, thậm chí tìm người bán máu chuyên nghiệp... rồi thất vọng và lại giấu mình khóc.

Tối nay, sau đợt điều trị hóa chất mình lại sốt. Gần 40 độ, người nóng ran, ho lụ sụ, mặt mũi tái nhợt, thở dốc từng cơn trong đêm, máu không cầm được, chảy ra từ mũi, khóe mắt thật khó chịu... Mình cảm tưởng mọi thứ đang trở nên chới với, chới với rồi mê mệt ngủ mất.

Nửa đêm, mình thức dậy bởi những tiếng nói chuyện lao xao trong khoa. Hình như có tiếng bác sĩ điều trị mình đang nói chuyện với mẹ. Rồi sáng hôm sau, mình được truyền ngay một đơn vị máu. Lúc đó đã quá trưa, mình tỉnh lại, mới nghe mẹ kể rằng tối qua các bác sĩ đã tìm được một đơn vị máu hiếm do một người tình nguyện hiến tặng sau khi đọc thông tin cầu cứu về mình trên mạng. Mẹ rất muốn gặp họ để nói một lời cảm ơn, nhưng chỉ biết họ tới cho máu rồi vội vã đi ngay.

Chỉ còn vài ngày nữa là được xuất viện để đi học rồi. Nhớ lớp, nhớ nhóm tình nguyện của mình quá! Mấy lần ngất lên ngất xuống vì mệt, mình cứ mơ thấy những bóng áo trắng lởn vởn quanh giường, sợ nhưng mệt nên chỉ ú ớ không tài nào tỉnh dậy. Nhưng trong giấc mơ, may quá, mình thấy nhóm bạn ngày trước cùng làm trong hội chữ thập đỏ ở trường cười nói rộn rã. Những bóng áo đỏ cứ rõ dần, rõ dần cùng bao khuôn mặt thân thương của bạn bè đã xua tan những bóng áo trắng ma quái quanh mình. Tỉnh dậy được, thấy nhớ bạn bè hơn.

Mình đã quá quen với không gian trong khoa C8 này. Vậy mà giờ trở lại thấy mọi thứ vừa quen vừa lạ. Những vách ngăn giữa các giường bệnh đã được dỡ ra. Khoa thoáng mát hơn, mọi người gần nhau hơn trong từng bữa ăn, giấc ngủ. Tóc mình đang rụng dần sau đợt điều trị hóa chất lần này. Bây giờ thì đã trọc lóc.

Số tới, mời bạn cùng phóng viên Tuổi Trẻ làm

Nghề bảo mẫu

Phóng viên Tuổi Trẻ đã đi xin việc tại các lớp trẻ mầm non tư thục để được làm bảo mẫu.

Một câu chuyện ít biết khuất sau những cánh cửa trường mầm non và nhóm trẻ gia đình được ghi lại, và nay kể với bạn đọc.

Một “nghề hành xác” của những phụ nữ trẻ đảm đương vai trò của người mẹ ở các lớp học chứ không chỉ có chuyện đánh đập trẻ xảy ra đây đó thời gian qua.

Tối qua đang ngủ bỗng giật mình tỉnh dậy vì tiếng khóc rất gần. Một người bạn nữa đã không cầm cự được với căn bệnh quái ác này. Mình vùi đầu vào gối khóc để mẹ không biết. Trong mắt mẹ, mình vẫn là thằng bé lém lỉnh, nghịch ngợm và luôn lạc quan. Chỉ mong mãi được như vậy.

Đang là cuối hè, bạn bè chắc cũng sửa soạn về lại trường học. Tiếc ơi là tiếc vì đã đăng ký đi cùng Hội Thanh niên tình nguyện vận động hiến máu nhân đạo trường mình rồi lại ốm! Hôm nay có mấy đứa bạn vào thăm, đó là mấy đứa rất thân mới biết mình bị ốm nên vào thăm. Nghe bọn bạn kể chuyện đi vận động hiến máu nhân đạo ở mấy khu công nghiệp mà thèm quá. Thèm lại được như một người bình thường, thèm được tiếp tục làm những việc còn dang dở.

Công việc của hội từ thiện bọn mình đã giúp mình gặp gỡ được nhiều người thật tốt bụng. Họ sẵn sàng nghỉ một ngày làm việc để đi hiến máu nhân đạo, có người cho một lúc hai đơn vị máu mà vẫn cười nói vui vẻ với bọn mình. Mình có tật gặp ai cũng cứ hỏi “Nhóm máu gì?”. Biết đâu nói chuyện lại gặp được người đã từng hiến máu cho mình khi đang ở Viện.

3 Trở lại bệnh viện lần này là lần thứ sáu. Đợt điều trị này cam go hơn vì đây là đợt tái phát nặng sau hơn một năm được đi khám định kỳ. Một lần nữa, cuộc đời lại dành cho mình thử thách quá lớn: lần đi khám định kỳ cuối tháng 8 vừa rồi, lại tăng 30% trong tủy.

Cảm giác lúc đó của mình là vô cùng thất vọng. Mình liên tục hỏi các bác sĩ xem có phương pháp điều trị nào ngoài truyền hóa chất không, nhưng câu trả lời chỉ là những cái lắc đầu. Mình đã chán vô cùng, bỏ điều trị một tuần để về nhà lấy lại tinh thần trước đợt điều trị này. Bao nhiêu nỗi lo toan ập đến. Thương bố mẹ quá, thương cả cậu em trai nhỏ vì mình mà phải chịu bao nhiêu thiệt thòi.

Đồng lương của một công nhân cơ khí của bố và sạp hàng tạp hóa của mẹ lại phải gồng lên gắng gỏi lo cho mình. Thằng em sắp bước sang lớp 6 nhưng đã biết lo toan việc nhà giúp mẹ trong những ngày bố đi làm, mẹ phải theo mình vào viện. Thấy như có lỗi mỗi khi mẹ lại cuống lên khi mình bị thiếu máu mà không tìm được loại máu tương thích để truyền.

Hôm nay là ngày thứ 20 ở viện. Lẽ ra mình đã có thể ra viện nếu không bị sốt xuất huyết. Nỗi ám ảnh về lần truyền hóa chất thứ ba của đợt điều trị đầu tiên lại ùa về khiến mình thật sự hoảng sợ. Mình đã bị xuất huyết do thiếu tiểu cầu. Máu chảy ra ở cả mắt và mũi, nếu không có máu và tiểu cầu để truyền thì coi như mọi thứ đều dừng lại.

Nguy nhất là lúc đó đang vào hè nên lượng máu luôn không đủ để cung cấp cho bệnh nhân, nhất là với người có nhóm máu hiếm. Mình chỉ sợ may mắn lại không đến lần nữa nếu không tìm được nguồn máu để truyền.

Thông báo của bác sĩ điều trị cho mình sáng nay khiến mẹ như thoát ra khỏi một gánh lo sợ: đã có nguồn máu tương thích cho mình truyền tiểu cầu máy! Vẫn là những người lạ mặt mà quen biết đã nuôi thêm hi vọng cho mình mỗi ngày. Mình biết rằng không chỉ bản thân mà còn hàng triệu bệnh nhân đang mắc các bệnh về máu cần đến họ từng ngày để duy trì sự sống.

Thắng đã bước sang đợt điều trị thứ sáu. Bạn trẻ này chia sẻ sau khi ra viện sẽ thi tiếp vào trường du lịch để tiếp tục ước mơ. Sắp tới, các bác sĩ sẽ tìm tủy tương thích để ghép tủy cho Thắng. Như nhiều bệnh nhân ung thư máu khác, cuộc chiến với căn bệnh nan y của người bạn trẻ có nhóm máu hiếm này vẫn luôn phải trông chờ vào những “người lạ mặt quen biết” trong suốt hành trình đầy cam go phía trước.

Theo LÊ VN/Tuổi Trẻ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.