Những người đạp xe chở bao “xác rắn”

29/09/2005 10:36 GMT+7

Bốn giờ sáng, hàng trăm người chạy bộ theo đường Nguyễn Văn Trỗi ra công viên Hoàng Văn Thụ và sân vận động Quân khu 7 tập thể dục. Ngược chiều với dòng người này là một dòng đời khác: Hàng chục người, 90% là phụ nữ, mặt mày hốc hác, đội nón lá, quần đen áo sậm màu, đạp xe đạp cà tàng chở theo những bao xác rắn (bao tải bằng sợi polieste, còn gọi bao dứa) hối hả chạy về trung tâm thành phố. Họ là ai?

Chân dung chị đồng nát

Đó là những người đi mua ve chai (miền Bắc gọi là đồng nát). Từ năm 2002 đến nay, khu vực Trung tâm Sài Gòn xuất hiện những người đàn bà đạp xe với bao xác rắn, thoắt ẩn thoắt hiện, khi chỉ có những bao rỗng không, khi thì chất chồng ngồn ngộn năm sáu bao căng phình, đạp gò lưng tôm, tiến đến các vựa thu gom phế liệu. Tiếp chuyện với họ không dễ, vì ai cũng vội vàng, hơi đâu mà trò chuyện lôi thôi rách việc. Thế nhưng, khi có vài món đồ cần cho đi hoặc bán rẻ thì ôi chao, tha hồ gợi chuyện.

"Mỗi ngày chị kiếm được bao nhiêu?". "Đỏ thì hai chuyến nặng oằn lưng, bẩy chục nghìn. Đen thì một chuyến cũng không xong, nhẹ tênh, chỉ vài nghìn, không đủ ăn cơm với nước mắm!", một chị buôn đồng nát cho biết.

Chị Nguyễn Thị Phấn, chưa tới tứ tuần mà trông như đã như năm mươi, quê Thanh Hóa, có hai con. Con trai đầu đang học đại học năm thứ hai công nghệ thông tin ở Hà Nội. Con gái út đang học lớp 10. Gia đình chị cũng như gia đình chồng chị có nòi hiếu học. Hiềm nỗi hai vợ chồng làm nghề thợ xây, thu nhập thấp quá, không thể chu cấp cho con học ở Hà Nội. Thế là họ bàn với nhau: xin nghỉ việc để nhận một cục (tiền nghỉ chế độ) rồi gửi con gái cho bà ngoại.

Theo chỉ dẫn của người hàng xóm - người này vô Sài Gòn trước đó vài tháng, viết thư về - họ Nam tiến, gia nhập đội quân thu gom ve chai. Hai vợ chồng thuê một căn phòng tại Xóm Mới Gò Vấp. Tiền ăn, tiền nhà trọ, tiền sửa xe đạp, mỗi tháng một triệu đồng.

Tiền kiếm được của hai người bình quân 3 triệu, nếu không đau yếu gì thì để dành được 2 triệu cho hai con ăn học. Nhìn bộ quần áo đã sờn rách, đẫm mồ hôi của chị Phấn, nhìn mái tóc xác xơ bết bụi quyện mồ hôi, tôi muốn nói lời khích lệ… thì chị cười rất tươi, phô ra hàm răng đã sún gần hết, giọng hể hả: "Vất vả lắm, nhiều lúc bị người ta mắng nhiếc, nhục lắm! Kệ! Tiếng là tha phương cầu thực thật đấy nhưng vui lắm bác ạ! Vợ chồng em bảo nhau: Có vất vả nữa cũng vui. Em hỏi bác, chứ còn gì vui bằng các con mình được ăn học thành người, thành tài, bằng anh bằng em, ngẩng đầu cùng thiên hạ?".

"Thế mỗi tháng cho thằng lớn được bao nhiêu?"; "Nhà em vừa mua cho cháu cái máy vi tính! Nó học giỏi bác ạ! Chúng em không để cháu thiếu thốn phương tiện học tập. May phúc, con trai em ngoan lắm, lại tiết kiệm nữa. Nó biết đồng tiền bố mẹ kiếm được không dễ dàng gì".

"Còn con út?". "Từ năm lớp một tới giờ toàn nhất lớp, làm trưởng lớp cơ đấy! Cháu mới viết thư vào cho nhà em đây này, nó khoe năm học mới này lại được bầu làm trưởng lớp 11A1!".

Chị Phấn oằn lưng đạp chiếc xe cà tàng trên đó cả sáu chiếc bao xác rắn đã căng phồng. Chị khoe rằng ngày hôm nay chị được ba chuyến, bội thu! Chồng chị cũng oặt xà lai hai chuyến rồi! Cầm chắc một trăm năm chục ngàn đồng ngày hôm nay. Chị bảo, tối nay hai vợ chồng sẽ thưởng cho nhau một bữa cơm có ốc nấu chuối với nhiều rau tía tô cho giải cảm, chống nhức mỏi, đau lưng. Và, chị sẽ mua cho chồng một cút (xị) rượu nữa!

Hành nghề cũ theo cách mới

Khu vực có đông người ở trọ hành nghề đạp xe chở bao xác rắn nhất là Gò Vấp. Một số ít hơn trọ ở Hóc Môn, Bình Thạnh, Tân Bình, Bình Chánh. Lý do cũng đơn giản, đó là nơi dễ thuê nhà, khoảng cách đến khu trung tâm ngắn, và có đầu nậu tiêu thụ những thứ thu gom được. Phần lớn những người tha phương đi mua ve chai xuất phát từ Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Trị, Quảng Nam, Quảng Ngãi.

Đông nhất là Thanh Hóa và Quảng Ngãi. Không có một con số chính thức nào về những người này. “Có trời mà biết! - Một cán bộ ở Ủy ban Nhân dân quận Gò Vấp nói - Nhưng đa số bà con là những người lao động lương thiện, rất nhiều người có nhà cửa đàng hoàng ở quê, họ vô đây chỉ vì cần tiền nuôi con ăn học hoặc nuôi chồng, nuôi cha mẹ bệnh nặng…”.

Chị Lê Thị Ngà, quê Ninh Bình, có ba con còn nhỏ. Cách nay hai năm, chồng chị đột ngột ngã bệnh nặng nên phải đưa vô Sài Gòn chữa trị. Ở quê, làm cả tháng không kiếm được trăm ngàn. Còn ở đây? Chị Ngà nói: “Nếu siêng năng và may mắn, em lo đủ tiền cho chồng chữa bệnh, mỗi tháng còn dành dụm được một triệu”.

Xã hội hiện có nhiều tệ nạn cũ cũng như mới làm nhức nhối lương tâm cộng đồng, ô uế văn minh đô thị. Nào là băng nhóm giựt dọc, trộm cướp, ma túy, mãi dâm, băng nhóm bắt trẻ nít đi ăn xin, giả dạng cùi hủi để đi ăn xin, giả danh thợ hồ, giả danh bán hàng rong để lừa đảo… Trong bức tranh lẫn lộn nhiều mảng màu tối sáng ấy, hình ảnh những người đàn bà đạp xe với bao xác rắn nổi hẳn lên như là một thực thể mà với họ, xã hội cần trân trọng, thương yêu và giúp đỡ chứ không thể khinh rẻ.

Tôi hỏi chuyện cô con gái một gia đình thu gom phế liệu trên đường Nguyễn Đình Chính. Cô bảo: "Mấy bả dễ thương và siêng dễ sợ. Hàng của mấy bả đưa về hầu như không phải lựa chi cả, vì họ tự phân loại ngay từ khi nhập vô bao. Chưa bao giờ con thấy người nào nói năng tục tằn, diện mạo dữ dằn hay là cãi cự...".

Tuy nhiên, những người làm nghề ve chai này cũng gặp không ít hiểm họa. Hiểm họa thứ nhất là bệnh tật. Nơi cư ngụ của những người đạp xe chở bao xác rắn rất tạm bợ, không đủ tiêu chuẩn tối thiểu về vệ sinh, dưỡng khí… Ăn uống thì thất thường. Vì tiết kiệm nên không bao giờ họ đủ chất dinh dưỡng.

Nghề rác bắt buộc phải bán lưng cho trời bán mặt cho rác, hàng tỷ vi trùng sẵn sàng tràn ngập cơ thể. Thế nhưng, theo bà Trần Thị Loa, 50 tuổi, quê Ninh Bình thì bệnh tật bà không sợ, chỉ sợ mấy ông bảo vệ ở những cao ốc văn phòng, những khách sạn sang trọng.

Bà bảo: "Hễ thấy bóng dáng đám ve chai là họ rượt thẳng cánh, tay cầm dùi cui, tay cầm cái máy alô, miệng quát tháo, cứ như chúng tôi là con hủi, con siđa vậy!". Ngoài những chuyện trên, họ còn đối mặt với sự cạnh tranh quyết liệt của chủ xe rác tư nhân và xe rác Công ty Môi trường Đô thị, những người thu gom phế liệu bằng xe ba gác…

Trên thực tế, có rất nhiều chuyện buồn do những người ngụ cư gây ra. Nhưng rất ít vụ việc do những người chở bao xác rắn phạm phải. Chị Hoàng Thị Thơm quê ở Triệu Sơn Thanh Hóa nói: "Chúng em từ Bắc vào Sài Gòn kiếm ăn, nhưng cái gốc không phải ăn mày, càng không là lưu manh! Đói cho sạch, rách cho thơm. Cha mẹ em dạy thế. Chúng em chỉ mong được yên ổn làm ăn, có tiền nuôi con ăn học thành người. Ở quê, nhà nào cũng hiếu học, nhưng đa phần không có tiền cho con học lên cấp ba!…".

Có nhiều người từ Bắc, Trung vô Sài Gòn mua ve chai, gặp vận may, trở thành đại gia. Nhưng phần lớn là nghèo, rất nghèo! Gần hai năm nay, tôi vẫn rưng rưng trong lòng khi nhìn những người đàn bà đạp xe chở lặc lè những bao xác rắn vào những thời khắc 9h sáng, 12h trưa, 3h chiều và 7h tối, khi mà cả thành phố đang “ngựa xe như nước”, nườm nượp giai nhân, tài tử đua chen; khi mà trong các nhà hàng, quán nhậu, người ta xài tiền như nước sông Đà... Một sự tương phản làm nhói lòng không nguôi!

Theo Triệu Xuân
(Sài Gòn Giải Phóng)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.