Đôi vợ chồng Việt kiều tâm huyết với quê hương

20/10/2005 15:27 GMT+7

Đó là anh Lê Văn Nhẫn và chị Nguyễn Thị Mỹ Hạnh ở Bockhum (CHLB Đức), đôi vợ chồng Việt kiều này đã có rất nhiều hoạt động từ thiện bằng những ý tưởng và hành động nhân văn.

Anh sinh ra và lớn lên ở Bến Tre quê hương đồng khởi, quê chị ở “nhất Đồng Nai, nhì hai huyện”. Anh, chị gặp nhau ở miền Tây nước Đức, rồi nên vợ chồng hạnh phúc, ý hợp tâm đầu.

Thời sinh viên, đất nước còn chiến tranh chia cắt, anh chị là những sinh viên nòng cốt tích cực trong phong trào học sinh, sinh viên đấu tranh cho hòa bình, thống nhất nước nhà. Năm 1975, đất nước thống nhất, niềm vui tràn ngập đến với anh chị và nhiều sinh viên du học. Khao khát hòa bình, thống nhất đã được thực hiện, anh chị về thăm quê hương.

Quê hương, qua bao nhiêu năm bị chiến tranh tàn phá, nhìn thấy cảnh các em nhỏ đi học không đủ chỗ ngồi, các em phải học 3 ca, lòng anh chị ray rứt. Anh chị bàn nhau phải làm điều gì đó cho quê hương. Thế rồi, anh, chị trở lại nơi định cư vận động chị em Việt kiều cùng tâm huyết, thành lập Hội Phụ nữ Đức Việt (VI-FI).

Anh chị muốn thông qua Hội để giao lưu với chị em Việt kiều với phụ nữ Đức làm cho phụ nữ hai dân tộc hiểu biết nhau, giúp đỡ nhau và có dịp để giới thiệu về Việt Nam đất nước và con người. Hội vận động chị em và những tấm lòng từ thiện của cộng đồng hai dân tộc tài trợ cho những cảnh đời, quê hương nghèo khó.

Từ ngày thành lập hội đến nay, anh chị cùng Hội Phụ nữ Việt - Đức (Bockhum, CHLB Đức) đã vận động được hàng trăm ngàn euro, USD gửi về tài trợ xây dựng trường học, lớp mẫu giáo, phòng thư viện ở Bến Tre, TP Hồ Chi Minh, Thừa Thiên - Huế, Hà Nội.

Anh chị đã sưu tầm sách hay, truyện thiếu niên của Đức để dịch và tài trợ cho nhà xuất bản Kim Đồng in để tặng thiếu niên nhi đồng miền núi và vùng khó khăn. Nhân dịp kỷ niệm 60 năm quốc khánh 2/9 năm nay, một trường trung học cơ sở ở tỉnh Tiền Giang do anh chị vận động tài trợ đã được khánh thành.

Năm nào anh chị cũng về quê hương, nhưng không phải chỉ để thăm thân nhân, du lịch mà với chương trình làm việc cật lực: Hội thảo chuyển giao công nghệ, tìm hiểu thực tế từng địa phương để vận động tài trợ, xây dựng trường học, thư viện, xây nhà tình nghĩa… Có thể nói, mỗi lần về là mỗi lần anh chị mang niềm vui đến cho một địa chỉ nghèo khó.

Gặp anh chị ở Đức năm 1999, anh, chị tâm sự: “Vận động tài trợ cho quê hương là việc làm cần thiết trước mắt, nhưng chúng tôi nghĩ phải làm cái gì có ý nghĩa lâu dài góp phần phát triển tài năng của đất nước, của dân tộc”. Bây giờ ý tưởng hoài niệm của anh, chị đã thành hiện thực. 5 năm vừa qua, anh chị đã đứng ra tổ chức đỡ đầu cho hàng trăm sinh viên Việt Nam sang học các trường có tiếng ở Đức.

Anh chị tâm sự: Nước Đức là trung tâm của EU, có nền công nghiệp phát triển, có nhiều nhân tài nổi tiếng thế giới cho nên tạo điều kiện giúp đỡ cho các em sinh viên Việt Nam sang học là rất cần cho việc đào tạo nhân tài xây dựng đất nước.

Với ý niệm như vậy, anh chị hết lòng chăm sóc các em, từ sinh hoạt đến việc học tập. Anh chị làm khoa học, thời gian rỗi không nhiều nhưng lúc nào có thời gian là anh chị đến với các em sinh viên. Các em sinh viên sang học coi anh chị như bố mẹ. Anh chị giúp định hướng cho các em học tập tốt, thật sự trở thành tài năng của đất nước.

Theo Tiền Phong

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.