Edgar Mueller: Người làm thiên hạ đứng tim

07/11/2009 17:11 GMT+7

Nghệ thuật hội họa 3D đường phố thật sống động của Edgar Mueller đã khiến khách bộ hành đứng tim vì sợ rồi chuyển sang phấn khích vì thú vị

Hãy dè chừng với những cảm xúc trái chiều khi giữa đường bắt gặp các tác phẩm kinh hoàng của Edgar Mueller. Nỗi sợ bất ngờ đột ngột chuyển thành ngỡ ngàng thú vị sẽ không dành cho người yếu tim. Một hẻm vực khổng lồ sâu hút hình thành giữa phố. Ðầu cá mập kinh hoàng nhô lên ngay bên vệ đường. Dung nham núi lửa phun trào tại trung tâm đại lộ tạo nên cảnh tận thế. Toàn con đường ngập lụt với những vết nứt sâu hoắm tựa cảnh địa ngục. Tất cả toàn là màu sắc của hình vẽ trên mặt phẳng, nhưng với góc nhìn riêng tạo không gian ba chiều ấn tượng, nghệ sĩ Edgar Mueller và ê-kíp đã mang vô vàn cảm xúc đến cho khách bộ hành.

Làn gió lạ của hội họa đường phố

Mỗi sáng Edgar Mueller từ căn nhà yên tĩnh bước ra đường, ông cứ thầm tưởng tượng, cuộc sống sẽ ra sao khi chẳng ai dám đặt chân ra ngoài vì phía trước toàn vực thẳm. Nỗi ám ảnh ấy nảy mầm, lớn nhanh thành các ý tưởng giúp cây cọ màu của Mueller tạo ra một thế giới đầy những nguy hiểm khủng khiếp trên các con đuờng quen thuộc. Chúng gây sợ hãi cho khách bộ hành qua ảo giác, rồi làm cho người ta sung sướng thở phào khi biết tất cả không có thật.

Ðam mê với những hình tượng ấy nên Mueller không biết bao nhiêu lần bỏ ra 15 giờ mỗi ngày, miệt mài từ 3 giờ sáng để thực hiện từng bức tranh ba chiều trên nền đường rộng hàng trăm mét vuông. Các liên tưởng khi Mueller lang thang du lịch đây đó lần lượt xuất hiện làm tiền đề cho những ý tưởng hình thành vực thẳm, núi lửa phun trào, hang động. Một cơn địa chấn có thể tạo ra một vết nứt sâu hoắm đầy hang động ở giữa phố xá London cách đây hàng chục triệu năm lắm chứ! Cũng từ những biến động khủng khiếp của thiên nhiên, có thể ngay trên một đoạn xa lộ tấp nập xe cộ nào đó tại Ðức, Canada hay Ireland… xưa kia đã từng là hố băng hun hút, thác nước cao vời vợi hay một con sông sâu chảy xiết. Tưởng tượng đã biến thành ảnh 3 chiều qua kỹ thuật đồ họa từ cây cọ tài hoa của Edgar Mueller và ê-kíp cùng đam mê phong thái nghệ thuật đường phố mới lạ và thú vị này.

Cứ mỗi dịp kỷ niệm ngày ra đời của một thành phố nào đó, một tác phẩm hoành tráng của nhóm Edgar Mueller lại xuất hiện. Các vết nứt tạo vực thẳm khổng lồ tại Geldern, Ðức hay Dun Laoghaire, Ireland là thành quả của cả nghệ sĩ lẫn khách bộ hành. Từ sáng sớm, người ta đã thấy nhóm 5-6 người lỉnh kỉnh đồ nghề loay hoay quanh một đoạn phố vắng xe cộ nhất.

Họ đo đạc, ngắm nghía, vẽ vẽ rồi sơn sơn phết phết màu acrylic lên mặt đường. Mueller thỉnh thoảng chạy tới chạy lui ngắm ống kính, màn hình monitor lưu sẵn tổng thể bức tranh 3D dự kiến để canh chỉnh các đường nét đang hình thành dần dần phía trước mặt. Khách đi đường thích thú và kiên nhẫn xem thứ gì sẽ hiển hiện. Cứ thế, kéo dài cả chục ngày, hố sâu của vết nứt kinh hoàng dần ra đời. Cảm giác rùng rợn cũng bắt đầu gợn lên khi con mắt mỗi người nhìn đúng góc hình. Ảo giác xâm chiếm hoàn toàn hiện trường khi Mueller thở phào kết thúc những vệt sơn cuối cùng. Anh đã thở phào mỗi cuối ngày như thế khi thấy trời thương không mưa, sơn đã kịp khô từng đoạn. Anh còn thuyết phục khách bộ hành giúp hoàn tất trọn vẹn bức tranh bằng cách tham gia vào không gian sắc màu ảo-thật ấy. Họ giả vờ đi, ngã, trượt xuống "hố thẳm”. Cảm giác khủng khiếp khi nhìn ngắm và niềm thích thú khi giỡn cợt trên vực ảo chính là nỗi phấn khích lớn nhất mỗi tác phẩm tranh đường phố của Edgar Mueller mang lại.    

Thầy phù thủy của ảo giác

Cuộc sống sẽ ra sao nếu chẳng ai dám đặt chân ra ngoài vì phía trước toàn vực thẳm

Cậu bé Edgar Mueller mê hội họa từ bé. Cảnh đồng quê ngôi làng Straelen miền Tây nước Ðức đã xuất hiện trên tranh của cậu rất sớm. Năm 1984, ngày 10 tháng bảy, sinh nhật thứ 16 của mình, Mueller bắt đầu tham gia cuộc thi hội họa đường phố quốc tế hằng năm. 19 tuổi anh đoạt giải khi vẽ lại danh tác "Jesus at Emmaus " của Caravaggio trên đoạn phố Geldern. Từ liên hoan nghệ thuật Grazie năm 1998 ở Ý, Edgar Mueller bắt đầu khoác danh hiệu họa sĩ bậc thầy của nghệ thuật hội họa đường phố, một danh vị chỉ vài nghệ sĩ đạt được trên thế giới.

Ở tuổi 25, Mueller toàn tâm toàn ý cống hiến cho nghệ thuật sáng tác đặc biệt này. Anh đi khắp châu u kiếm sống bằng các bức tranh trên đường, trên tường, lập xưởng vẽ ở nhiều học viện, tham gia làm thành viên trong các hội đồng tổ chức liên hoan hội họa đường phố. Dù không hiếm họa sĩ theo trường phái này, nhưng ở Mueller, nét mới từ ý tưởng đột phá độc đáo luôn hiển hiện, kích thích người xem.

Từ khi được các tác phẩm 3D tạo ảo giác của Kurt Wenner và Julian Beever gợi hứng, anh đào sâu và khai thác sáng tạo theo phong cách riêng của mình. Không gian tranh nền được trải ra các khoảng rộng rãi phố xá, nơi khách bộ hành qua lại mỗi ngày. Người xem trở thành một phần của tác phẩm. Xoáy vào nỗi sợ cố hữu của con người trước thiên nhiên, loạt tranh mới của Mueller như Crevasse, Lava Burst, Ice Age, Riverstreet, Great Cave hay Waterfall… lần lượt ra đời. Ngồi trong phòng chiếu, đeo lên bộ kính đặc biệt, khán giả vẫn có thể hòa mình vào không gian ba chiều rùng rợn của các thước phim nổi.

Thế nhưng, khi ngập ngừng đặt chân lên rìa hẻm sâu không đáy hình thành sau cơn động đất, lò dò vượt qua tàn tích của một thành phố chìm trong dòng chảy dung nham núi lửa, đứng hồi hộp trên chỏm băng nứt sắp đổ ập xuống vực…. tất cả trải nghiệm thực-ảo ấy ngay trên đường phố, ngay trong tác phẩm tranh vẽ của Edgar Mueller, lại khiến adrenaline cuộn chảy mạnh trong mỗi người hơn ở  không gian phòng chiếu. Những nỗi sợ không thật ấy như nằm trong giấc mơ kinh hoàng. Và một khi vã mồ hôi tỉnh giấc sau cơn ác mộng, người ta hẳn thấy đời đáng sống hơn!

Trung Nghị (Theo Science et vie) 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.