Những ngôi sao không có bầu trời

20/02/2004 23:39 GMT+7

Không một lĩnh vực nghệ thuật nào có thể phát triển nếu thiếu những nghệ sĩ xuất sắc - những người được tôn vinh là "ngôi sao". Lĩnh vực sân khấu cũng vậy. Tuy nhiên điều đáng nói là sân khấu của chúng ta đang không thiếu ngôi sao, mà ngược lại, những ngôi sao sân khấu đang thiếu... bầu trời.

Suy cho cùng, ngôi sao sân khấu từ đâu mà ra? Từ vở diễn. Nói một cách chi tiết, thì từ Cô gái đội mũ nồi xám người ta thấy Minh Trang, từ Đêm họa mi người ta nhớ Thành Lộc, từ Điều thiêng liêng nhất thấy Văn Thành, Cái tráp vàng thấy Hữu Châu, rồi từ Lôi vũ thấy Hồng Vân, Chuyện bây giờ mới kể thấy Thành Hội, từ Romeo và Juliette nổi lên Lê Khanh...

Thực ra điều này không phải mới mẻ gì, trên thế giới cũng vậy, nói tới diễn viên nổi tiếng người ta lập tức nghĩ đến tác phẩm đã khiến họ trở thành bất tử. Có hàng ngàn tác phẩm đã làm nên tên tuổi của nghệ sĩ và ngược lại. Xét một cách sòng phẳng, vở diễn làm nên ngôi sao thì ngôi sao cũng đóng góp cho vở diễn thành công. Nếu ví vở diễn là nhà thì các ngôi sao là cột lấp lánh. Tuy nhiên, cột có thể rất to, rất đẹp, nhưng đầu tiên công chúng muốn được cảm thụ vẻ đẹp, vẻ lộng lẫy của toàn bộ căn nhà cái đã.

Nói tất cả những điều trên, để thử nhìn lại sân khấu TP Hồ Chí Minh một vài năm qua. Sân khấu vẫn còn đó, ngôi sao vẫn còn đó, vẫn đầy tài năng, đầy cố gắng. Nhưng vở diễn thì không! Mới chỉ cách đây năm, bảy năm thôi, sân khấu nào, đạo diễn nào đang dựng vở nào, ai đóng vai nào, ai thay thế ai... còn là đầu đề bàn tán của báo chí và đông đảo người xem. Nay thì khác. Các vở mới liên tục ra đời và cũng không thể nói là chúng vắng khách, nhưng dư luận không còn quan tâm như trước nữa.

Vì sao lại có tình trạng đó? Vì trong các vở mới ấy yếu tố then chốt nhất là kịch bản và vấn đề mà nó đặt ra đã trở nên dễ dãi. Kịch bản chỉ còn là cái cớ, mà phần lớn là những cái cớ rất bình thường và... nhạt, để cho các diễn viên trình diễn và các ngôi sao... tung hoành. Các ngôi sao chiếm hết thời lượng của vở diễn, đóng hết mọi vai chính, biểu diễn liên tiếp các miếng, các sở trường về ngôn ngữ và hình thể. Phải công nhận là họ tài năng, họ giỏi ứng biến và làm chủ sân khấu "dễ như trở bàn tay". Nhưng chỉ thế thôi. Công chúng khâm phục họ như xưa nay vẫn khâm phục, song ra về với một nỗi buồn man mác: "Giá như...". Giá như các tài năng ấy được đặt vào một vấn đề gì sâu sắc hơn, giá như đôi khi họ không quá ham bộc lộ mình mà luôn luôn muốn cái "hồn" của vở diễn bộc lộ.

Lịch sử nghệ thuật luôn luôn được đánh dấu bằng tác phẩm rồi mới tới các cá nhân. Nhiều vở diễn từ thời cổ Hy Lạp tới nay còn được lưu chép lại rành mạch, dù không ai nhớ người đóng trong ấy. Sân khấu phải là một cái vòm xanh biếc chụp trên xã hội như bầu trời, và các ngôi sao sau đó mới lấp lánh. Tôi lại mơ tới một ngày mà vở kịch không phải là các trò diễn liên tiếp nhau.

Trần Đức Trọng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.