Chuyện thành tích trong giáo dục khó bỏ nhưng vẫn làm được

01/11/2006 23:24 GMT+7

Tôi là giáo viên trực tiếp giảng dạy từ nơi khó khăn (vùng kinh tế mới, huyện Bình Chánh) cho đến nơi có đầy đủ cơ sở vật chất (nội thành) đã hơn ba chục năm qua. Chuyện thành tích tôi rất bức xúc từ nhiều năm nay.

Việc "cỏn con" như dự giờ, bỏ lớp mình cho giáo viên dự khuyết dạy để chủ nhiệm đi dự giờ, một tuần chừng 3 lần là... "chết" cái lớp của mình! Người thao giảng thì phải rèn học sinh như robot, chỉ một tiết thôi mà giáo viên phải đầu tư ít nhất 3 buổi. Vâng thực tế là như thế. Tôi nghĩ, đó chỉ là hình thức - bệnh thành tích đó thôi. Đồng ý dự giờ là việc tốt, nhưng phải là giáo viên giỏi thật sự và chỉ cần 1 tháng 1 lần để đồng nghiệp học hỏi điểm ưu ấy, hoặc có nhiều cách phổ biến sáng kiến đỡ phiền hà hơn.

Ngay cả việc Phòng hoặc Sở xuống kiểm tra - nếu tôi là trưởng phòng hay giám đốc sở, thì tôi sẽ tới đột xuất, chứ báo trước thì mọi thứ đã chuẩn bị đâu vào đó cả rồi!

Có phải là hình thức không?

Ngay cả chỉ tiêu lên lớp của các em học sinh cũng vô lý. Lớp yếu mà đòi lên lớp 90% nếu không thì cắt tiên tiến của giáo viên chủ nhiệm thì vô lý quá đi chứ! Chúng ta không thả nổi tự do - vẫn đi vào nề nếp, nhưng phải khả thi. Làm sao so sánh những nơi khó khăn với thủ đô, nội thành? Ngay cả lớp yếu cũng cần có giáo viên giỏi - bồi dưỡng họ và không áp đặt chỉ tiêu thành tích. Vâng, có khó, nhưng không thể bó theo chỉ tiêu.

Tôi đã từng phát biểu tại hội đồng sư phạm khá nhiều lần, nhưng thấy tiếng nói của mình rất ư lạc lõng!

Hãy trả lại sự trung thực cho ngành giáo dục từ cấp thấp đến cấp cao. Ngành giáo dục sẽ làm được! Tôi tin rằng với cả tấm lòng vì thế hệ trẻ, chúng ta sẽ không chạy theo thành tích ảo, mà gặt hái những thành tích đích thực, thì sẽ đáng mừng biết bao!

Võ Đức Biệc
(cựu giáo viên quận Phú Nhuận, TP.HCM)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.