Những phút kinh hoàng trong tâm bão...

05/10/2006 13:53 GMT+7

Sau bão hai ngày, tôi chưa khỏi bàng hoàng khi nghĩ lại thời khắc đối mặt với cuồng phong. Lúc đó khoảng 9h15 ngày 2/10, sau hơn 2 tiếng đổ bộ, bão Xangsane đột ngột ngừng. Trời hửng nắng, nhiều người trong khu phố tôi ở đổ ra đường. Dù đã nhắn tin trước về hiện tượng mắt bão với vài đồng nghiệp đang đón bão nhưng tôi vẫn ngỡ ngàng trước vùng mắt bão.

Bầu trời im lìm đáng sợ. Một vùng sáng trắng trên đầu. Song, khi thấy một số người nhà bên leo lên mái chằng chống lại, tôi hét lên, cảnh báo: “Bão sẽ quay lại! Xuống đi!”. Họ vội tụt xuống, còn tôi thì... cưỡi xe ra đường, tác nghiệp. Chừng 20m, tôi dừng xe đối diện Bệnh viện Y học Dân tộc cổ truyền, vốn gần nhà. Chỉnh ngày giờ của chiếc máy ảnh HP Photosmart 435, tôi chụp được 3 tấm hình trong mưa như roi quất, nghĩ gần đủ để có thể quay về nhà. Nhưng chưa được 10 phút sau, bão đã quay trở lại từ hướng Đông Bắc, tôi không kịp trở tay.

Tôn, xốp và nhiều vật lạ khác từ phía đường Xuân Thủy bị bốc lên cao, theo đường Trần Thủ Độ bay rào rào về phía cổng bệnh viện. Bàng hoàng trước cảnh tượng như trong phim kinh dị, tôi nhìn quanh! Quay ra sau, thấy các cửa sắt dãy phố đều đóng kín, không thể chạy nấp vào đâu, tôi gần như dán chặt người vào tủ cáp điện lề đường. Gió rú mạnh, bứt bay một số vật dụng trên chiếc xe gắn máy. Nó rung lên bần bật rồi đổ xuống, cày qua cày lại trên mặt đường. Mặc, tôi định thần chụp hú họa mấy pô hình cảnh các vật thể đang bay. Dịu một hai giây, gió lại tiếp tục nổi lên, càng lúc càng hung tợn. Hai tay bám vào thành tủ cáp, hai chân ghì xuống mặt những viên gạch con sâu nhưng tôi biết mình không thể trụ lâu trước đường đi của bão.

Thoáng thấy từ trong ngã phố khác một thanh niên chạy xe ngang tầm mắt chừng 10m, tôi nghĩ đến chuyện thoát thân. Vậy rồi tôi lao ra, dựng xe lên. Chưa kịp nổ máy, đã thấy một tấm tôn bị bão xé rách, bay vèo đến đáp xuống trước đầu xe! Chạy hay không chạy? Nếu chạy, tấm tôn sẽ rượt theo nên tôi cố giữ vững xe, chờ tấm tôn bay tiếp. Như hiểu ý, nó bốc lên bay vèo, tôi rồ ga, men theo lề đường, quành về phía người thanh niên vừa vụt qua. Nhưng lại gió! Gió bị hút vào các ngã phố, cây đổ, dây điện đứt... và tôi ngã theo xe ngay trước một căn nhà im ỉm khóa. Bỏ xe, tôi vọt lên lề, bám chặt kẻ của cánh cửa sắt ngôi nhà. Phía trước mặt, tôn từ phía đường Trịnh Hoài Đức lại bay vèo vèo về phía ngã tư tôi đang trụ lại. Cây trứng cá trước mặt từ từ trốc gốc. Hai tay vẫn bám chặt cửa sắt, tôi thò đầu qua hông tường hầu tìm đường tránh những tấm tôn bay. Nhưng kìa! Cả mái nhà của xưởng mộc đang xiêu vẹo về phía tôi, những tấm tôn đập liên hồi. Không thể, tôi chôn chân tại chỗ, cầu trời. Bỗng chiếc túi nylon cột trên xe bay vèo, chiếc máy ảnh và chiếc điện thoại bị cuốn theo. Rất nhanh tôi nghĩ nếu không có hai vật đó thì cuộc “tác nghiệp” coi như bỏ. Tôi bươn theo, chụp lại và gió thổi tôi dọc theo con đường mới. Nương theo gió, tôi chạy. Thấy một ngôi nhà mở cổng, tôi lao vào nhưng sao lạ, căn nhà trống hoác. Hóa ra nó không còn mái. Quay ra, tôi mới biết đó là nhà anh Thanh sửa xe trong xóm.


Một miếng tôn bị bốc lên cao, ngang tầng 4 BV Y học Dân tộc Cổ truyền TP Đà Nẵng - Ảnh chụp lúc 9 giờ 29 ngày 1/10 khi tâm bão vừa đi qua.

Đang hớt hơ hớt hãi, chợt thấy bên kia đường có một gương mặt đang thò ra cửa sắt, tôi la to: “Cho tôi vào! Cho tôi vào!” Anh hé cửa, tôi lọt vào bên trong, nằm thừ ra trên ghế. Người ướt sũng, máy móc, giấy tờ cũng ướt... tôi lặng đi trong hơn 10 phút. Nghĩ đến đứa con trai 10 tuổi đang là đàn ông duy nhất “thay mặt” tôi ở nhà, giờ này chắc đang lo ba bị bão cuốn, tôi mượn điện thoại bàn của anh Trần Văn Dân (chủ nhà) gọi về. Tôi dặn “nói mẹ đẩy hết bộ salon tấn giữ cửa chính lại, gió đang thổi từ hướng biển, nếu nhà bay mái, tường sập thì cả nhả nấp vào toa-lét dưới cầu thang”. Cháu trả lời tôi: “Ba không được ra đường nữa. Chờ hết bão mới được về”.

Mệt mỏi và đói, tôi rít liên tục mấy điếu thuốc. Vợ chồng người chủ nhà sau khi leo lên cột thêm dây vào các đòn tay đang bị gió thổi rung bần bật, chạy xuống hỏi chuyện tôi. Khi biết tôi cùng xóm, làm báo, anh bảo: “Lên trên gác, chụp hình”. Vẫn còn run nhưng được anh đốc thúc, tôi liền đội nón bảo hiểm theo anh. Cửa kính trên gác có một lổ thủng, tôi thò máy và hai tay ra, chụp mấy pô hình. Hơi vướng, tôi đề nghị mở cửa. Anh và đứa cháu trai của anh làm theo và đứng ghì chặt cửa cho tôi “tác nghiệp”. Mưa quá, gió lại đập các mái tôn ầm ầm, bộ cửa sắt nhà phía xéo của ông tổ trưởng 21 bị gió đẩy sập, bồn nước và chiếc loa thông báo bão trên cao cũng bị bão quăng quật tơi bời. Một cặp vợ chồng phía bên kia đang dùng thang giúp nhau leo lên chằng chống mái trong mưa gió. Họ bình tĩnh giúp tôi bình tĩnh lây. Thấy cảnh nguy hiểm quá, tôi liền chuyển sang chế độ quay phim. Hết quay mưa bão, tôi quay đoạn phỏng vấn anh Dân. Anh nói: “Từ nhỏ tới giờ, tôi chưa thấy cơn bão nào dữ dằn như thế”. Anh đang nói ngon trớn bỗng vèo vèo, một tấm tôn từ đâu bay xẹt ngang lan can nhà anh. Cả ba hoảng hồn, thoát vội vào bên trong nhà.

Xuống cầu thang, tôi thấy có nhiều người đang vào nhà anh Dân lánh nạn. Lát sau, tổ cứu hộ 21 cũng xuất hiện. Họ đang chuyển người và đồ gia dụng từ nhà anh Thanh sang nhà anh Dân. Tôi liền khoác áo mưa, theo chân họ đi cứu hộ. Mưa gió ngoài trời vẫn chưa ngơi nhưng có giảm đi một ít. Chỉ thỉnh thoảng một cơn gió mạnh tạt đến, cả nhóm lại dồn vào nhau chống chọi... Đúng 11 giờ 30, thấy bão có phần lắng dịu, tôi báo cáo: “Chắc giờ bão đang vượt biên, qua Lào”.

Anh Dân chạy đi, tìm chiếc xe bị nạn dắt về và đồng ý cho tôi trở về nhà. Tính ra chỉ chưa đầy mấy chục mét mà tôi phải đi mất 150 phút! Nếu không có sự giúp đỡ của anh Dân, tôi đã bị bão cuốn bay...

Đặng Ngọc Khoa

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.