Xu hướng đàn ông nữ tính

07/11/2009 18:16 GMT+7

Ở Nhật Bản đang xuất hiện kiểu đàn ông “mới”, có ngoại hình và tính cách gần giống phái đẹp.

Ở tuổi 18, Mitsuhiro Matsushita đã có ý tưởng một tương lai... lý tưởng. Sau khi tốt nghiệp đại học, Matsushita sẽ đi làm vài năm rồi cưới một nhân viên làm công ăn lương mẫn cán. Khi có con, Matsushita sẽ ở nhà trông con, làm bánh và sống cuộc sống truyền thống của một bà nội trợ ở xứ sở hoa anh đào.

Tất cả những điều này đều dễ nghe, ngoại trừ một điểm: Matsushita không phải con gái mà là một chàng trai có suy nghĩ chín chắn, nói chuyện lưu loát và ăn mặc hợp thời. Matsushita thuộc một típ nam giới đang thu hút sự chú ý của dư luận Nhật. Có hai cụm từ được dùng để mô tả về họ, đó là soshokukei danshi (tạm dịch là trai nữ hóa) hoặc ojo-man (trai giống gái). Dù đa số những người này không thuộc giới đồng tính, nhưng họ không đếm xỉa những thú vui của đàn ông mà thích những cái vốn dành riêng cho nữ.

Theo báo Japan Times, típ đàn ông nói trên không mê “xế hộp” tốc độ cao, đồ hiệu và gái đẹp. Họ không đua đòi sự nghiệp mà chuộng những công việc bình thường. Họ ý thức về thời trang và ăn ít để giữ dáng. Họ thân thiết với mẹ và hai mẹ con thường cùng đi mua sắm. Họ không hứng thú với các cuộc hẹn hò với bạn gái và chuyện chăn gối. Họ kiểm soát tiền bạc rất chặt và thường mang theo vài thẻ tích điểm của các cửa hàng bán lẻ. Họ thích ăn quà vặt trong thời gian rảnh, thú vui được xem là “đậm chất nữ tính” ở Nhật.

Theo kết quả nghiên cứu mới đây của hãng bảo hiểm nhân thọ Lifenet Seimei, trong số 500 nam giới độc thân ở độ tuổi 20-30 được khảo sát ở Nhật, hơn 75% người mô tả mình là soshokukei danshi. Masahiro Morioka, giáo sư triết tại Đại học Osaka, cho rằng nguyên nhân của tất cả những thay đổi trên bắt nguồn từ thực tế là đàn ông ở Nhật đã được giải thoát khỏi sức ép phải có nhiều nam tính. Ông nói trên báo Japan Times: “Tôi nghĩ những đàn ông nam tính nhất là các quân nhân trên chiến trường. Những áp lực buộc đàn ông hành động có nam tính đã phai nhạt dần trong hơn sáu thập kỷ qua”. Chủ nghĩa quân bình ở nơi làm việc cũng góp phần hình thành kiểu đàn ông mới. Alexandra Harney, chuyên gia bình luận trên truyền hình Nhật, viết trên trang web www.slate.com: “Sau khi Nhật có Luật cơ hội làm việc bình đẳng vào năm 1985, phụ nữ được giao trách nhiệm lớn hơn ở nơi làm việc, thế rồi cán cân quyền lực giữa hai giới bắt đầu thay đổi”.

Theo Masahiro Yamada, giáo sư xã hội học ở Đại học Chuo ở Tokyo, nam giới nhiều nữ tính là hệ quả của tình trạng kinh tế suy giảm. Sau nhiều năm khó khăn, hiện rất ít đàn ông Nhật có thể chạy theo hàng hiệu, xe “xịn” và những cuộc hẹn hò tốn kém. Trong khi đó, khoảng 40% phụ nữ Nhật vẫn muốn hẹn hò với người đàn ông có khả năng kiếm ít nhất 6 triệu yen (khoảng 1,2 tỉ đồng)/năm. Trên thực tế số người đạt “tiêu chuẩn” này không nhiều.      

Khang Huy

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.