Một gói mì tôm cũng không có…

14/11/2010 16:41 GMT+7

“Cùng tham gia một chương trình, có những đối tượng khác được hỗ trợ, còn thanh niên một gói mì tôm cũng không có”. Đó là một trong những trăn trở của đại biểu tham gia hội thảo Chính sách đối với thanh niên tình nguyện vừa tổ chức tại Hà Nội.

Hội thảo do Ủy ban Quốc gia về thanh niên VN và T.Ư Đoàn chủ trì. Đa số các ý kiến cho rằng, muốn phong trào tình nguyện phát triển bền vững, cần có một chính sách phù hợp, đặc biệt là với những trường hợp thanh niên tình nguyện (TNTN) bị tai nạn, rủi ro khi tham gia hoạt động tình nguyện.


TNTN giúp người dân sửa nhà sau bão, lũ - Ảnh: H.X.H

Theo anh Bùi Việt Hùng - Phó bí thư Tỉnh Đoàn Hà Tĩnh, để phong trào phát triển bền vững cần được thể chế hóa bằng các chính sách của Nhà nước. Anh Hùng chia sẻ: “Một thanh niên đi làm một ngày công có thể nhận 100.000 đồng. Khi đi hoạt động tình nguyện ít nhất cũng phải cho họ 20.000 đồng, số tiền này không phải tiền công mà là hỗ trợ ăn trưa, xăng xe đi lại...”.

Trong trận lũ lịch sử vừa qua tại Hà Tĩnh, anh Hùng cho biết, có nhiều tấm gương TNTN xả thân trong lũ. “Khi nước lũ đang lên, ai là người cứu người già và trẻ em, ai là người cứu tài sản. Đó là thanh niên. Khi lũ rút, ai là người khắc phục hậu quả, dọn dẹp vệ sinh môi trường. Cũng là thanh niên. Chúng ta có thể kêu gọi sự tình nguyện của thanh niên một hay hai lần nhưng đến lần thứ 3 nếu không có sự động viên kịp thời e rằng rất khó huy động. Nhất là trong tương lai, VN càng phải đối mặt với biến đổi khí hậu, thiên tai dịch bệnh, cháy rừng... Ở những điểm nóng đó, TNTN luôn phải đối mặt với cái chết cận kề, hiểm nguy rình rập. Chúng tôi mong muốn có những chính sách an sinh xã hội cụ thể cho TNTN. Nếu bị thương, bị mất trong những trường hợp đặc biệt như: thiên tai, lũ lụt, thảm họa... phải được hưởng chính sách như thương binh, liệt sĩ” - anh Hùng kiến nghị.

Khi nước lũ đang lên, ai là người cứu người già và trẻ em, ai là người cứu tài sản. Đó là thanh niên. Khi lũ rút, ai là người khắc phục hậu quả, dọn dẹp vệ sinh môi trường. Cũng là thanh niên

Bùi Việt Hùng Phó bí thư Tỉnh Đoàn Hà Tĩnh

Sự ra đi của TNTN không chỉ để lại mất mát, nỗi đau về tinh thần cho gia đình và người thân, mà còn để lại những khó khăn chồng chất. Anh Nguyễn Hoàng Trung - Phó bí thư Tỉnh Đoàn Bắc Giang kể, có trường hợp, bí thư chi đoàn qua đời do tai nạn khi tham gia chương trình tình nguyện phá bỏ trường cũ nát, xây phòng học mới trong khi gia đình vô cùng khó khăn với hai con thơ dại mắc bệnh nan y. Trước hoàn cảnh éo le đó, Hội Doanh nhân trẻ Bắc Giang tự nguyện nhận đỡ đầu hỗ trợ 100.000 đồng/tháng cho mỗi cháu đến năm 18 tuổi. Anh Trung, băn khoăn: “Thực tế cho thấy có nhiều TNTN quên mình khi làm nhiệm vụ, nhưng hiện tại chưa có chính sách nào cho gia đình và thân nhân của họ. Chúng tôi mong muốn Nhà nước cần có chính sách phù hợp hay một danh hiệu xứng đáng phong tặng cho những TNTN đã hy sinh khi làm nhiệm vụ. Sự động viên về vật chất lẫn tinh thần có thể phần nào xoa dịu nỗi đau cho gia đình và người thân”.

Được hưởng chế độ theo quy định

Ngoài trang bị kiến thức, ưu tiên cộng điểm rèn luyện, giấy chứng nhận, huy hiệu “TNTN”... trong trường hợp bị tai nạn khi tham gia hoạt động tình nguyện làm khuyết một hay nhiều bộ phận cơ thể, làm suy giảm khả năng lao động, gây khó khăn trong sinh hoạt, học tập sẽ được hưởng chế độ theo quy định của Pháp lệnh Về người tàn tật… TNTN bị chết trong khi hoạt động tình nguyện được trợ cấp tiền mai táng bằng 8 tháng lương tối thiểu do Nhà nước quy định.

Dự thảo Chính sách đối với TNTN

Theo anh Tạ Văn Hạ - quyền Trưởng ban Thanh niên xung phong (T.Ư Đoàn), vấn đề an toàn trong hoạt động tình nguyện luôn được đặt lên hàng đầu, mặc dù hằng năm, trong kế hoạch tổ chức hoạt động tình nguyện T.Ư Đoàn luôn nhắc nhở các địa phương, đơn vị lưu ý đến công tác an toàn trong hoạt động tình nguyện, thế nhưng hầu như năm nào cũng xảy ra trường hợp đáng tiếc, có những năm 6 TNTN bị chết khi tham gia nhiệm vụ.

Anh Hạ cho hay, Ủy ban Quốc gia về thanh niên Việt Nam và T.Ư Đoàn sắp trình Thủ tướng Chính phủ dự thảo Chính sách đối với TNTN vào cuối năm nay. Nếu được thông qua, TNTN sẽ được hưởng một số chính sách cụ thể. Đặc biệt, đối với trường hợp thanh niên có hành động dũng cảm bảo vệ an ninh quốc gia, tài sản nhà nước, tính mạng và tài sản nhân dân nếu bị thương thì được xem xét, xác nhận hưởng chính sách như thương binh. Nếu hy sinh thì được xem xét, xác nhận là liệt sĩ theo Pháp lệnh Ưu đãi của người có công với cách mạng.

Thu Hằng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.