Dân chờ gạo, gạo chờ đường thông

21/10/2009 01:27 GMT+7

Bão số 9 đã gây thiệt hại nặng về giao thông cho huyện miền núi nghèo Tây Giang (Quảng Nam), trong đó có đoạn Lăng – Tr’Hy, tuyến độc đạo nối trung tâm huyện Tây Giang lên 4 xã khu 7 gồm Axan, Tr’Hy, Ch’ơm, Gari. Đây là những xã biên giới, thuộc loại khó khăn nhất của huyện Tây Giang nói riêng và Quảng Nam nói chung.

Nếu đi bộ từ Ch’ơm, xã xa nhất về trung tâm huyện phải mất gần 3 ngày. Điều đáng nói là dù bão đã qua hơn 20 ngày, trong khi các điểm sạt lở nặng hơn ở các tuyến đường khác đã được khắc phục, thông tuyến hơn 1 tuần nay thì trên tuyến đường này, mọi việc vẫn giậm chân tại chỗ. Tình trạng này đã khiến 5.675 người, trong đó có 715 học sinh và 200 giáo viên, đang phải đối mặt với cái đói khi lương thực, thực phẩm và thuốc men trong các kho tại chỗ đã cạn kiệt. 

Tuyến đường Lăng - Tr’Hy dài 18km, do BCH Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Nam là chủ đầu tư, đơn vị thi công là Công ty TNHH Thanh Tùng. Công trình này hiện vẫn đang được thi công và chưa bàn giao cho huyện. Trước tình hình tuyến đường trên bị sạt lở, UBND huyện đã liên tiếp gửi công văn đến các đơn vị liên quan đề nghị có phương án khắc phục nhanh chóng để có thể tiếp tế lương thực cho người dân. Nhưng mãi hơn nửa tháng sau bão, đơn vị thi công mới cho người và phương tiện đến hiện trường. Nhưng với 4 điểm sạt lở mà chỉ có 1 xe ủi loại D2, 1 cưa lốc, rựa, cuốc cùng vài công nhân, cho nên chưa thể thông tuyến. “Trong khi toàn xã hội đang dốc hết mình để giúp người dân khắc phục hậu quả thiên tai thì đơn vị thi công làm việc hết sức chậm trễ, ì ạch khiến người dân lâm vào tình trạng thiếu đói”, Chủ tịch UBND huyện Tây Giang, ông Bh’riu Liếc bức xúc.

Trong những ngày qua, để đối phó tạm thời tình hình, huyện đã huy động các lực lượng công an, xung kích, thanh niên, cán bộ huyện tạm thời gùi gạo lên cho người dân. Nhưng mọi nỗ lực trên cũng như muối bỏ bể khi số người dân hết lương thực, thiếu đói lên con số hàng ngàn. Nghiêm trọng hơn, nhiều người bị đau ốm, muốn chuyển xuống trung tâm huyện thì chỉ còn cách khiêng bộ suốt 3 ngày liền. Riêng trong ngày 19.10, đã có 3 ca cấp cứu từ các xã này được khiêng về trung tâm y tế huyện. Sự chậm trễ do điều kiện đi lại đã khiến bệnh tình của người dân càng nặng thêm. “Điều chúng tôi lo lắng nhất là tình hình khó khăn này ảnh hưởng trực tiếp đến 700 học sinh ở trường Bán trú cụm xã Lý Tự Trọng và hơn 200 giáo viên đồng bằng đang giảng dạy ở các xã”, ông Liếc lo ngại. Trong khi đó, 63,4 tấn gạo tiếp tế cho người dân khu vực này đành phải nằm chờ… đường thông.

Trao đổi với Thanh Niên ngày 20.10, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, ông Lê Minh Ánh cho biết: trước mắt, ngay trong ngày 20.10, tỉnh đã chỉ đạo huyện thuê xe múc, xe ủi loại lớn để giải phóng đất đá, thông tuyến đường. Đồng thời, tăng cường các lực lượng tiếp tục gùi gạo lên cho bà con. Riêng chuyện chậm trễ thông tuyến của đơn vị liên quan, tỉnh sẽ có cuộc họp làm rõ trách nhiệm.  

Vũ Phương Thảo

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.